Những điều chưa biết về Tướng Nguyễn Việt Thành

Nhật Trường |

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã lập nhiều chiến công hiển hách. Thời bình, ông là một vị tướng vang danh trong phòng chống tội phạm.

Nhắc đến Trung tướng Nguyễn Việt Thành (tức ông Tư Bốn) nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân- nguyên Phó Văn Phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang thì mọi người trong nước điều biết đến một vị tướng vang danh với lĩnh vực phòng chống tội phạm, nhất là thực hiện thành công chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” trước đây.

Thật ra cuộc đời của vị tướng này còn gắn bó với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Tướng Nguyễn Việt Thành tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi. Cả cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Từ một anh công an xã trưởng thành một cán bộ cấp cao của ngành công an...

Không chỉ là “người hùng” trong lĩnh vực đấu tranh, phòng chống tội phạm, tham nhũng, vị tướng này còn là Anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hàng trăm trận đánh vang dội, lập nên nhiều chiến công.

Đặc biệt, trong kháng chiến cống Mỹ cứu nước, Tướng Nguyễn Việt Thành đã làm cho kẻ địch khiếp vía với sáng kiến “bắn lựu đạn bằng dàn ná thun” hay nói rõ hơn là ông dùng dàn ná thun để bắn lựu đạn bay xa mấy trăm mét vào căn cứ, đồn bót của địch.

Ông kể: năm 1969 ông là đại đội trưởng đại đội vệ binh có nhiệm vụ bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Trong hoàn cảnh lúc đó phía ta gặp nhiều khó khăn về vũ khí, nhân lực... theo gợi ý của đồng chí Lê Văn Phẩm, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, ông nghiên cứu làm dàn ná thun để bắn lựu đạn.

Công trình này tưởng như đơn giản nhưng cực kỳ khó khăn; đó là làm làm sao để trái lựu đạn phóng đi nhanh, xa và trúng vào mục tiêu của địch.

Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng ông và đồng đội đã chế tạo thành công dàn ná thun để đánh địch.

Cụ thể ông sử dụng 3 kg sợi thun, thắt thành 2 sợi dây thun dài, chọn 2 cây vững chắc là trụ để buộc dây thun.

Để bắn lựu đạn, ông và 7 đồng chí khác thực hiện các công việc như: leo lên cây cao quan sát, nhắm tọa độ của địch, kéo căng dãn 2 sợi dây thun, lắp lựu đạn và thực hiện thao tác phóng lựu đạn.

Lựu đạn dùng để bắn ná thun phải là loại M26 có hình dáng nhỏ, nhạy nổ do địch chế tạo. Ê kíp này phải thực hiện nhịp nhàng thì trái lựu đạn mới phóng đi chính xác.

Theo Tướng Thành, dàn ná thun bắn lựu đạn đi xa gần 300 mét, độ chính xác khoảng 95%.

Nhờ dàn ná thun tự chế này mà ông và các đồng chí trong đại đội vệ binh đã đánh thắng nhiều trận, làm tiêu hao sinh lực địch và bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, không bị địch bắt.

Về ưu điểm của bắn lựu đạn bằng dàn ná thun, Trung tướng Nguyễn Việt Thành chia sẻ:

“Một là độ chính xác, hai là gây sát thương lớn, ba là nó không có hướng đề bar nên đối phó của địch rất khó khăn.

Cái nữa là nó không cần lực lượng đông, chỉ cần 7-8 anh em được huấn luyện thì nó sẽ thắng cả tiểu đoàn, trung đoàn”.

Từ năm 1969 đến năm 1974, dàn ná thun của ông Tư Bốn sáng chế đã vang danh khắp các chiến trường, làm hoang mang trong hàng ngũ địch.

Bản thân ông còn hướng dẫn cho các đơn vị của ta ở các chiến trường Long An, Bến Tre, Gò Công chế tạo dàn ná thun bắn lựu đạn.

Cuối năm 1975, có một đoàn làm phim từ Cộng hòa Dân chủ Đức sang Việt Nam để thực hiện bộ phim tài liệu về chuyện du kích địa phương sáng chế ra lựu đạn dàn thun để tấn công, làm tiêu hao sinh lực đối phương của ông.

Dàn ná thun bắn lựu đạn do Tướng Nguyễn Việt Thành sáng tạo là một minh chứng sinh động và cụ thể cho tinh thần gan dạ, quả cảm và trí thông minh, mưu trí của quân- dân ta; lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh từ tinh thần gan dạ dũng cảm trí thông minh của dân tộc Việt Nam.

Cũng với trái lựu đạn, vị tướng tài ba này đã gài trong chậu kiểng giết nhiều tên chỉ huy của địch.

Trong kháng chiến chống Mỹ ông đã 7 lần bị trọng thương; trong đó có 1 lần bị thủng ruột, phải lấy khăn rằn quấn bụng rồi chiến đấu tiếp, thoát vòng vây của địch.

Năm 1968, trong một trận càn ác liệt, ông Nguyễn Việt Thành đã cõng một cán bộ lãnh đạo cấp trên bị thương vượt qua lưới đạn ra khỏi vòng vây.

Sau đó ông quay lại cùng đồng đội chống càn, trận đánh kéo dài suốt 22 ngày đêm, cả hai bên đều chịu không ít thương vong…

Song cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của tỉnh Mỹ Tho luôn được bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Riêng trong chiến tranh chống Mỹ, Đại đội Vệ binh do ông Nguyễn Việt Thành chỉ huy đã đánh trên 100 trận, tiêu diệt hơn 200 tên địch, làm bị thương 230 tên, làm rơi 6 chiếc máy bay địch …

Với những thành tích trên, năm 1980, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân .

Năm 2009, khi nghỉ hưu theo chế độ, trung tướng Nguyễn Việt Thành về sống với gia đình tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo.

Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực với các hoạt động tại địa phương.

Thời gian gần đây, ông đã tích cực vận động kinh phí nhiều tỷ đồng xây dựng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, xây phòng học, nhà tình nghĩa, tình thương, trụ sở công an, UBND xã Thanh Bình; thường xuyên thăm viếng, tặng quà các gia đình chính sách, người dân đã từng cưu mang ông và đồng đội trong kháng chiến.

Về sự đóng góp của trung tướng Nguyễn Việt Thành, ông Lê Anh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo nói:

“Khi ông Thành về địa phương thì rất quan tâm đến gia đình chính sách, an sinh xã hội. Gần đây nhất, ông đã vận động, đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vai trò trách nhiệm của đảng viên khi về hưu thì ông hết sức quan tâm; tham gia đóng góp xây dựng đảng- chính quyền; thường xuyên nhắc nhở anh em ở Đảng ủy-UBND xã thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương”.

Trong những ngày cuối tháng 4 này, Trung tướng Nguyễn Việt Thành bận rộn đi thăm chiến trường xưa, thăm tặng quà cho gia đình chính sách, viếng nghĩa trang liệt sĩ.

Ông coi đó như một nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với quê hương, với bà con xứ sở.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại