Những cảnh sát chuyên mò tử thi

daquynh |

Hình ảnh nạn nhân trương phình không còn là điều quá khủng khiếp với các chiến sĩ đã bén duyên với nghề.

Thiếu tá Phùng Văn Trí đã có nhiều năm làm việc ở đội vớt xác Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP HCM. Tham gia vào hàng trăm vụ cứu hộ, người cảnh sát với gương mặt rắn rỏi này vẫn rợn người khi nhớ về những ngày đầm mình tìm nạn nhân vụ đắm tàu Hoàng Đạt 36 trên sông Sài Gòn.

"Từng mò tìm xác của biết bao người nhưng đây là một trong những lần khiến tôi đau xót tột độ. Sóng to gió lớn không quật nổi họ, vậy mà cách bờ chưa đầy 30 m nhiều anh em lại chết thảm", thiếu tá Trí trùng giọng.

Buổi chiều định mệnh năm 2007, khi Hoàng Đạt 36 đang tiến vào bờ cảng Lotus thì bất ngờ bị tàu Gas Shanghai đâm phải. Con tàu 2.000 tấn cùng 8 thủy thủ trong chốc lát bị nhấn chìm dưới lòng sông.

Lập tức có mặt sau khi nhận lệnh, anh Trí cùng các đồng đội chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, đem theo bình khí gieo mình xuống lòng sông sâu 11 m. Nơi con tàu xấu số gặp nạn là khúc cua tử thần, giao điểm của nhiều nhánh sông, nước xoáy, khiến việc tìm đường vào khoang lái tàu gặp nhiều khó khăn.

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Đội vớt thi thể nạn nhân vụ đắm tàu Hoàng Đạt 36 năm 2007.

"Sau nhiều giờ lặn mò, chợt có cảm giác tim mình đau nhói, tôi lẩm nhẩm cầu xin: 'các anh đang ở đâu'...?", anh Trí kể. Vài phút sau, anh rùng mình khi chạm vào mớ tóc ngắn bồng bềnh. Vội trấn tĩnh, người cảnh sát dang rộng cánh tay ôm chặt lấy nạn nhân, tìm lối thoát ra ngoài.

22 giờ, khi bến cảng tĩnh lặng, cũng là lúc anh Trí và đồng đội nghe rõ hơn tiếng gào khóc của gia đình các nạn nhân trên bờ. Không cầm lòng được, nhai vội miếng bánh mì, hơn chục con người mắt đỏ ngầu lại khoác bình lặn trầm mình dưới lòng sông lạnh ngắt. Đánh vật với dòng xoáy đến rạng sáng hôm sau, anh Trí cùng đồng đội đã vào được một khoang tàu. Và lần lượt nạn nhân thứ hai, thứ ba được đưa lên bờ… trong nỗi đau và cả sự ngóng chờ của thân nhân người xấu số.

Những gì anh Trí trải qua cũng giống như hàng chục đồng đội khác của anh ở đội cứu hộ cứu nạn Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP HCM. "Mỗi khi mò được xác người, nhìn cảnh thân nhân họ vui mừng là tụi này cũng vui theo", anh Nguyễn Ngọc Tốt, người có mặt từ những ngày đầu thành lập đội cho hay.

Là đội duy nhất trong cả nước được giao nhiệm vụ xông vào khói lửa, đào bới nhà sập hay lao vào giông bão để cứu nạn người gặp nạn, truy tìm tang vật vụ án... 75% phần việc của đội là tìm vớt thi thể. Việc ngâm mình nhiều giờ liền dưới nước lạnh, dơ bẩn là chuyện thường tình của lính cứu hộ, cứu nạn. Đa số lính mới "vào trận", khi tiếp xúc với xác chết đầu tiên thường bủn rủn tay chân, ói tại chỗ, sau đó bỏ cơm cả ngày.

Nhưng chàng trai Sài Gòn Nguyễn Tấn Huy (23 tuổi) lại khiến nhiều người trong đội bất ngờ với bản tính gan lì của mình. Mới làm quen môi trường “quân đội” vài tuần, Huy đã dũng cảm bế xác cụ ông bán vé số ngã xuống kênh Lò Gốm (quận 6) mà không cần đồng đội phía trên dùng dây kéo lên.

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Đội cứu hộ tham gia vớt 16 thi thể nạn nhân trong vụ chìm thuyền Dìn Ký trên sông Sài Gòn 2011.

Mới đây, đầu năm 2012, tàu Biển Nam bị chìm trên sông Nhà Bè (Đồng Nai), Huy nhận nhiệm vụ vớt xác một thủy thủ bị kẹt ở buồng máy, vị trí mà nhiều người hàng chục năm kinh nghiệm cũng cho là khó. Dưới độ sâu 20 m, tối om, Huy chỉ biết mò mẫm và cảm nhận. Cánh cửa vào buồng máy của tàu nhỏ chỉ vừa thân người nhưng đầy ngõ ngách. Sau gần 30 phút, khi tai đang ù đi thì Huy đã chạm được tới thi thể nạn nhân. Tuy nhiên để đưa xác ra ngoài phải đi qua những cánh cửa nhỏ hẹp còn khó hơn khi tìm đường vào. Sau 15 phút loay hoay, Huy đã ngoi lên mặt nước cùng thi thể nạn nhân trong sự vui mừng của cả tiểu đội.

Còn Huỳnh Văn Tuấn lại "bén duyên" với nghề từ sự tò mò. Vốn lớn lên ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, thanh niên này rất muốn tìm hiểu về "đội vớt xác" nên sau 4 tháng làm lính chữa cháy, Tuấn quyết định gia nhập tiểu đội này. Thử thách đầu tiên của anh là tìm vớt thi thể một nạn nhân chết khoảng 10 ngày đã bị thối rữa, trôi dạt và mắc kẹt ở cầu cảng Ba Son. Chưa một lần chạm vào xác chết, chàng trai 21 tuổi khi ấy đầy lo lắng.

“Tôi đoán biết được khung cảnh rùng rợn phía trước. Lúc đầu gió thổi mạnh nên mùi tử khí bị loãng ra nhưng khi đến gần cái xác thì mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào mũi”, Tuấn kể.

Hình ảnh nạn nhân trương phình, da thịt bong tróc khiến Tuấn run rẩy, buộc dây vào xác không chặt. Khi đồng đội trên bờ đang kéo xác vào thì nó bị tuột. “Chỉ huy bảo nếu để xác trôi mất, tôi bị kỷ luật. Lần này, tôi dùng tay kéo xác ra ngoài luôn. Giờ nghĩ lại, thì thấy đó là bài học tâm lý mà chỉ huy muốn dạy cho tôi", Tuấn cho hay.

Tính từ 10 năm trở lại đây, Tuấn cùng đồng đội đã 829 lần tham gia cứu hộ, trong đó tìm kiếm cứu sống 79 người, 431 thi thể nạn nhân. Có ngày 4 -5 vụ diễn ra liên tiếp khiến đội của Tuấn làm không xuể.

Làm một nghề mà nguy hiểm luôn trực chờ, nhiều đồng đội đã hy sinh nhưng những người lính đặt biệt này vẫn nguyện sẽ gắn bó. "Để họ nằm thêm dưới lòng sông phút nào là lạnh thêm phút ấy. Mỗi lần lên bờ tay không, nhìn thân nhân các nạn nhân ngã quỵ vì chờ đợi, chúng tôi lại thấy có lỗi, lại tiếp tục xuống nước", thiếu tá Trí nói và mong rằng càng ngày các anh sẽ càng ít việc.

Chùm ảnh ghi lại các chiến sĩ cảnh sát trong lúc thực hiện nhiệm vụ:

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn cho hay, khó khăn của đội hiện này là chưa có cơ sở diễn tập riêng, các anh thường phải ra sông Sài Gòn thay vì hồ bơi đạt chuẩn. Để có thể lặn dưới độ sâu vài chục mét, trầm mình dưới nước hàng giờ, lính cứu hộ phải trải qua thời gian diễn tập vài tháng.

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Đa số các anh đều xuất thân từ lính nghĩa vụ. Họ tự nguyện làm đơn xin gia nhập Phòng cứu hộ cứu nạn. Sau vài tháng thao trường tập luyện, họ sẽ được thử sức khi có xác chết trên kênh, sông...

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Trước khi "ra trận", họ thường tìm hiểu kỹ hiện trường qua những người chứng kiến.

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Để có thể vớt được một thi thể nạn nhân hay mò tang vật vụ án, các lính cứu hộ phải trầm mình dưới kênh nước đen đầy rác rưởi, hôi thối...

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Có những nơi bùn, sình lún sâu, các "chiến binh" phải vùng vẫy hết sức khó khăn.

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Ngoài nghề chính là lặn mò tìm xác, đội cứu hộ hiện nay được giao trọng trách ứng cứu tất cả các tai nạn xảy ra tại địa bàn TP HCM. Trong ảnh, đội đang giải cứu một nạn nhân bị một máy công nghiệp kẹp nát bàn chân ở huyện Bình Chánh.

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Đội còn tham gia tìm tang vật trong các vụ trọng án khi cơ quan điều tra nhờ đến. Trong ảnh là vụ tìm khẩu súng trên bến Chương Dương sau cuộc đọ súng giữa hai băng nhóm.

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Ngoài ra, đội cũng tham gia lặn tìm tài sản của người dân trong các vụ sạt lở...

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Một vụ đội cứu hộ cứu nạn tham gia diệt tổ ong đã đốt nhiều người bị thương ở huyện Bình Chánh.

nhung-canh-sat-chuyen-mo-tu-thi

Nhiều "trận đánh" kéo dài nhiều ngày, các nhân viên cứu hộ phải ăn uống và lăn ra ngủ tạm lấy sức để tiếp tục chiến đấu.

Theo VnExpress


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại