Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đã cận kề. Ngoài đường từng dòng người vẫn hối hả mua sắm để chuẩn bị cho một năm mới. Thế nhưng, với những lao động nghèo ở phố Hoàng Cầu, Định Công, Bạch Đằng, Quan Nhân… thì ước mơ của họ có một cái Tết đầy đủ xem ra còn rất xa vời.
Xóm "đồng nát" ngày giáp tết
Buổi chiều ngày cận tết, xóm “đồng nát” Hoàng Cầu vẫn thế. Những dãy nhà xập xệ nằm cạnh những bãi rác chất cao như núi đang bốc mùi hôi thối. Đây là nơi cư ngụ hàng trăm lao động làm nghề thu mua đồng nát. Họ đến từ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định…
Chị Lê Thị Tuấn (Kim Bảng, Hà Nam tâm sự, “chắc phải bám trụ đến 29 Tết rồi mới về quê, cố tằn tiện thêm chút tiền để mua cho con manh áo mới không tủi lắm…”.
17h30, hàng chục lao động nghèo vừa đi làm về. Người rục rịch chuẩn bị bữa tối, người chuẩn bị tắm rửa, ngoài sân mấy chị em tranh thủ nói chuyện phiếm từ giá rau, thịt…
Đang xếp lại đống sách báo cũ, chị Ngô Thị Mai, 36 tuổi (Xuân Trường, Nam Định) than thở, “gần Tết, nhiều nhà bàn nhau sẽ mua sắm gì, chơi cây cảnh nào cho sang, mang về nhà món gì lạ, thì phận nghèo như chúng tôi không dám nghĩ đến Tết”.
Phòng trọ của vợ chồng chị Mai rộng khoảng 6m2 đã xập xệ, đươc chắp vá bằng đủ loại vật liệu rẻ tiền hoặc tận dụng từ những tấm ni-lon thừa bỏ đi. Ngồi trong căn phòng ban ngày mà cứ ngỡ như trời đã chập choạng tối cùng với đó là những tiếng gió rít lùa lạnh thấu xương. Chị Mai giãi bày, “bao nhiêu năm vật lộn với cuộc mưu sinh, nhưng chưa một lần gia đình được ăn một cái Tết đúng nghĩa. Thậm chí cái việc quan trọng nhất là phải có miếng thịt cúng ông bà, tổ tiên bà cũng có năm được năm chăng”.
Người nghèo ở khắp các làng quê trên cả nước vẫn thờ ơ với không khí tết vì còn bươn bả với mưu sinh
Chị Mai lo lắng như vậy là bởi những ngày sau Tết, những người buôn đồng nát như chị sẽ chẳng có việc gì để làm vì tâm lý của nhiều gia đình không muốn bán đồng nát trong tháng Giêng. Chính vì thế mà cứ mỗi khi Tết đến, cả xóm ve chai của chị lại thấy buồn ghê gớm.
Những món quà tết từ phế thải
Trong ngôi nhà cấp 4 cũ nát chưa đầy 10 m2 nằm sâu trong ngõ An Trạch 2, phường Quốc Tử Giám, Hà Nội, 4 người phụ nữ làm nghề buôn đồng nát vẫn đang kì cạch đóng hàng. Chị Phan Thị Hoa (Đông Huy, Đông Hưng, Thái Bình) ngồi trên chiếc chăn cũ kĩ nơi góc nhà vuốt phẳng phiu 2 chiếc áo ấm cũ để gửi người cùng phòng mang về quê trước cho các con gái.
Chồng chị mất sớm, mùng 7 tháng trước là làm xong cái giỗ thứ 3. Chị có 3 người con, hai con lớn đã lấy vợ, gả chồng nhưng không giúp được mẹ. Con gái út đang học lớp 9, về mà không có gì cho nó thì cũng tội. Tháng trước, một người phụ nữ tốt bụng ở Trung Hòa thấy chị phong phanh manh áo mỏng giữa mùa đông đã cho cái áo cũ. Nhưng chị Hoa chẳng dám mặc, mà để dành đem về làm quà cho con.
Họ làm việc quần quật quanh năm suốt tháng nhưng cũng không thể có cái tết dư giả
Lên thành phố đi làm hơn chục năm nay, tất bật cả ngày lẫn đêm nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám cả gia đình Lê Thị Tuấn (Kim Bảng, Hà Nam). Cầm cái áo rét mới và đôi giàyvừa mua rẻ được ở chợ đêm Phùng Khoang chị Tuấn tâm sự, “chắc phải bám trụ đến 29 Tết rồi mới về quê được, cố tằn tiện thêm chút tiền để mua cho con manh áo, đôi giày mới không tủi lắm…”.
Một ngày làm việc của chị Tuấn rất tất bật. Buổi sáng, chị dậy từ lúc chưa tỏ mặt người, nấu cơm nắm muối vừng mang theo bên người, trưa ghé vỉa hè hay gốc cây ăn, thế là xong bữa trưa, khỏi phải ghé quán ăn, đỡ tốn tiền. Chị cười, mỗi ngày tằn tiện như vậy cũng để ra được vài ngàn thêm vào số tiền về quê.
Cũng giống như nhiều lao động nghèo khác, gia đình chị Ngà (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chẳng bao giờ có được một cái Tết tử tế. Trước đây chồng chị làm phu hồ nhưng sau đó sức khỏe yếu, anh bị đau sống lưng do những ngày làm việc quá lao lực nên phải nghỉ ở nhà.
Tại một lò gạch ở Thanh Hóa, tết đã cận kề nhưng hàng chục nữ công nhân vẫn chưa được nghỉ
Hàng ngày, chị phải đi làm thuê mọi việc để lấy tiền lo cho con ăn học. Chị làm tất, từ dọn nhà, giặt giũ quần áo đến ô sin... Chuyện sắm Tết với gia đình chị là chuyện xa xỉ. Chị bảo, Tết có gì ăn nấy, không có thì thôi chứ cũng chẳng câu nệ gì. Quần áo của hai đứa con, chị thường xin của những gia đình mà chị ghé mua ve chai hoặc tìm bới trong đống mà mình thu gom được có bộ quần áo nào vẫn còn lành lặn thì nhặt ra giặt rồi mang về cho con.
Vừa hết gánh hàng ăn di động, nhìn đồng hồ 6h tối, chị Trần Thị Đường (quê Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, Hưng Yên) rẽ vào quán tạp hóa quen thuộc trên phố Hòe Nhai. Người chủ cửa hàng đưa cho chị một túi măng khô, mộc nhĩ, miến và mì chính. Số thực phẩm ấy là đồ phục vụ cho cả gia đình trong 3 ngày tết mà chị đã gom tiền 2 tháng mới mua được. “Làm lụng cả năm cũng chỉ mong con có bữa cơm đầy đủ cuối năm thôi”, người phụ nữ quê Hưng Yên tâm sự.
Theo VnMedia