Những lưu ý đặc biệt khi cúng ông Công ông Táo ai cũng nên biết

Y.Dương |

Theo một số chuyên gia phong thủy, việc làm lễ cúng Táo Quân nên được tiến hành ở bàn thờ thần linh gia tiên.

>> Lễ cúng ông Táo 23 tháng Chạp cần chuẩn bị những gì?

>> 3 bài cúng ông Công ông Táo được nhiều người dùng nhất

Ngoài những thông tin về cách chuẩn bị mâm cúng ngày 23 tháng Chạp, những bài cúng được dùng phổ biến nhất (mời xem 2 link trên), trong ngày lễ này còn khá nhiều điều phải lưu ý mà nhiều người chưa biết.

Theo thông tin trên tờ Gia đình và Xã hội, nhiều nhà tâm linh khuyên người dân, không nên cúng lễ Táo Quân trước, hoặc sau ngày 23 tháng Chạp.

Nếu không tiện làm cỗ mặn thì dâng lễ bằng bánh chưng, khẩu giò (hay khoanh thịt vai luộc, gà luộc…) đều được cả, không nhất thiết phải nghi lễ thịnh soạn, rườm rà.

Cũng theo nguồn trên, khi mua mũ - áo – hia Táo Quân trọn bộ thường có cả bộ mũ – áo – hia của Quan thần linh. Các gia đình cần nhớ Bộ Quan thần linh chỉ dùng cúng và hóa đêm 30 Tết, không hóa cùng lễ cúng Táo Quân.

Theo một số chuyên gia phong thủy, việc làm lễ cúng Táo Quân nên được tiến hành ở bàn thờ thần linh gia tiên, không nên đặt mâm lễ cúng ở bàn thờ riêng để cúng ông Công ông Táo.

Một số khác cho rằng không nên đặt đồ lễ cúng ở ban thờ Phật.

Ngoài ra, cũng không nên bày lễ cúng ở bếp mà chỉ cúng ở ban thờ. Bởi ban thờ là nơi trang nghiêm, được coi là nơi giao tiếp tâm linh giữa các đấng thần linh và người trần.

Khi cúng, nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng. Dân gian cũng quan niệm, cá chép sau khi cúng phải thả trước giờ Ngọ (12h trưa 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên thiên đình.

Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen cầu xin những điều tốt đẹp, sung túc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy thì Táo Quân lên thiên đình báo cáo việc lớn nhỏ của gia chủ với Ngọc Hoàng nên các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt, không nói điều xấu với thiên đình.

Những năm trước đây, mỗi dịp 24 tháng Chạp, nhiều hình ảnh về những cách thả cá chép "đặc biệt" sau lễ cúng Táo Quân được đưa.

Theo đó, có người quẳng cá từ trên cầu xuống sông, suối, ao, hồ, có người ném cả túi nilon đựng cá xuống...

Các gia đình chỉ nên thả cá từ từ xuống nước để cá có thể sống được.

Người miền Nam cúng Táo Quân ra sao?

Theo nhà nghiên cứu Vương Đằng trong “Phong tục miền Nam” thì Tết Táo Quân của người miền Nam giản dị hơn người miền Bắc, chỉ cần một đĩa “thèo lèo cứt chuột”, một bộ “cò bay, ngựa chạy”, bình bông, nhang đèn hay đĩa trái cây là đủ.

“Thèo lèo” là kẹo đậu phộng, “cứt chuột” là kẹo vừng đen. “Cò bay, ngựa chạy” là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy, không làm có khung tre cầu kỳ kiểu miền Bắc.

Tết Táo Quân trong Nam không có tục trút lư nhang để thay cọng nhang, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ. (Theo Gia đình Việt Nam)

 

(Tổng hợp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại