Mấy ngày qua, dư luận trên một số trang mạng xã hội xôn xao quanh việc tập truyện tranh thiếu nhi “Aladin và cây đèn thần” do Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Dân Trí (NXB Dân Trí) và Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A phát hành có nội dung miêu tả nhân vật Aladin là người Trung Hoa.
Nguyên văn nội dung trong cuốn truyện trên như sau: “Ngày xửa ngày xưa, tại một thị trấn nhỏ của nước Trung Hoa có một cậu bé tên là Aladin. Một hôm, Aladin đang nghịch ngợm gần chợ, bỗng có một người lạ mặt bước đến. Ông ta muốn cậu bé làm giúp một việc và hứa sẽ thưởng cho cậu tiền công cực kỳ hậu hĩnh…”.
Nhân vật Aladin có phải là người Trung Quốc? Mang thắc mắc này đến hỏi người có liên quan, bà Phạm Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc NXB Dân Trí cho biết, cuốn truyện do phía đối tác là Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A (ở địa chỉ 64, tổ 1A, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) mua bản quyền từ nước ngoài. Sau khi dịch đã chuyển cho NXB Dân Trí kiểm tra nội dung và cấp giấy phép tái bản.
“Sau khi phía đối tác là Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A đề nghị cho xuất bản cuốn truyện “Aladin và cây đèn thần”, chúng tôi cũng đã kiểm tra tất cả giấy tờ, văn bản liên quan. NXB Dân Trí thấy phù hợp nên không có lý do gì không cấp giấy phép tái bản cuốn sách này ở Việt Nam”, bà Ánh cho biết.
Bà Phạm Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc NXB Dân Trí
Giải thích thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của cuốn truyện in nội dung: “Ngày xửa ngày xưa, tại một thị trấn nhỏ của nước Trung Hoa có một cậu bé tên là Aladin…”, bà Ánh nói: “Vì hiện nay nguồn gốc nhân vật Aladin có rất nhiều dị bản. Theo như tài liệu tham khảo từ trang Bách khoa toàn thư (Wikipedia) thì truyện bắt nguồn tại một ngôi làng nhỏ ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chúng tôi thấy là phù hợp.
Hơn nữa, trước NXB Dân Trí cũng có NXB Mỹ Thuật phát hành cuốn truyện này rồi và mình cũng chỉ là tái bản thôi”.
Cũng trong buổi làm việc với PV vào chiều 5/3 về về việc cuốn sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ nhỏ” (cuốn a) có in “hình cờ Trung Quốc” ở trang 16 cả NXB Dân Trí và Công ty TNHH Văn hóa Hương Thủy (Cty Hương Thủy) đều nhận sai về lỗi sơ suất trên.
Số sách được thu về do lỗi in sơ xuất của NXB Dân Trí và Cty Hương Thủy.
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc NXB Dân Trí cho biết, mặc dù đã cấp giấy phép xuất bản cuốn sách cho Cty Hương Thủy nhưng về mặt nguyên tắc, sau khi in xong, đơn vị này phải nộp lưu chiểu lại NXB Dân Trí để kiểm tra kỹ thêm một lần nữa.
Kiểm tra xong, người chịu trách nhiệm xuất bản phải ký xác nhận vào cuốn sách và nộp lưu chiểu lên Cục Xuất bản thì lúc đó, cuốn sách mới chính thức được xuất bản rộng rãi.
Bà Hương cũng cho biết thêm, trong thời gian chờ điều chỉnh lại một số nội dung chưa phù hợp trong cuốn sách trên, nhất là khi tên sách và giấy phép xuất bản chưa trùng tên, Cty Hương Thủy đã tự ý in (theo kế hoạch 5.000 cuốn) và phát hành ra thị trường khoảng 1.000 cuốn.
“Do cuốn sách được mua lại bản quyền sách từ Trung Quốc nên chúng tôi muốn điều chỉnh lại cho phù hợp. Tuy nhiên, Cty Hương Thủy tự ý in và phát hành. Thậm chí, tên của cuốn sách, NXB Dân Trí còn chưa ký phát hành sách chính thức” - bà Hương cho biết.
Ngay sau khi phát hiện sai sót, NXB Dân Trí cũng đã gửi công văn yêu cầu Cty Hương Thủy sửa lại 3 nội dung trong cuốn sách: Thứ nhất, phải ghi rõ sách mua lại bản quyền, tác giả từ NXB nước ngoài; thứ hai, sửa lại lời giới thiệu cho phù hợp với tinh thần giáo dục của Việt Nam; thứ ba, sửa trang 16 của cuốn a có in “hình cờ Trung Quốc”.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Hương Thủy cũng thừa nhận sai sót không vì mục đích nào khác và xin lỗi độc giả. Để khắc phục hậu quả, Cty đã cho nhân viên đi thu hồi lại được gần 1.000 cuốn ở Hà Nội, đồng thời cũng đã điều chỉnh lại bản mềm trong các nội dung cần điều chỉnh của cuốn sách.
“Giờ còn thị trường phát hành ở Đà Nẵng và TP.HCM nữa, chúng tôi sẽ thu hồi trong thời gian sớm nhất” - ông Giang cho hay.