Những bức ảnh ám ảnh

Thu Hà |

“Bao giờ tôi được tự do?” là tên gọi bộ ảnh của anh Trần Hữu Vỹ (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) vừa công bố trên trang facebook cá nhân của mình.

Anh muốn kể với mọi người về số phận không may của 101 cá thể khỉ bị bắt và nuôi nhốt mà anh chứng kiến trong quá trình nghiên cứu và công tác từ năm 2006 đến nay.

Hình ảnh những chú khỉ mà anh Vỹ ghi nhận chủ yếu ở Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Quảng Bình, những nơi có cá thể khỉ của 5 loài khỉ ở Việt Nam sinh sống.

Đó là những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc những con vật này đang bị người dân nuôi nhốt xích cổ, xích chân hoặc dính bẫy giữa rừng.

Những câu chuyện được anh kể khiến người xem giật mình, xót xa, bởi những chú khỉ vốn được sống tự do nơi rừng xanh, núi thẳm bị “cầm tù” ở một nơi không phải là nhà của mình.

Anh Vỹ nhớ năm 2009, trong chuyến đi nghiên cứu ở Vườn quốc gia Chưmonray (Kon Tum), anh cùng một đồng nghiệp thấy một chú khỉ bị dính bẫy dây treo lủng lẳng trên không khoảng một tuần giữa thời tiết mùa mưa, độ ẩm trong rừng cao.

Vết thít ở cổ chân của chú khỉ bị tấy lên và thối, ruồi bắt đầu bu kín, lại không được ăn uống gì. Anh Vỹ và người bạn quyết định gỡ nó ra.

Tuy nhiên, anh không thể mang nó trở về vườn quốc gia ngay nên đành phải thả trở lại rừng.

Anh trầm ngâm: “Không biết nó có sống được không nhưng trong tình huống lúc bấy giờ thì thả nó về là phương án tốt nhất.

Nếu không may nó có chết thì cũng được chết giữa thiên nhiên, giữa “nhà” của nó”.

Những ánh mắt buồn rầu, những vết thương sưng tấy, hoại tử khi bị dính bẫy, nuôi nhốt của những cá thể khỉ trong bộ ảnh của anh Vỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Những ánh mắt buồn rầu, những vết thương sưng tấy, hoại tử khi bị dính bẫy, nuôi nhốt của những cá thể khỉ trong bộ ảnh của anh Vỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hay như trong chuyến đi ở cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum) năm 2011, anh bắt gặp một chú khỉ mặt đỏ đã già, trông rất đáng thương mới bị dính bẫy và người dân mang về nhà nuôi.

Thấy thế, anh cũng chỉ có thể hướng dẫn người dân vệ sinh vết thương cho khỉ cẩn thận để tránh bị nhiễm trùng và khuyên họ thả nó về với thiên nhiên, đồng thời báo với lực lượng kiểm lâm địa phương.

Năm 2009, khi lên huyện Chưprông (Gia Lai) khảo sát khoảng 10 ngày, anh Vỹ thấy cả chục cá thể khỉ bị nuôi nhốt tại nhà dân.

Báo với lực lượng kiểm lâm rồi mà khi trở về, anh không biết được số phận của những con vật này như thế nào nên cứ day dứt.

Anh cũng ám ảnh với hình ảnh những chiếc sọ khỉ trắng xóa giữa rừng khi đi đến rừng Kon Tum.

Những bức ảnh của anh Vỹ phản ánh chân thực nỗi khổ bị mất tự do của loài khỉ.

Khi quyết định công bố 101 bức ảnh “Bao giờ tôi được tự do?”, anh muốn nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo tồn loài khỉ.

Anh cũng muốn nhiều người thấy hình ảnh những chú khỉ bị dính bẫy, bị bắt nuôi nhốt không chỉ đáng thương mà cách con người đối xử với chúng như thế là quá tàn nhẫn.

Bên dưới mỗi bức ảnh, anh đều kể những câu chuyện về số phận của từng con khỉ, đồng thời cung cấp thêm thông tin về loài khỉ đó để người xem biết đặc điểm của từng loài, bởi có những con bị bắt và nuôi nhốt thuộc loại nguy cấp theo “Sách đỏ Việt Nam” như: Khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài…

“Mỗi loài khỉ có mức nguy cấp khác nhau, môi trường sống khác nhau, nếu thả chúng không đúng môi trường sống thì không khác gì bị cầm tù.

Khi người xem biết rõ các thông tin về khỉ thì ý thức bảo vệ sẽ cao hơn”, anh Vỹ cho hay.

Niềm vui nhất đối với anh Vỹ là sau khi công bố những bức ảnh nói trên, nhiều bạn bè đã chia sẻ thông tin; một số người khi thấy cá thể khỉ bị nuôi nhốt trái phép đã nhắn tin, gọi điện thông báo với  anh.

Mới đây, một cá thể khỉ vàng xuống khu vực nhà dân ở chân núi Sơn Trà tìm thức ăn đã được chủ nhà bắt lại, báo với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh phối hợp với Hạt kiểm lâm quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tiếp nhận và thả về khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Anh Vỹ chia sẻ: “Đừng thấy loài khỉ còn nhiều mà thờ ơ. Nếu cứ bẫy, bắt, nuôi nhốt bừa bãi, không ý thức thì dù nhiều nhưng sau một thời gian cũng sẽ hết.

Thậm chí, nếu không bảo vệ thì sẽ bị tuyệt chủng trước cả một số loài động vật trong danh sách nguy cấp sắp tuyệt chủng nhưng đang được đầu tư, bảo vệ”.

Để cứu được một cá thể khỉ, cần cả quy trình nhưng không phải cơ quan chức năng nào cũng có kỹ năng.

Vì vậy, rất cần những trung tâm cứu hộ để tuân thủ đúng quy trình và cứu được những chú khỉ.

Anh Vỹ cũng cho biết, trước mắt anh sẽ thành lập nhóm những người yêu khỉ để trao đổi thông tin về khỉ cũng như thông tin về hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.

Anh mong rằng, ý thức của người dân sẽ được nâng cao hơn; sẽ có nhiều người hiểu, cùng chung tay để bảo vệ những cá thể khỉ và những động vật hoang dã khác.

Việt Nam có 5 loài khỉ, hầu hết các loài khỉ của Việt Nam đều có đuôi, độ dài đuôi tùy thuộc vào từng loài. Khỉ có tứ chi dài tương đối bằng nhau gồm:

- Khỉ đuôi lợn, tên khoa học là Macaca leonina, sách đỏ Việt Nam phân hạng tình trạng bảo tồn sẽ nguy cấp VU A1c,d.

- Khỉ mốc, tên khoa học là Macaca assamensis, sách đỏ Việt Nam phân hạng tình trạng bảo tồn sẽ nguy cấp VU A1c,d.

- Khỉ mặt đỏ, tên khoa học là Macaca arctoides, sách đỏ Việt Nam phân hạng tình trạng bảo tồn sẽ nguy cấp: VU A1c,d B1+2b,c.

- Khỉ đuôi dài, tên khoa học là Macaca fascicularis, sách đỏ Việt Nam phân hạng tình trạng bảo tồn ít nguy cấp RLnt.

- Khỉ vàng, tên khoa học là Macaca mulatta, sách đỏ Việt Nam phân hạng tình trạng bảo tồn ít nguy cấp RLnt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại