Tàu Viking II của Việt Nam hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Đông một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế
An ninh biển Đông vẫn tiếp tục là chủ đề quan tâm của dư luận khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với việc thảo luận các biện pháp, giải pháp tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, việc thúc đẩy hợp tác hòa bình và ổn định ở biển Đông cũng là mối quan tâm của tất cả các nước trong khu vực cũng như các đối tác.
Theo lịch trình, các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác ASEAN+1, ASEAN+3 và ARF (Diễn đàn ASEAN khu vực) lần thứ 18 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 23-7-2011 tại Bali, Indonesia. Biển Đông hòa bình có lợi cho tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với những lợi ích về kinh tế biển như dầu khí, thủy hải sản là an ninh hàng hải. Tuyến đường biển lớn thứ hai của thế giới đi qua biển Đông. Hầu hết các nước lớn đều có lợi ích an ninh hàng hải ở biển Đông. Vì vậy, giữ hòa bình, an ninh cho biển Đông một cách bền vững đang là điểm nóng của nền an ninh quốc tế.
Trung Quốc không muốn sự hiện diện của hải quân Mỹ ở biển Đông. Bắc Kinh cũng đã “khuyên” các nước trong khu vực “giải quyết khôn khéo” vấn đề biển Đông. Tất nhiên là các nước nhỏ luôn luôn muốn hòa bình chứ không muốn gây xung đột với nước lớn.
Biển Đông có tuyến hàng hải quốc tế, do đó việc có mặt của lực lượng hải quân các nước ở vùng biển quốc tế trên biển Đông là có thể hiểu được. Washington cam kết duy trì sự hiện diện tại châu Á, trong đó có biển Đông, và kêu gọi Trung Quốc hợp tác hơn nữa để duy trì an ninh khu vực. Tuy nhiên, các nước trong vùng không muốn sự căng thẳng hay xung đột nào, kể cả xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Manila nêu với Trung Quốc ý tưởng giải quyết tranh chấp vùng lãnh hải trên biển Đông thông qua phân xử của Liên hợp quốc. Một quan chức cấp cao khác của Philippines đề xuất những nước nhỏ hơn trong tranh chấp biển Đông cần phải hợp tác với nhau để bảo vệ lợi ích của mình. Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto tin tưởng rằng biển Đông “đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nền kinh tế trên thế giới” và rằng cộng đồng quốc tế “rất quan tâm đến việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên biển Đông”.
Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ các nỗ lực tăng cường xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông, phát huy hơn nữa những công cụ và cơ chế khu vực hiện có như Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các cam kết trong Kế hoạch hành động ASEAN - Trung Quốc được thông qua tháng 10-2010 về tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm họp lại Hội nghị quan chức ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC.
Theo Công an TP.HCM