Lễ Cúng Trăng…
Với người Khmer mặt trăng là một vị thần điều tiết và có ảnh hưởng lớn đến mùa màng. Để tưởng nhớ công ơn, vào dịp thu hoạch hoa màu họ làm lễ cúng trăng và được tổ chức thống nhất vào đúng đêm Rằm tháng 10 tại khuôn viên chùa và cũng có thể ở nhà hoặc nhiều nhà cùng tập trung dâng lễ tại nơi rộng rãi, nhìn trọn vẹn được cả bầu trời đêm trăng rằm. Thức cúng đặc biệt không thể thiếu trong lễ này là cốm dẹp, được quết từ lúa nếp.
Trước lễ cả tháng nhà nhà đã lo chuẩn bị làm cốm dẹp. Các thiếu nữ, các bà chị ra ruộng nếp lựa từng bông vừa chín tới, sau công đoạn rang sơ cho hạt vừa “dẻo” nhưng không nổ hạt, các mẻ nếp được cho vào cối gió vừa tay làm hạt cốm trở nên dẹp mình và tróc vỏ trấu. Hình thức của cốm dẹp, cách làm gần giống như cách làm “Cốm vòng” ở miền Bắc.
Lễ cúng trăng cũng liên quan đến câu chuyện cổ tích “Con thỏ và mặt trăng”. Chuyện kể rằng, xưa kia, thỏ từng là một kiếp hoá thân của Đức Phật khi ngài sống bên bờ sông Hằng. Một hôm, thần Sakah xuống trần gian giả làm người ăn xin để thử lòng thỏ.
Không có gì làm phước, thỏ đã nhảy vào đống lửa và nói “Mời người dùng thịt này”. Lửa bỗng tắt ngấm và người ăn xin biến mất, thần Sakah hiện ra khen ngợi lòng hy sinh cao đẹp của thỏ và vẽ hình thỏ lên mặt trăng. Vì vậy, nghi lễ cúng trăng cũng còn có ý nghĩa để tưởng nhớ đến tiền kiếp của Phật Thích Ca.
Chiếc ghe Ngo, đua ghe ngo…
Chiếc ghe Ngo không chỉ là vật dụng sinh hoạt văn hoá được chế tạo, bảo quản ở trong chùa của từng phum, sóc... mà chiếc ghe ngo còn là một linh vật đại diện cho phum-sóc, biểu tượng của sự ấm no, sung túc... Chính vậy mà tính chất của cuộc đua ghe Ngo luôn hết sức quyết liệt. Lịch sử đua Ghe Ngo không bao giờ nghe thấy từ “bán độ”. Ở Sóc Trăng, Lễ hội đua ghe Ngo ngày xưa được mở tại vàm sông lớn, đó là tại vàm Dù Tho, rồi đoạn giữa sông Nhu Gia. Ở Miệt thứ, Kiên Giang thường hay tổ chức ở Sóc Ven, Gò Quao, Ngan Gừa…
Các ghe đua dự lễ hội tự bắt cặp (cáp độ) đua từng đôi, từng đôi. Khi xuất phát, hai chiếc ghe không ở lằn mức nào nhất định bởi sông quá rộng. Hai ghe cứ bơi chầm chậm lấy trớn “so cựa” với nhau. 2 bên bờ trai gái cùng hò hát và múa để cổ vũ. Lời hát, điệu múa mang nội dung “khoe cái hay, cái đẹp, cái giàu có, trù phú…” của phum-sóc mình. Chỉ đến khi hai vị chỉ huy nhìn nhau đồng ý đua thì mới bắt đầu cuộc đua. Các cặp đua với nhau hoặc mạnh hơn thì có thể chấp “kèo”.
Ở cuộc đua ghe Ngo năm 2002 tổ chức tại Kiên Giang, đội trưởng đội ghe ngo “Xẻo Me” đó chấp kèo, bơi qua mặt rồi lơi nhịp chờ ghe kia lên ngang bằng và chỉ “bơi rút” vào 200m cuối… Ai dè đua ở biển không giống bơi trong sông nên ghe “Xẻo Me” thua…
…và những “tập tục xưa”
Trước khi ghe Ngo được “xuống nước” thì các “tay bơi” phải tập bơi trên những “giàn cây” được ráp trong con mương rộng hoặc cặp mé kinh. Giai đoạn này chủ yếu là để tập thể lực và rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng một tuần, các vị Krou Achar mới làm lễ Cúng đầu ghe, xin “Niếc” cho phép “xuống nước” để đội đua tập bơi thực sự trên sông nước.
Mỗi một chiếc ghe Ngo đều có một “linh thú” được chọn làm biểu tượng. Với ghe Ngo chùa Pô Thi Thlâng (Tập Rèn) huyện Kế Sách (Sóc Trăng), ngựa trắng được chọn làm “linh thú”. Đến xem hội đua ghe Ngo, hẳn ta sẽ được xem sự “so kè sức mạnh” của linh thú nào: Đại bàng, hổ, sư tử, ngựa trắng...
Khi đua, các ghe cũng “so kè” đường nước, đặc biệt kỵ nhất chuyện trước khi đua, trong lúc bơi “biểu diễn, bơi tập dượt” trên sông thì ghe của đối thủ đụng mũi vào lườn ghe của mình. Cũng nằm trong “lệ đua ghe Ngo xưa”, khi hai ghe đang đua nhưng nếu ghe kia vì bơi thua nên cố ý đụng làm cả hai chiếc bị chìm thì coi như “huề”.
Một lệ khác là khi hai ghe đang trên đường tới đích, hai mũi ghe gần nhau thì nếu người ngồi mũi của ghe này chồm qua giật được 1 chùm “Sok Đanh” – một linh vật của ghe Ngo đối thủ (búi tóc tự nhiên quấn lại với nhau thành một miếng không thể chải, gỡ được) hoặc cờ phướn trước mũi ghe thì cũng kể như đã thắng.
Kỹ thuật đóng ghe Ngo cũng có một bí quyết chỉ có các nghệ nhân đóng ghe Ngo biết thông thạo là nghệ thuật “dằn cây cần câu” ở giữa lườn ghe Ngo. Ngoài việc giữ cho chiếc ghe Ngo (xưa vốn là chỉ một thân cây độc mộc, nay đã thay bằng ván xẻ, miếng lớn) được chắc chắn, chịu đựng được nhịp nhún và lực của các tay bơi, chiếc cần câu cũng phải có được độ dẻo nhất định để làm sao nhịp cùng với mỗi nhịp nhún của các tay bơi khi khua dằm thì ghe Ngo mới “cất mũi phóng tới”. Có những nghệ nhân đóng nghe phải mất cả năm trời “đi săn lùng” thì mới tìm được cây tràm hoặc cây bạch đàn ưng ý để làm “cây cần câu”. Mà cũng chỉ sau 2-3 mùa đua bơi thì “cây cần câu” cũng phải thay thế.
Riêng với người ngồi mũi ghe Ngo. Tuy không có vai trò lớn trong cuộc đua nhưng vị trí này mang tính “biểu trưng” cao. Để được ngồi mũi, ngoài kinh nghiệm về bơi đua, người ngồi mũi còn phải là “một mạnh thường quân” trong bổn Sóc, đã có nhiều đóng góp về tài vật cho đội ghe như: Góp gạo, mổ heo, bồi dưỡng đường, sữa để “o bế gà của sóc mình”.
Người viết đã được nghe các vị trưởng lão kể lại rằng khi xưa, có người góp tới 200kg gạo và 1 con heo lớn trong suốt một tháng đội ghe chuẩn bị đua nhưng chưa chắc đã được ngồi mũi. Các đội đua ở xa thì phải tổ chức ghe Cà Hâu (một loại ghe lớn), ghe Cà Chai để làm nhiệm vụ hậu cần. Đến kỳ hội, ghe Cà Hâu chở các vị Sư, các vị Achar, ghe Cà Chai chở lương thực, chở người xem kéo tới chật cả hai bên bờ sông.
Ngày nay, đua ghe Ngo đã được tổ chức theo phương thức là một môn thể thao “chính quy”, nhưng những tập tục có tính chất “tín ngưỡng” vẫn được duy trì nghiêm ngặt.