PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, Đại học Xây dựng Hà Nội khi nhận xét về giao thông Việt Nam hiện nay cho rằng, mô hình giao thông hiện nay không giống bất cứ nước nào, không có trong sách vở. Trong khi đó chất lượng yếu kém về mọi mặt. Lợi ích và hiệu quả thấp, không bền vững.
Bên cạnh đó, giao thông đô thị ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn: tốc độ đô thị hóa và tăng dân số nhanh, dẫn đến nhu cầu đi lại và chất lượng cuộc sống đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao. Trong khi đó xe máy, ô tô cá nhân không kiềm chế được (kèm theo nhiên liệu sử dụng hiệu quả thấp). Hiện nay việc kiểm soát sự gia tăng của số lượng ô tô, xe máy ở nước ta là rất khó.
Mặt khác, đất trống dùng cho giao thông ngày càng bị thu hep. Quy hoạch sử dụng đất chưa gắn với phát triển bền vững và giao thông. Nững vấn đề trên dẫn đến nhu cầu giao thông tăng cơ học rất cao, trong khi đó, việc sử dụng đất hiệu quả kém dẫn đến ùn tắc giao thông kéo dài.
Cảnh thường thấy trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.
Nhìn thẳng vào những hạn chế trên, ông Đạo cho rằng, nguyên nhân là do công tác quản lý của chúng ta không có cái nhìn tổng thể, chưa coi trọng vận tải là một thể thống nhất, phức tạp. Chưa giải quyết tốt những tác động từ nhiều yếu tố:kinh tế, môi trường, giao thông đô thị, kỹ thuật và xã hội trong lĩnh vực giao thông vận tải dẫn đến việc hình thành những tuyến phố ùn tắc.
Hơn nữa, dạng đô thị chúng ta hiện đang dùng là không bền vững, chỉ coi giao thông và đường là công cụ kết nối, chia lô, phân ô. Không lấy giao thông công cộng làm định hướng cho quy hoạch sử dụng đất dẫn đến việc sai trầm trọng trong quy hoạch chức năng mạng lưới đường. Việc coi đường lớn cũng như ngõ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc.
Tại sao để xe máy, xe cá nhân phát triển như hiện nay. Tại sao cứ phải yêu cầu 20-30% quỹ đất dành cho giao thông. Quy mô mặt cắt ngang đường trong quy hoạch căn cứ vào đâu. Tại sao dân số đô thị trên 1 triệu lại không có bất kỳ phương tiện vận chuyển hành khách khối lượng lớn? Tất cả việc đó theo PGS.TS Đạo là do quy hoạch phương tiện thường đi trước quy hoạch hạ tầng. Hơn nữa, quy hoạch chi tiết thường duyệt trước quy hoạch chung đô thị dẫn đến việc phá đi làm lại.
3 cầu vượt của Hà Nội có thể bị phá bỏ do lỗi trong quy hoạch giao thông.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM thì cần thiết phải phát triển giao thông đô thị bền vững theo 3 mục tiêu chính: giảm sử dụng đất và nhiên liệu, giảm phụ thuộc vào xe cá nhân (ô tô, xe máy); tăng sử dụng đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng sẽ góp phần giảm ùn tắc.
Thực hiện các giải pháp dài hạn chủ yếu: quy hoạch đô thị được định hướng bởi giao thông công cộng và giao thông vận tải. Tập trung nguồn lực, xây dựng khẩn cấp đồng thời hệ thống hạ tầng phục vụ giao thông vận chuyển hành khách khối lớn. Xây dựng chiến lược giảm xe máy, ô tô cá nhân. Phải phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng.
Hơn nữa phải quản lý được nhu cầu đi lại của các phương tiện cá nhân, hạn chế tối thiểu sử dụng đất, giảm khoảng cách đi lại. Khoảng cách đi lại càng ngắn càng tốt. “Việc Sở Giao thông chuyển xuống Hà Đông không phải là biện pháp tốt để giảm ùn tắc giao thông, trái lại càng làm gia tăng ùn tắc vì khoảng cách càng ngắn càng tốt”, PGS.TS Đạo lên tiếng.
“Ngoài các biện pháp dài hạn trên, trước mắt cần xem xét lại chính sách, quy hoạch không thích hợp với giao thông. Các dự án phát sinh ra thách thức với giao thông. Cải thiện hạ tầng và cải thiện tổ chức giao thông, xây dựng công trình không vĩnh cửu… như thế mới có thể giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông”, PGS. TS Nguyễn Quang Đạo cho biết.
Theo VnMedia.vn