Nhức nhối "tục chung vợ" bí mật ở những làng quê Ấn Độ

camnhung |

Munni phải quan hệ tình dục và sinh con với hai anh em trai của chồng chỉ vì họ… không thể tìm được vợ.

Munni đặt chân lên khu vực trồng mía màu mỡ ở phía Bắc Ấn Độ với tư cách là một cô dâu trẻ, nhưng cô không thể tưởng tượng được có ngày mình lại trở thành vợ chung của 3 anh em chồng. Munni phải quan hệ tình dục và sinh con với hai anh em trai của chồng chỉ vì họ… không thể tìm được vợ.

Mặc dù luật Ấn Độ đã cấm không tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng tình trạng phá thai nếu là bé gái tiếp tục tăng cao mà không có dấu hiệu giảm sút. Kết quả là tình trạng hãm hiếp, buôn bán nữ giới và sự nổi lên của “tục” chung vợ giữa các anh em trai đang gia tăng nhanh chóng ở mức báo động.

Vén màn tấn thảm kịch “chung vợ”

Không biết bao nhiêu lần, người dân trong ngôi làng nhỏ của huyện Baghpat thở dài nhìn về ngôi nhà cũ kỹ đang phát ra tiếng gào khóc và lắc đầu. Trong ngôi nhà ấy, hơn 20 năm nay đã vắng tiếng cười vui, thay vào đó chỉ toàn là những trận cãi vã, đánh đập và nước mắt. Có lẽ, sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như gia đình này không xảy ra cảnh 3 anh em cùng chung một vợ.

Vận trên mình một chiếc áo sari màu vàng, Munni - người phụ nữ trung niên tầm 40 tuổi, lấy khăn che mặt lại, đang ngồi tại một trung tâm cộng đồng ở huyện Baghpat, tỉnh Uttar Pradesh, đau xót kể lại: “Chồng và cha mẹ chồng nói rằng tôi phải làm vợ chung của ba anh em nhà chồng”.

Theo đó, chị buộc phải thực hiện nghĩa vụ làm vợ và mang thai với cả 2 người anh em bên chồng. Nghĩa vụ ấy được xuất phát bởi duy nhất một nguyên nhân: 2 người đàn ông còn lại bên chồng đã thừa tuổi kết hôn mà đến giờ vẫn không thể lấy được vợ.

Munni cũng cho biết, ba anh em nhà chồng thay nhau bắt chị “quan hệ” khi nào họ muốn, không kể ngày hay đêm. Hễ lần nào chị có ý phản đối, họ lại đánh đập chị không thương tiếc bằng bất cứ vật gì trong tay. Đó là những trận đòn khủng khiếp, khi thì chồng, lúc thì một trong hai người đàn ông kia, họ như muốn trút hết bao tức giận lên thân thể ốm yếu của chị. Rưng rưng nước mắt, chị kể lại: “Thỉnh thoảng, họ đạp tôi ra khỏi nhà và bắt tôi ngủ ngoài trời. Chưa hết, họ còn đổ dầu hỏa lên mình tôi và châm lửa đốt…”

Munni

Ba tháng sau khi lấy chồng, trong một lần đi khám bệnh, biết được cảnh ngộ và tình trạng sức khỏe do bạo lực gia đình gây ra, các bác sĩ đã khuyên chị nên chạy trốn khỏi nơi địa ngục trần gian ấy.

Nghĩ thì đắng cay, tủi nhục thật nhưng thương cha mẹ đẻ sẽ chịu về những điều tiếng không hay nếu chị bỏ chồng, và khi ấy chị cũng chưa đủ dũng khí và quyết tâm để thực hiện việc liều lĩnh đó. Nghĩ vậy, Munni lại lầm lũi chấp nhận nghịch cảnh làm vợ của 3 người đàn ông trong cùng một gia đình.

Sau những năm tháng khủng khiếp ấy, Munni sinh được ba cậu con trai. Nhưng trớ trêu thay, ngay cả bản thân chị cũng không thể biết chính xác ai là bố từng đứa trẻ. Tuy nhiên, Munni chỉ đăng ký kết hôn với một trong ba người đàn ông đó. Vậy theo Luật hôn nhân Ấn Độ, chỉ có một người đàn ông trong số họ là chồng của Munni.

Điều này đồng nghĩa với việc, 3 đứa con trai của chị chỉ gọi một người là “bố” (ngay cả khi người bố này không sinh ra chúng); còn 2 người còn lại gọi là “chú” hoặc “bác” (thậm chí, một trong hai người này mới chính là cha ruột của chúng). Như vậy, mối quan hệ huyết thống trong gia đình Munni bị xáo trộn, sống trong cảnh chung chạ, tạp hôn lẫn lộn.

Nhiều thanh niên trong gia đình không thể cưới được vợ

Những trường hợp như của Munni không phải là ít, nhưng rất hiếm khi họ dám đến tố cáo với cơ quan chức năng, bởi phụ nữ ở vùng này không được phép đi ra ngoài mà không có người nhà đi theo, cũng như lo sợ các hành động phạm tội mang tính kỳ thị sâu sắc với các nạn nhân. Cho nên, những người phụ nữ thường cam chịu nghịch cảnh hơn là tố giác, phản kháng.

Vì thế, có thể còn rất nhiều phụ nữ như Munni đang phải sống cảnh địa ngục trong những ngôi làng quanh đó. Không nói đâu xa, chính Munni là một bằng chứng. Hơn 20 năm sống chung chồng, có đến 3 mặt con mà Munni vẫn không chịu gửi đơn tố cáo lên cảnh sát. Đến tận ngày hôm nay, khi không thể chịu được sự hành hạ, nhục nhã nữa, chị mới dũng cảm tìm đến trung tâm cứu trợ cộng đồng xin được cầu cứu.

Sau khi xem xét, tìm hiểu, các nhân viên xã hội đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến “tục” chung vợ đang diễn ra phổ biến ở quốc gia này một cách bí ẩn là do tỷ lệ chênh lệch giới giữa nam - nữ. Theo một báo cáo nghiên cứu của tạp chí y khoa Anh Lancet cho thấy, con số lên đến 12 triệu thai nhi bé gái Ấn Độ đã được phá bỏ trong vòng ba thập kỷ qua.

Thêm vào đó, cuộc điều tra dân số Ấn Độ thực hiện năm 2011 cũng chỉ ra cụ thể rằng, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở mức cao nhất trong thập kỷ qua, cứ 1.000 bé trai thì có 858 bé gái, trong khi tỉ lệ trung bình trên thế giới là 940/1.000. Tỷ lệ trên là kết quả của việc phá thai khi biết mang giới tính nữ và không quan tâm chăm sóc khi các bé chào đời. Hệ quả này khiến số thai nữ bị bỏ nhiều hơn, gây tình trạng mất cân bằng giới. Kéo theo đó, nạn hiếp dâm, buôn bán phụ nữ và cảnh “vợ chung” giữa anh em cùng nhà trở nên phổ biến.

“Ở tất cả những ngôi làng trong quận Baghpat, có ít nhất 5 đến 6 nam giới không thể tìm được một người vợ. Ở một số nơi, thậm chí, có tới 3 đến 4 thanh niên trong cùng một gia đình không thể cưới được vợ. Đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng”, ông Shri Chand, một cảnh sát 75 tuổi về hưu cho biết.

Ông Shri Chand cũng cho biết thêm: tất cả những chuyện tương tự như thế này bấy lâu nay vẫn được giấu kín, không được tiết lộ ra ngoài. Không ai công khai thừa nhận nó, nhưng tất cả chúng tôi đều biết chuyện gì đang xảy ra. Mỗi gia đình mỗi kiểu. Có gia đình đã mua những cô dâu từ nơi khác về, trong khi nhiều gia đình khác bắt mấy anh em phải chung một cô con dâu. Với họ đó là giải pháp, chứ không quan tâm đến hậu quả sau này là tích cực hay tiêu cực, và tương lai của con cháu sau này sẽ ra sao.

Vấn nạn “trọng nam khinh nữ” vẫn còn đeo đẳng

Một vài lý do khiến người Ấn Độ thích con trai là vì khoản tiền khổng lồ để làm của hồi môn cho con gái khi đi lấy chồng. Các gia đình thường phải đi vay mượn để có tiền trang trải. Một cậu con trai, hay nói cách khác, một ngày nào đó sẽ mang về một cô dâu và cả của hồi môn. Chính vì vậy, nhiều gia đình không thể cưới vợ cho con, họ dùng tiền để mua cô dâu từ những vùng khác trên khắp lãnh thổ Ấn Độ. Đa số các cô gái là con những gia đình nghèo, vì thế họ đồng ý bán mình với giá 15.000 rupi (300 USD) để giúp gia đình.

Tuy nhiên, các cô không thể hình dung được một cuộc hôn nhân địa ngục đang chờ đón mình ở phía trước. Đó là cảnh khi phải làm vợ chung và sinh con cho nhiều người đàn ông trong một gia đình. Nghịch cảnh những đứa trẻ sinh ra không biết ai trong số đó là cha, là chú, là bác của mình…

Sabita Singh, 25 tuổi, là một nạn nhân của tư tưởng lạc hậu cổ hủ đáng lên án này. Singh bị gia đình gả bán từ khi mới lên 14 cho một người đàn ông lớn hơn cô 19 tuổi.

“Mọi thứ khởi đầu thật khó khăn, có quá nhiều thứ cần phải học, trong khi tôi chẳng hiểu gì. Tôi cứ nghĩ mình đến đó để chơi”, Singh tâm sự về suy nghĩ của cô khi mới được gả bán về nhà chồng năm 14 tuổi. Việc buôn bán phụ nữ bị coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ, nhưng tội ác này ngày càng trở nên phổ biến mà cơ quan chức năng không thể xử lý.

Thứ nhất, đây là vấn nạn do chính cha mẹ, người thân của cô gái đó gây ra dưới các hình thức “chui”. Thứ hai, ngay bản thân nạn nhân không chịu tố cáo vì một vài nguyên nhân nào đó. Thứ ba, hàng xóm xung quanh dù biết chuyện nhưng không muốn can thiệp vì sợ rắc rối.

Ngoài ra, nhiều khu vực của Ấn Độ, nam giới được coi là tài sản bởi họ được cho là người có trách nhiệm chăm sóc gia đình, giữ tên cho dòng họ và thực hiện các thủ tục cúng giỗ cho cha mẹ. Trong khi đó, nữ giới được coi là một món nợ bởi các gia đình có con gái sẽ phải cung cấp một khoản hồi môn khi con gái đi lấy chồng.

Có thể nói, nạn chung chồng khủng khiếp nói trên sẽ không thể được xoá sổ nếu tình trạng trọng nam khinh nữ ở một số khu vực của Ấn Độ vẫn còn tồn tại. Mặc dù luật Ấn Độ đã cấm không tiết lộ giới tính thai nhi nhưng tình trạng phá thai nếu là bé gái tiếp tục tăng cao mà không có dấu hiệu giảm sút.

Mặc dù tháng 3/2006, lần đầu tiên, một bác sĩ Ấn Độ là Anil Sabani đã bị kết án 2 năm tù vì tội cho một cặp vợ chồng biết giới tính của đứa con còn trong bụng mẹ. Những người ủng hộ luật đã hoan nghênh phán quyết của tòa đối với bác sĩ Anil Sabani. Bác sĩ Sabani và trợ lý Kartar Singh bị bắt quả tang trong một chiến dịch được thực hiện ở bang Haryana (miền bắc Ấn Độ).

Trong chiến dịch này, quan chức địa phương đã gửi ba phụ nữ mang thai tới phòng khám để xem liệu vị bác sĩ có cho họ biết giới tính của thai nhi hay không. Việc ghi hình bí mật cho thấy ông này đã tiết lộ cho một phụ nữ biết rằng đứa bé trong bụng là con gái.

Theo luật pháp Ấn Độ hiện hành, nạo thai là hợp pháp. Tuy nhiên, nạo thai vì giới tính thai nhi là trái pháp luật. Và “tục” chung vợ này cũng sai phạm luật hôn nhân quốc gia, nhưng hiện Chính phủ chưa thể đưa ra biện pháp khắc phục triệt để.

Theo Hạ Lâm

PNTD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại