Nhét lá bùa dưới nệm để chữa "bệnh đồng tính" cho con

Độc giả Minh Đoàn |

(Soha.vn) - Vì nghĩ đồng tính là một căn bệnh tâm thần, bà mẹ ở Sài Gòn dẫn T. đi khám tâm lý, xin quẻ lén nhét lá bùa dưới nệm của T. mong chữa khỏi bệnh.

Đó là một trong những câu chuyện “come out” đầy nước mắt, khó khăn của những người đồng tính với gia đình mà tôi biết đến.

Câu chuyện thứ nhất về T. ở Sài Gòn, lúc “come out” với mẹ, ngay trưa hôm sau, mẹ dẫn T. đi khám bác sỹ tâm lý, đến Bệnh viện tâm thần trung ương nhưng T. không đi.

“Vì mẹ mình nghĩ đồng tính là một căn bệnh, một khiếm khuyết nào đó trong não bộ. Vì mình phản đối, mẹ mình đã gặp thầy bà ở Củ Chi để xin quẻ. Sau đó, mẹ lén nhét một lá bùa dưới nệm của mình để mong thần thánh “chữa” được “căn bệnh” trong người mình.

Khoảng thời gian đó, mình rất khổ tâm. Mình sống như thể con trùn, con kiến, hết bị đem sang nơi này, nơi kia, luẩn quẩn như một đường vòng không lối thoát. Đã có lần mình muốn chạy trốn để thoát lý khỏi phiền phức, chán chường hiện tại và sống thật với bản thân”, T. rớt nước mắt khi kể lại với tôi.

Câu chuyện thứ 2 xảy ra ở Kiên Giang, trong một lần dừng xe ở quán nước ở U Minh Hạ. Tôi nghe mọi người bàn tán về Hậu, một học sinh trung học phổ thông bị mẹ đánh, nhốt trong nhà kho như gà, như vịt và bị mọi người trêu là “thằng pê đê”.

Nếu một ngày bạn tưởng tượng mình là người bạn, em học sinh…kia thì sao? Họ đã phải đối diện với bao khủng hoảng, bế tắc trong cuộc sống. Và đau đớn hơn cả là những tổn thương do chính những người thân yêu gây ra.

Những người mẹ, người anh quá vội vàng, và có thể nói là thiếu suy nghĩ khi đưa ra những hành động nghịch lý. Chỉ bằng sự mường tượng mà tôi đã thấy rùng mình. Làm sao người ta có thể đối xử với những người thân của mình như vậy? Tại kiến thức không nhiều? Tại người đi trước truyền lại cho người đi sau? Tại cái này, cái nọ. Hoặc có thể là tất cả những cái đó đã bẻ vụn người ta, sai khiến người ta làm điều không phải?

Những câu chuyện kể trên chỉ là một phần rất nhỏ trong vô vàn câu chuyện đã xảy đến với những người đồng tính, song tính, chuyển giới, với cộng đồng LGBT.

Nguyễn Minh Đoàn - chàng gay 9X nhớ lại ngày mình come out với bố mẹ.
Nguyễn Minh Đoàn - chàng gay 9X nhớ lại ngày mình "come out" với bố mẹ.

Bỗng tôi nhớ lại ngày mình “come-out” với má, bữa đó do một trục trặc nhỏ, mà vô tình má và ba phát hiện con mình không phải là người đàn ông như nhiều bậc cha mẹ vẫn mong đợi, rằng sẽ lập gia đình, lấy vợ sinh con.

Tôi và má đã nói chuyện với nhau rất nhiều, má hỏi vài câu khiến tôi lâm vào thế bí, và tôi quyết định nhờ đến sự trợ giúp của một người bạn thân đã từng “come-out”.

Khi bạn rơi vào hoàn cảnh này, tiếng nói, hoặc một hành động của người trong cuộc là rất hữu ích và đáng ghi nhận. Cuộc trò chuyện dứt, cũng là lúc tôi hồi hộp, thấp thỏm.

Tôi không thể hình dung má sẽ nói gì tiếp đây. Ánh mắt thấm buồn, hơi thở xa xăm của má, bất giác tôi nghĩ hẳn má đang thất vọng, đang giận con mình ghê lắm. Sự lo lắng dường như nghẹn ứ, khi má bước tới vỗ vai tôi nói: “Sao cũng được, miễn là tốt cho con”.

Khoảnh khắc ấy tôi chỉ muốn ôm chằm lấy má và khóc. Khóc vì vui. Vì sự cởi mở đầy tiến bộ trong con người má. Tôi có thể hiểu là không phải ai cũng may mắn như tôi, để có một người bạn tốt, có một người má rộng lượng và thoáng mở.

Nhưng tôi mong là những người mẹ, người anh, người chị... hãy thử thấu hiểu con, em của mình hơn. Ở đây tôi dùng chữ “thử”- thử hiểu, thử hỏi và thử trò chuyện nhiều hơn để thấu hiểu một cách dần dần như mưa lâu thấm đất.

Tôi cũng nhiều hy vọng lắm chứ, mong một ngày những câu chuyện đắng lòng, dở cười dở khóc này thoái lui đi để nhường chỗ cho những điều tốt đẹp hơn giữa người với người.

Hy vọng những giọt mưa đã làm cây cối đâm chồi. Và rồi một ngày, hoa cũng sẽ nở…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại