Hiện nay, từ thành phố lớn cho tới các miền quê hẻo lánh xuất hiện khá nhiều “nhà sư” đi khất thực. Những người này ngụy trang rất khéo với áo cà sa, giấy chứng nhận quy y cửa Phật, luôn miệng nói “A di đà Phật”, thậm chí có người còn chuẩn bị cả giấy giới thiệu của nhà chùa… tuy nhiên tất cả chỉ là đồ giả. Các đối tượng này lợi dụng lòng từ bi của người dân để quyên tiền hay bán hương, nến... với giá đắt gấp năm, sáu lần giá bình thường.
Mạo danh nhà sư đi bán kinh sách lấy tiền hút chích
6 đối tượng là Võ Duy Ngân, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Cảnh Cần, Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Kiều và Trần Thị Hoa đều ngụ huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã chọn phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên (An Giang) làm địa bàn hoạt động.
Các đối tượng này sử dụng giấy tờ chưng nhận là tăng ni, giấy vận động quyên góp xây cất chùa rồi đến phường Mỹ Phước thuê nhà trọ ở, sau đó tụ tập thêm nhiều người hằng ngày đi quyên góp, bán kinh sách thu lợi hàng triệu đồng để ăn chơi phung phí và hút chích.
Cặp vợ chồng giả làm nhà sư để bán được nhiều hương
Hai đối tượng là Nguyễn Đình Trung và vợ là Nguyễn Thị Lan trú tại xã Chi Lăng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã rong ruổi trên chiếc xe máy cũ qua khắp các xóm làng của huyện Đô Lương (Nghệ An) để “kiếm ăn”.
Với vẻ mặt phúc hậu trên nền chiếc áo cà sa cùng giọng nói miền Bắc truyền cảm, dễ gần, hai “nhà sư” này đã gây dựng được niềm tin cho rất nhiều người dân ở đây.
Gặp bất cứ ai, cặp đôi này cũng tự xưng là phật tử của một ngôi chùa nổi tiếng mãi trong Tiền Giang. Với mảnh giấy quy y tam bảo, bọn chúng bán hương, nến lộc Phật với giá cao ngất ngưởng thu lợi bất chính.
Được biết, cặp vợ chồng này hành nghề bán hương và để bán được nhiều hàng nên đã nghi ra chiêu thức "độc đáo" và hiệu quả này.
Khoác áo cà sa đi khắp các chợ xin tiền
Cả bốn đối tượng với tuổi đời từ ngoài 20 cho đến 60 lần lượt bị Công an tỉnh Cà Mau bắt giữ trong khi đi khất thực.
Thủ đoạn của nhóm người này rất tinh vi, họ cạo trọc đầu, tay bưng bình bát rồi khoác áo cà sa lên người đi khắp các chợ ở Cà Mau xin tiền. Với gương mặt có vẻ phúc hậu và giọng nói hiền lành, bốn nhà sư giả đã đánh trúng lòng từ bi, trắc ẩn của nhiều người. Bằng chứng là số tiền trong các bình bát lúc công an phát hiện ít nhất cũng là vài trăm nghìn.
Làm việc với công an Cà Mau, bước đầu 4 đối tượng khẳng định là nhà sư thật. Tuy nhiên sau đó tất cả thú nhận đã cạo đầu giả sư để lừa gạt dân lành.
Trong khi đạo Phật và các nhà sư chân chính có những đóng góp rất tích cực cho sự phát triển của đất nước thì những kẻ lưu manh mặc áo cà sa kể trên đã vào vai rất xuất sắc, đánh lừa được không ít người có lòng từ bi, trắc ẩn. Không còn là một vài trường hợp cá biệt, việc người này hay người kia lợi dụng danh nghĩa nhà sư đi khất thực đã trở thành một hiện tượng của xã hội.
Nhìn từ góc độ lòng tin đơn thuần, những nhà sư giả đã làm dấy lên mối hoài nghi trong lòng người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà chùa. Mỗi khi ra đường nghe ai đó niệm Nam mô trên tay cầm bình bát nhiều người lại tự hỏi: "Quyên tiền thế này liệu có bị lừa hay không?"