Nhiều tình tiết mới trong vụ kiện chai nước ngọt chứa thủy tinh

Phương Nhi |

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho thấy: Dấu vết dập ép ở nắp chai cam ép của nguyên đơn khác so với chai mẫu so sánh.

Sáng nay, ngày 23.09.2015, Tòa án Nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã đưa ra xét xử vụ án người tiêu dùng (NTD) kiện Công ty Coca Cola Việt Nam vì chai nước mang nhãn mác Splash có ống thủy tinh và tạp chất.

Trong phiên xét xử này đã xuất hiện nhiều tình tiết mới.

Nắp chai chứa “dị vật” khác so với chai mẫu của Coca Cola

Tại phiên tòa, ông Trần Minh Bình – giám định viên tư pháp, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết:

Dấu vết dập ép ở nắp màu đỏ hồng của chai thủy tinh nhãn hiệu “Splash Minutemaid” 240ml, bên trong đựng nước màu vàng gửi đến để giám định có đặc điểm khác với đặc điểm của dấu vết dập ép của 63 chai thủy tinh gửi đến làm mẫu so sánh.

Cụ thể, theo kết quả giám định ông cung cấp: Dấu vết dập ép trên chai Splash mà khách hàng Minh mua, nắp màu hồng, trong đó có đựng nước màu vàng, có 21 đường dập ép gồ lỗi lõm.

63 chai Coca mẫu hãng gửi tới để so sánh cũng thế, mặt thường thoạt nhìn thấy rất giống nhau.

Tuy nhiên, khi so sánh, đường cong của các đường dập ép trên chai nước chứa thủy tinh của chị Minh lệch so với mẫu so sánh.

Chai của Coca Cola độ lượn sóng cong hơn so với chai nước chứa “dị vật” trong khi đó 63 chai mẫu so sánh với nhau đều rất ăn khớp.


Ống thủy tinh trong chai nước mà chị Minh mua phải nhìn kỹ mới thấy vì đồng màu với vỏ chai. (Ảnh: Công ty luật Youme)

Ống thủy tinh trong chai nước mà chị Minh mua phải nhìn kỹ mới thấy vì đồng màu với vỏ chai. (Ảnh: Công ty luật Youme)

Tuy nhiên, Viện Khoa học hình sự khẳng định: Không phát hiện thấy dấu vết mở ra và đóng lại ở nắp màu đỏ hồng của chai thủy tinh nhãn hiệu “Splash Minutemaid” dung tích 240ml gửi tới giám định.

Tại phiên tòa, Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, giám định viên hóa lý, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an chia sẻ, với yêu cầu của tòa án phải đo được độ kín nắp chai nhưng vì mẫu giám định chỉ có 1 chai nên không thể tiến hành kiểm tra được.

Ông Tuấn nói: “Chúng tôi đã phối hợp sử dụng máy móc của nhiều cơ quan chức năng khác như Viện công nghiệm thực phẩm, trung tâm đo lường và các cơ sở sản xuất khác như các nhà máy bia, viện hóa công nghiệp…

Tất cả các đơn vị đó đều không có máy đo độ kín nắp chai”.

Với mong muốn đo độ kín nắp chai, các giám định viên của Viện Khoa học hình sự cũng đến tận nơi nhà máy sản xuất của Coca Cola để đo tại chỗ.

Nhưng máy của Coca phải dùng vòi, bơm khí qua nắp chai, sau đó nhúng trong bình dung dịch, đồng hồ sẽ thể hiện áp suất trong chai. Tuy nhiên, áp suất có thể khiến nước trong chai trào ra.

Với trường hợp này, mẫu vật chỉ có 1 chai, nếu bơm khí vào, nhiều khả năng bật nắp chai, dung dịch nước bên trong sẽ trào ra.

Nước trào ra thì công việc giám định dung dịch nước trong chai lại không thực hiện được nữa. Chính vì vậy, Viện đã không sử dụng máy đo của Coca Cola.

Trước đó, giám định của Viện Khoa học hình sự cho biết sản phẩm của công ty Coca Cola gửi đến giám định tương tự với thành phần và các chỉ tiêu lý hóa của các mẫu do công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp làm mẫu so sánh.

Không chỉ có mảnh thủy tinh, chai nước cam ép của nguyên đơn còn chứa nhiều rác và tạp chất. (Ảnh: Luật Youme)
Không chỉ có mảnh thủy tinh, chai nước cam ép của nguyên đơn còn chứa nhiều rác và tạp chất. (Ảnh: Luật Youme)

Tại phiên xét xử hôm nay, với yêu cầu của chủ tọa giải thích từ “tương tự” trong kết luận này, ông Tuấn bày tỏ: Khi phân tích chai cam ép mẫu giám định mang nhãn của Coca Cola, nguyên tắc giám định dựa trên bảng công bố đăng ký tiêu chuẩn của Coca Cola.

Thành phần chính trong chai Splash Minutemaid của Coca bao gồm: nước cam ép, chất màu và chất bảo quản.

Dựa trên phân tích, các chỉ tiêu mẫu giám định và mẫu so sánh đều nằm trong giới hạn cho phép của Coca Cola.

Tuy nhiên, bản thân nước cam có các axit hay lượng đường với hàm lượng khác nhau, chất màu cũng phụ thuộc vào từng lô nước cam để pha màu.

Hơn nữa, quyết định trưng cầu giám định vào năm 2012 nhưng mẫu cũng hết hạn trong năm 2012.

Do vậy, Viện Khoa học hình sự chỉ nói “tương tự” chứ không dám khẳng định mẫu kiểm tra mang nhãn Splash Minutemaid ấy là sản phẩm của Coca Cola.

Luật sư Phạm Ngọc Minh, công ty Luật YouMe đơn vị ủy quyền bảo vệ cho khách hàng cho rằng: “Với 2 kết quả giám định trên:

Thứ nhất, không thấy dấu hiệu mở ra đóng lại, thứ hai, các chỉ tiêu lý hóa tương tự với mẫu Coca gửi tới so sánh. Đây là căn cứ cụ thể khẳng định đó là sản phẩm của Coca.

Nếu không, Coca phải chứng minh được đây là sản phẩm bị làm giả.

Còn thực nghiệm trước đó Coca thực hiện tại tòa trong phiên sơ thẩm, chỉ chứng minh Coca không an toàn cho người sử dụng chứ không thể là căn cứ để nói chai nước của chị Minh đã bị “can thiệp”.

Ông Minh cũng dẫn chứng:

Theo Điều 23, Luật bảo vệ quyền lợi NTD, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD.

Kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá cung cấp cho NTD.

Căn cứ quy định nêu trên, dù chai nước ngọt của Coca Cola có “dị vật” mà Coca Cola không biết hoặc không có lỗi trong việc gây ra “dị vật” trong chai thì Coca Cola vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Thêm vào đó, có đủ căn cứ để khẳng định: Có một sản phẩm lỗi của Coca đã lưu hành tại thị trường Việt Nam, nếu sử dụng ảnh hưởng tới tính mạng nên Coca phải bồi thường chính đáng cho khách hàng.

Coca Cola “phủi” trách nhiệm

Tại phiên tòa, phía Coca Cola đã "phủi" trách nhiệm bằng cách lập luận cho rằng vết dập ép trên nắp chai có chứa ống thủy tinh và rác không giống với mẫu chai mà Coca Cola cung cấp cho Viện Khoa học hình sự.

Coca Cola khẳng định dây chuyền đột dập của Coca Cola không thay đổi nên chai nước có dị vật không phải là chai do Coca Cola sản xuất.

Luật sư đại diện cho phía Công ty nước giải khát Coca Cola Việt Nam lên tiếng: “Sau khi nghe xong kết quả giám định của giám định viên, tôi nghĩ không cần giải thích gì thêm.

Tất cả các vụ kiện đều xem xét chai đã được mở hay chưa. Nếu mở rồi thì không còn giá trị gì hết”.

Cũng theo luật sư của Coca Cola, vụ kiện này có “nhiều vấn đề” rất đáng ngờ: Thứ nhất, phía nguyên đơn cũng là nhân chứng duy nhất của vụ việc đó là bà Bình Minh thì bà này không ra tòa dù yêu cầu rất nhiều lần.

Thêm vào đó, tại sao khách hàng không xem kỹ trước khi mua, tại sao không đem trả lại người bán…

Những lời khai chỉ nghe được, tường thuật lại từ phía công ty Luật Youme chứ không được nghe trực tiếp từ phía khách hàng.

“Nếu không xuất trình những tài liệu nghe được, nhìn được… thì không được coi là chứng cứ” – luật sư của Coca nhấn mạnh.

Luật sư phía Coca Cola phủi trách nhiệm đối với chai nước cam ép chứa thủy tinh. (Ảnh: Phương Nhi)
Luật sư phía Coca Cola "phủi" trách nhiệm đối với chai nước cam ép chứa thủy tinh. (Ảnh: Phương Nhi)

Theo luật sư này, điểm chung của các chai nước có “dị vật” được phản ánh đều là các chai nước thủy tinh dập bằng nắp khoén.

Đây là loại chai nước được tái sử dụng nhiều lần vì mở ra đóng lại rất dễ và mắt thường khó phát hiện ra.

Tuy nhiên, với các cơ quan giám định thì hoàn toàn có thể phát hiện ra, nhất là khi các đầu dập của Coca Cola đều giống nhau.

Các chai nước của Coca sản xuất theo dây chuyền toàn cầu, trong khi đó, nắp màu đỏ hồng của chai nước mà khách hàng Bình Minh mua dấu dập khác với mẫu của Coca. Điều này chứng tỏ không phải nắp chai mẫu của Coca Cola.

Hơn nữa, với quy trình kiểm soát chặt chẽ của Coca Cola, dị vật không thể lọt vào. Viện Khoa học hình sự đã thử cho thủy tinh vào vào chai nước của Coca, cho chai nước lên máy soi của hãng thì phát hiện ra lỗi ngay.

Vì vậy, việc có dị vật là không thể xảy ra nên khả năng có lỗi bị loại trừ.

Luật sư của Coca thẳng thắn: "Đã đến lúc chấm dứt các cáo buộc vô lý, bằng chứng chỉ được công nhận bằng công cụ khoa học. Chấm dứt việc hạ thấp uy tín của Coca Cola".

Đồng thời, đại diện phía Coca yêu cầu tòa bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì không có bằng chứng.

Tuy nhiên, phản bác lại biện minh từ phía Coca, luật sư của nguyên đơn cho rằng: bà Minh chỉ là một NTD bình thường.

Khi họ đi mua một chai nước, uống xong 4 chai thì thấy một chai có dị vật, họ thông báo cho Coca Cola rồi khi thấy không thỏa đáng, họ kiện ra tòa. Đó là chuyện hết sức bình thường.

“Đã có quá nhiều yêu cầu đối với một người mua sản phẩm của Coca Cola. Nếu tòa án thấy cần thiết, bà Minh sẽ được triệu tập, đằng này, tòa chưa triệu tập” – luật sư Phạm Ngọc Minh nói.

Hơn nữa, bà Bình Minh kiện không phải vì riêng bà Minh, bà mua chai nước đó 7.000 đồng, đòi quyền lợi không phải vì giá trị kinh tế.

Việc đưa sản phẩm lỗi ra ánh sáng là hành động đáng khen chứ không phải là việc đặt điều, hạ thấp uy tín của Coca Cola

“Nếu phía Coca có nghi ngờ liên quan gì đó tới hành động chơi xấu đối thủ cạnh tranh thì phải nêu ra chứng cứ.

Chúng tôi đã hỏi: Đây có phải là chai nước Coca Cola sản xuất hay không? Coca đã không trả lời. Do đó, cũng không thể khẳng định: Đây không phải là chai nước của Coca Cola”.

Theo thông báo, 14h chiều nay 23/9/2015, tòa sẽ tuyên án.

Trước hành động “phủi” trách nhiệm của Coca Cola Việt Nam, trao đổi với chúng tôi, luật sư Vũ Thái Hà – Giám đốc Công ty Luật TNHH Youme, tổ chức bảo vệ bà Nguyễn Thị Bình Minh cho biết:

Lý do mà Coca Cola Việt Nam đưa ra nhằm chối bỏ chai nước Splash do mình sản xuất là không có căn cứ và khôi hài, vì:

1. Chai nước có dị vật đã được Viện Khoa học hình sự giám định, có thành phần nước, vỏ chai, nắp chai, sơn trên chai đều tương đồng với sản phẩm của Coca Cola Việt Nam sản xuất.

Hơn thế nữa, nắp chai không có dấu hiệu của việc mở ra đóng vào, trên chai đều ghi tên tuổi của nhà sản xuất là Coca Cola Việt Nam. Do đó, Coca Cola không thể vin vào lý do này lý do kia để phủ nhận sản phẩm.

2. Việc Coca Cola cho rằng hình dập trên chai có dị vật khác với chai mẫu do Coca Cola cung cấp cũng là dễ hiểu vì thời điểm sản xuất chai có dị vật và chai mẫu là cách nhau tới gần hai năm.

Do đó, việc khác nhau về vết dập ép giữa chai nước có dị vật và chai mẫu do Coca Cola Việt Nam cung cấp cũng là đương nhiên.

3. Luật sư Vũ Thái Hà cho biết, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của người tiêu dùng, Công ty Luật TNHH Youme đã thu thập được các chai nước có cùng thời điểm sản xuất chai nước có dị vật và nếu cần thiết, sẽ cung cấp cho Tòa án để xem xét giải quyết.

>>> Mời độc giả xem clip quay cận cảnh chai nước Coca Cola chứa thủy tinh mà khách hàng Bình Minh đã mua.

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Phó CT - Tổng thư ký Hội TC&BVNTD VN
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Một câu hỏi đặt ra, liệu có ai thần kinh bình thường mà đem sức khỏe, tính mạng của mình ra thí nghiệm cho việc chứng minh thiệt hại bằng cách uống chai nước ép có chứa tạp chất và dị vật thủy tinh để đổi lấy việc bồi thường mà giá trị chỉ là một chai nước cam ép? Bản thân việc mua một sản phẩm không sử dụng được đã là thiệt hại về kinh tế rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại