Trong vài phút, động đất và sóng thần hôm 11/3 đã cuốn đi khoảng 3,5% GDP của Nhật Bản.
Chính phủ đã tiến hành thu thập thông tin tại các bộ, ngành và các chính quyền địa phương tại 9 tỉnh quanh khu vực Tokyo và tại miền đông bắc Nhật Bản. Thiệt hại ước tính cao hơn khoảng 1,8 lần so với những tổn thất sau trận động đất Kobe năm 1995, khi đó tổng thiệt hại là khoảng 119,2 tỷ USD.
Nếu so sánh với thảm họa tại Kobe thì thiệt hại đối với các công trình nhà cửa cao hơn gấp 1,7 lần; trong khi đó, tổn thất đối với các cơ sở nông và ngư nghiệp cao gấp 20 lần.
Trong vài phút, động đất và sóng thần hôm 11/3 đã cuốn đi khoảng 3,5% GDP của Nhật Bản. Theo thẩm định của chính quyền Tokyo, những thiệt hại đó chủ yếu do nhà ở tư nhân, hệ thống cầu đường, hoa màu, các cơ sở sản xuất, hệ thống điện nước và viễn thông … đã bị trận động và sóng thần cuốn trôi.
Ngoài khoản thiệt hại khổng lồ trên còn phải kể đến những tác động dây chuyền do hoạt động kinh tế Nhật Bản bị chững lại trong hơn 3 tháng qua.
Số liệu này cũng chưa tính đến thiệt hại do tai nạn tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima I gây ra. Giới chuyên viên lo ngại rằng con số cuối cùng về các chi phí tương lai sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng khôi phục nền kinh tế Nhật Bản.
Ngay sau thảm họa sóng thần, toàn bộ khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima- cách thủ đô Tokyo 220 cây số về phía đông bắc- đã bị hư hại và chất phóng xạ bị thất thoát. Hơn 85.000 cư dân trong vùng phải sơ tán. Ruộng vườn bị bỏ phế, các cơ sở chăn nuôi không người chăm sóc, ngư dân bị thất nghiệp.
Do thảm họa tại nhà máy điện Fukushima, nhiều trung tâm điện hạt nhân khác trên toàn quốc cũng đã tạm ngừng hoạt động để được kiểm tra lại về mức độ an toàn, đẩy Nhật Bản vào tình trạng bị thiếu điện.
Tại khu vực đông bắc Nhật Bản, các nhà máy phải giảm mức tiêu thụ điện đến 15% trong suốt mùa hè này. Nhiều ngành công nghệ như sản xuất xe hơi đã phải giảm bớt tốc độ sản xuất phần do thiếu điện, phần do các nhà cung cấp có cơ sở ở vùng Tohoku đã bị thiệt hại nặng nề không thể cung cấp phụ tùng đúng thời hạn.
Theo Kyodo