Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1/2, xe khách tuyến có cự ly từ 300 km trở lên xuất phát từ phía bắc đi phía nam buộc phải theo đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội đến Vinh. Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu các địa phương lựa chọn 30% số xe khách liên tỉnh chuyển sang hoạt động trên tuyến đường này.
Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và một số địa phương sáng 10/2, nhiều ý kiến bày tỏ quy định gây khó cho doanh nghiệp vận tải. Ông Trương Ngọc Thắng, Chủ nhiệm HTX vận tải Miền Tây Nghệ An, cho biết chủ trương của Bộ là đúng vì quốc lộ 1 có mật độ phương tiện đông, tai nạn giao thông thường xảy ra nên cần phải phân luồng sang đường Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ông cho rằng nếu thực hiện theo phương án đó thì doanh nghiệp sẽ phải... giải thể. Vì trên đường Hồ Chí Minh, cách 15- 20 km mới có một khu dân cư thì không có hành khách. Hơn nữa, trong quá trình chạy xe, nếu xảy ra tai nạn thì không biết kêu ai. Trong khi kinh doanh vận tải phải chi phí rất nhiều, tiền bến bãi, xăng dầu…
Xe khách chỉ được đón khách trong bến xe. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội bày tỏ: "Các doanh nghiệp vận tải đều có phương án chạy xe. Nếu đưa xe lên rừng thì doanh nghiệp sống bằng gì. Nếu phải thực hiện thì các doanh nghiệp buộc phải bán xe".
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Nghệ An nhận xét, chạy theo đường Hồ Chí Minh thì lộ trình xa hơn, dẫn đến chi phí tăng. Hơn nữa, tại Nghệ An, các bến xe ở thành phố Vinh và các huyện ra đường Hồ Chí Minh khá xa. Khách đi tại bến xe rất ít nên nhà xe phải bắt khách dọc đường. Đi theo đường Hồ Chí Minh sẽ dẫn đến tình trạng xe chạy không khách, khả năng nhà xe lợi dụng bán vé cao hơn, hoặc chạy ngang đường bỏ khách sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng nhận xét, cơ sở hạ tầng trên đường Hồ Chí Minh chưa đầy đủ, xe khách thường đi ban đêm nếu gặp tai nạn, xe hỏng thì không có nơi để cấp cứu, trợ giúp. Do vậy, quy định này nên áp dụng với xe tải trước, sau đó có đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng sẽ thực hiện với xe khách.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu khẳng định cần thực thi cho dù bước đầu khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng Hà Nội cũng như các tỉnh phải kiên quyết thực hiện, chứ không nên bàn lùi. Có thể bước đầu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và xáo trộn đến sự đi lại của nhân dân. Hà Nội sẽ nghiên cứu thực hiện đối với các doanh nghiệp xe khách tại bến xe Mỹ Đình và Yên Nghĩa.
Ông Võ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hồng Sơn kiến nghị Bộ có thể ra hạn thực hiện, khuyến khích doanh nghiệp tự bố trí phương án khai thác và có thời gian thử nghiệm sau đó mới điều chỉnh. Với các tuyến xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa phải đi đường Hồ Chí Minh; tuyến Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm thì vẫn cho chạy theo tuyến cũ.
Đại diện Vụ vận tải pháp chế, Tổng cục Đường bộ cũng cho rằng, nếu các Sở viện lý do phương tiện đi đường Hồ Chí Minh không an toàn để “né” quy định là không hợp lý. Bởi hiện có doanh nghiệp vận tải Văn Minh thường vận chuyển khách bằng tuyến đường này. Còn nếu so sánh số vụ tai nạn trên quốc lộ 1 thì đường Hồ Chí Minh an toàn hơn.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, phân làn xe đi trên đường Hồ Chí Minh là cần thiết vì quốc lộ 1A quá tải, Tổng cục Đường bộ đã xây dựng đề án điều tiết các phương tiện để khai thác hiệu quả. Công tác chuẩn bị từ duy tu bảo dưỡng, biển báo, chỉ dẫn từ các quốc lộ phía bắc vào đường đã được thực hiện.
Đề cập xe ế ẩm nếu không đón khách trên đường đi, ông Thành cho rằng, trong quy định văn bản quy phạm, xe khách chỉ được đón trả khách tại các bến xe mà không được bắt khách trên đường, hiện nay nhiều xe đang vi phạm quy định này. Thời gian tới, ngành giao thông sẽ phối hợp xử lý nghiêm xe đón khách dọc đường, quyết tâm giảm tải phương tiện trên quốc lộ 1.
Theo Đoàn Loan
VNE