Công nhân tuần đường có nhiệm vụ đi bộ dọc tuyến đường sắt, kiểm tra đảm bảo an toàn đường ray cho các chuyến tàu. Hầu hết họ là người dân địa phương có tuyến đường sắt chạy qua.
Mỗi cung đường sắt dài khoảng 10 km, ngày làm việc chia làm 3 ban, mỗi ban 8 tiếng, công nhân đi bộ kiểm tra một lượt đi và về dài 20km rồi tiếp tục bàn giao cho ban khác. Gặp sự cố nhỏ như lỏng bù loong, ốc vít, tuần đường dùng cờ lê mang theo để sửa chữa tại chỗ. Với những sự cố lớn, họ sẽ bắn pháo sáng báo hiệu từ xa, dùng còi hiệu và cờ cho dừng tàu tránh nguy cơ xảy ra tai nạn.
Anh Chu Quý Thành đến với công việc tuần đường không chỉ vì tình yêu nghề mà còn để nối nghiệp cha - một công nhân đường sắt. Sau 35 năm trong nghề,khi nghỉ hưu có người đã đi bộ hết quãng đường bằng 4 lần chu vi trái đất.
Hầm tàu Pắc Khánh dài 1.069 mét thuộc cung đường Pắc Thủy - Bản Thí (Chi Lăng, Lạng Sơn) tối và dài hun hút nhưng kể cả không có đèn thì bước chân anh Thành vẫn chưa hề bước vấp. Đoạn ray nào trục trặc anh đều phát hiện ra và sửa chữa kịp thời.
Ban đêm, người tuần đường mặc thêm áo phản quang và cầm đèn hiệu thay cho cờ hiệu. Nhiều hôm sương gió, mưa lạnh, buồn chán nhưng họ không được phép lơ là, luôn tập trung và tỉnh táo suốt hành trình.
Trên cung đường của mình, công nhân tuần đường chỉ kịp chào hỏi qua loa dăm ba câu hoặc uống ngụm trà mạn với người gác tàu, ký sổ giao ban rồi lại tiếp tục hành trình đơn độc.
Với thu nhập trên dưới 3 triệu đồng một tháng thì chỉ có tình yêu với nghề, sự cảm thông của gia đình cùng những chuyến tàu an toàn rực sáng trong đêm mới tiếp thêm hơi ấm và sức mạnh cho bước chân của những người tuần đường tiếp tục cuộc hành trình nhiều vòng trái đất.
Khi bước chân bắt đầu mỏi mệt, những công nhân tuần đường được chuyển sang làm công việc mới là công nhân gác cầu, hầm đường sắt. Đây cũng là công việc thầm lặng của công nhân đường sắt cho sự an toàn của những chuyến tàu.