Những ấn tượng không đẹp về xe buýt Hà Nội

daquynh |

Kể cả mùa đông, hành khách bước lên xe buýt cũng phải mướt mồ hôi vì nhiều lý do.

Dù là ngày nóng nực hay mát trời bước lên xe buýt ở Hà Nội cũng đều có vấn đề. Cách ứng xử giữa người với người trên phương tiện giao thông công cộng này khiến chúng ta đôi khi không thể không lắc đầu hay đỏ mặt thay họ.

Nhân viên xe buýt “nổi khùng” với hành khách

Trên những tuyến xe lúc nào cũng đông khách, tài xế, nhân viên xé vé nổi khùng với hành khách là chuyện thường tình như cơm bữa. Có nhiều chị em đi vé tháng lên xe quên bỏ khẩu trang cũng bị ăn mắng té tát, nhiều người từ quê ra thành phố không rành đường đi lối lại mới nhờ đến tài xế và phụ xe nhưng họ chỉ nhận lại thái độ dửng dưng của những người “thuộc đường như lòng bàn tay”.

Một hành khách từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi đi trên chuyến xe 19 đã rất ngạc nhiên khi bị nhân viên xe buýt nạt nộ vì chuyện anh này hỏi đường nhiều quá “Sao ở đây người ta dữ vậy, hay nổi nóng chẳng giống Sài Gòn” – vị khách không giấu nổi cảm xúc ngay trên xe.

Những cuộc hỗn chiến trên đường đi

Nhân viên và hành khách đánh nhau ngay trên xe không còn là chuyện lạ trên nhiều tuyến xe bus. Họ đánh nhau vì những lý do hết sức đơn giản đôi khi chỉ vì vài ba câu nói hay việc bước xuống cửa xe nhanh hay chậm… Có trường hợp nặng phải vào bệnh viện cấp cứu, nhân viên bị đuổi việc, sự việc sau đó ầm ĩ trên báo chí và phải nhờ tới sự can thiệp, phân xử của cơ quan công an.

Vẫn biết xe buýt chật chội, hành khách phải chen lấn, nhân viên, tài xế cũng khổ sở không kém khi lúc nào thần kinh cũng phải căng lên như dây đàn nhưng việc đánh nhau ngay trên xe là không thể chấp nhận được. Hình ảnh xe buýt Hà Nội khiến không ít người phải rùng mình khi vừa nghĩ tới.

nhung-an-tuong-khong-dep-ve-xe-buyt-ha-noi
Cảnh tượng thường ngày tại các bến xe buýt giờ cao điểm.

Những gương mặt lạnh lùng dửng dưng

Một nỗi thất vọng lớn mang tên xe buýt nữa là cách ứng xử của các bạn trẻ trên xe. Nhiều bạn khi thấy người già, trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai lên xe nhưng không hề có ý định nhường ghế. Nhiều bạn có ý định nhường ghế nhưng chỉ là nửa vời. Một chị có thai tháng thứ 7 đã không ngần ngại mà đáp lại rằng: “Đáng nhẽ em phải nhường hẳn ghế cho chị chứ không phải là để chị ngồi ké như thế này” khi một sinh viên khỏe mạnh, lành lặn ngỏ ý mời chị ngồi ké vào mép ghế. Hành khách kém lịch sự này sau đó cũng vẫn ngồi yên không nhúc nhích mặc cho mọi người lắc đầu ngao ngán.

Đáng trách hơn cả là nhiều trường hợp tài xế vội vã đóng cửa xe mặc dù biết có người già và trẻ nhỏ đang xuống xe khiến nhiều ngưỡi ngã dúi dụi xuống đường.

Nỗi ám ảnh móc túi

Từ lâu nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng một bộ phận không nhỏ dân móc túi là những cây tầm gửi sống nhờ vào chiếc xe buýt. Đi xe buýt ở Hà Nội đặc biệt là vào giờ cao điểm, sơ sảy một chút là bị mất đồ từ điện thoại, ví tiền cho tới cả latop. Hường (Sinh viên Đại học Hà Nội) kể lại vụ mất laptop trong nháy mắt của cô trên chuyến xe 39: “Hôm đó em từ bến xe về ký túc xá, laptop đựng cẩn thận trong ba lô đeo sau lưng nhưng vẫn bị kẻ móc túi mở khóa đánh cắp. Khi đó em không có cảm giác gì, chỉ khi xuống xe mới thấy nhẹ bẫng cả lưng, lúc đó thì đã quá muộn. Em nhớ có lúc trên xe anh xe vé đã nhắc nhở phải giữ đồ cẩn thận nhưng chủ quan quá”. Việc trên xe có móc túi các tài xế và phụ xe đều biết nhưng để được yên thân nhiều người đã chọn cách giữ im lặng và người thiệt thòi lớn nhất vẫn lại là hành khách.

Câu chuyện về xe buýt ở Hà Nội không phải bây giờ mới nói, người dân phàn nàn nhiều, báo chí cũng đã lên tiếng nhưng những sự việc “chướng tai gai mắt” vẫn cứ diễn ra từng ngày, từng giờ. Ước mơ về một thành phố xanh trong tương lai khi mà nhiều người sẽ coi xe buýt như phương tiện di chuyển chính có lẽ vẫn còn quá xa vời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại