Những công trình tưởng niệm lớn gây xôn xao dư luận

camnhung |

Đây đều là những công trình có kinh phí xây dựng rất cao và ý nghĩa lịch sử lớn nhưng lại khiến dư luận có nhiều điểm không hài lòng.

Thời gian gần đây dư luận đang hết sức quan tâm đến việc xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng với mức chi phí lên tới 411 tỷ đồng. Việc bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng tượng đài đã khiến không ít người cảm thấy bất bình và lên án. Nhiều ý kiến cho rằng việc làm này quá tốn kém trong khi số mẹ Việt Nam anh hùng còn sống thì đang rất cần sự giúp đỡ và hỗ trợ với mức kinh phí có khi chỉ bằng một phần nhỏ trong số đó.

Được biết số tiền được phê duyệt ban đầu là 81 tỉ đồng (vào tháng 8-2007) nhưng đến ngày 14-7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ký quyết định bổ sung 330 tỉ đồng cho dự án nâng tổng số tiền đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh lên hơn 411 tỉ đồng.

Quy mô của tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng xây trên tổng diện tích hơn 15 ha, gồm khối tượng chính và 8 trụ huyền thoại.

Trong lòng khối tượng là nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 950 m2. Chỗ cao nhất là 18 m, chiều dài vòng cung tới 120 m… làm bằng granit nằm ở khoảng không. Đây là nơi ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước và lưu giữ những hình ảnh tư liệu về phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…

Phác thảo cụm tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng - lấy nguyên mẫu hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam. Ảnh:Trí Tín

Không chỉ tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng mà trước đó không lâu hai công trình lớn kỉ niệm 1000 năm Thăng Long là “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” và “Tượng đài Thánh Gióng” cũng từng bị dư luận lên án về sự lãng phí làm mất đi ý nghĩa của các công trình lịch sử.

Quy mô của Con đường gốm sứ ven sông Hồng


Con đường gốm sứ ven sông Hồng được khởi công vào 10/2007, hoàn thành 5/10/2010 với kích thước 6.950m², chiều cao 1,7m (trung bình). Nó được xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy là một công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long của nhân dân thủ đô Hà Nội.

Công trình này đã nhận được giải thưởng "Bùi Xuân Phái" vì tình yêu Hà Nội" năm 2008.

Tuy nhiên, bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới (dài gần 4 km) đang xuống cấp rõ rệt.

Đã có rất nhiều luồng dư luận trái chiều xoay quanh bức tranh kỷ lục bằng gốm sứ này.

Trong quá trình xây dựng một số hoạ sĩ đã cho rằng đây là một dự án nghệ thuật nghiệp dư; con đường gốm nghệ thuật đã bị cắt khúc ra để làm quảng cáo...Còn sau khi làm xong được một thời gian không lâu con đường gốm sứ đã xuất hiện những vết nứt kéo dài, bức tranh gốm lớn nhất thế giới mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long còn bị bong tróc và được vá víu tạm bợ, khiến nhiều họa tiết trở nên lem nhem.

Trước đó công trình Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng cũng bị báo chí lên án vì sau khi xây dựng xong đã không được quản lý cẩn thận dẫn đến tình trạng bị xâm hại, bôi vẽ, khắc tên, xoa tay rất mất thẩm mỹ.

Quy mô Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng


Dự án tượng đài Thánh Gióng khởi động từ cuối 2007 và mẻ đúc đầu tiên được tiến hành cuối tháng 10/2009. Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân là người sáng tác mẫu tượng. Với tổng kinh phí 50 tỷ đồng (một nửa dành để đúc tượng), dự án do Giáo hội Phật giáo VN vận động bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Tượng đài Thánh Gióng

Tượng Thánh Gióng nặng 85 tấn, cao hơn 14 mét bằng đồng nguyên chất vừa được hoàn tất. Tượng sẽ đặt trên đỉnh núi Đá Chồng, đỉnh cao nhất của khu du lịch tâm linh Đền Sóc (Hà Nội).

Nhưng có lẽ nổi bật hơn cả phải nhắc đến vụ lùm xùm về ăn bớt 100 tấn đồng trong khi xây dưng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Quy mô Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ


Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tượng đài này có tổng vốn đầu tư 47 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp cơ sở hạ tầng 13 tỷ đồng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220tấn.

Năm 2004 khi hoàn thành, công trình được coi là tượng đài bằng đồng lớn nhất nước, nặng 220 tấn. Ảnh:Tuấn Kiệt

Tuy nhiên ngay sau 3 tháng khánh thành, hạng mục tường kè và sân hành lễ công trình Tượng đài đã xuất hiện các hiện tượng nghiêng, nứt, lồi lõm cục bộ, báo hiệu sự xuống cấp cho dù đơn vị thi công đã nhiều lần gia cố lại.

Cho đến năm 2007 trên thân tượng tiếp tục xuất hiện những vết rỉ đồng xanh và những vết rạn nứt. Và đến tháng 7 năm 2007, có 5 cán bộ đã bị bắt vì liên quan đến vụ "rút ruột" 100 tấn đồng của công trình lịch sử này.

Thiết nghĩ các công trình tưởng niệm lịch sử sẽ đẹp và ý nghĩa hơn nếu được xây dựng với một quy mô phù hợp với kinh phí vừa phải. Đồng thời các đơn vị thi công các công trình lịch sử này có trách nhiệm hơn với việc làm của mình để mang lại những tượng đài có giá trị ngàn đời - niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam.

Cẩm Trần

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại