Nhật không tha thứ cho ai đụng đến nỗi đau hạt nhân

vytran |

Cái giá mà họ phải trả thường nặng nhẹ khác nhau, tùy thuộc vào từng thời điểm và đối tượng mà họ xúc phạm.

Dư luận Nhật mới đây đang vô cùng bức xúc trước vụ tân Bộ trưởng thương mại Yoshio Hachiro buông lời “đùa cợt” về thảm họa hạt nhân xảy ra tại nước này hồi tháng 3 trong chuyến thăm của ông tới vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa này: khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

“Xét cho cùng, sơ xuất của ông Yoshio không đến mức phải từ chức song quyết định này cho thấy, tân Thủ tướng Noda sợ phải đối mặt với một tình trạng bế tắc trong Quốc hội khi nhận thấy phe đối lập có thể nhân cơ hội này để gây khó dễ cho Chính phủ mới”, Koichiro Nakano, giáo sư ĐH Sophia nhấn mạnh

Tân Bộ trưởng thương mại Yoshio Hachiro từ chức sau khi buông lời đùa cợt khiếm nhã liên quan đến thảm họa hạt nhân của Nhật.

Trước ông Yoshio không lâu, tân Bộ trưởng Tái thiết Ryu Matsumoto cũng vừa nhậm chức được một tuần trong Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan, hồi tháng 7 cũng phải từ chức vì những lời lẽ khiếm nhã với cấp dưới và thái độ chọc giận người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất, sóng thần.

Dù các vụ “lỡ lời” hay “vạ miệng” không phải là hiếm thấy trên chính trường Nhật Bản song không phải quan chức nào dính scandal này cũng đều phải kết thúc sự nghiệp chính trị của mình bằng việc tuyên bố từ chức.

Một vài Bộ trưởng Nhật từng có những lời lẽ xúc phạm phụ nữ hoặc Mỹ, đồng minh thân cận nhất của nước này hay ‘lỡ lời” trong nhiều trường họp khác vẫn "thoát nạn".

Chẳng hạn, Bộ trưởng quốc phòng Fumio Kyuma tiếp tục tại vị dù khiến Washington "tím ruột" bởi việc gọi cuộc xâm lược Iraq của Mỹ là ”một lỗi lầm”. Song, chỉ một năm sau, năm 2007, khi “lỡ miệng” lần hai bởi câu nói hớ hênh rằng cuộc tấn công bằng bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 là không thể tránh khỏi, ông Fumio đành phải từ chức. Bộ trưởng Nhật dính “vạ miệng” khác là ông Hakuo Yanagisawa, Bộ trưởng y tế . Trong bài phát biểu về tình trạng giảm sinh của Nhật, ông Hakuo lỡ lời xúc phạm phụ nữ là “những cỗ máy đẻ”. Song cuối cùng, ông Hakua không phải từ chức vì lỗi lầm này.

Trước đó, năm 2004, Yasuo Fukuda, Bộ trưởng chịu trách nhiệm về dân số và bình đẳng giới kiêm phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ cũng thoát án “từ chức” dù khiến dư luận phẫn nộ sau khi một tạp chí trích dẫn lời ông rằng nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp là “tự chuốc lấy tai vạ” do ăn mặc khêu gợi.

Còn Masajuro Shiokawa, Bộ trưởng Tài chính kỳ cựu của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong giai đoạn 2001 - 2003 cũng vẫn giữ được vị trí sau nhiều lần mắc phải rắc rối bởi các phát ngôn thiếu cân nhắc liên quan đến các chủ đề nhạy cảm như tỷ giá tiền tệ gây tổn hại đến nền kinh tế. Cựu Thủ tướng Taro Aso bị đánh giá là người có “tật lỡ lời” khi liên tục phát ngôn thiếu cân nhắc liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có những phát ngôn tỏ thái độ xúc phạm lớp người cao tuổi Nhật Bản.

Từ những ví dụ kể trên cho thấy, người dân Nhật Bản có thể bỏ qua cho lỗi lầm"lỡ lời"của các chính trị gia nước mình, song sẽ khó lòng tha thứ cho bất cứ phát ngôn nào đụng chạm đến nỗi đau thảm họa hạt nhân ở bất cứ thời điểm hoặc bất cứ trường hợp nào.

Theo Đất Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại