Thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có những ngày cuối năm trắng khăn tang và ngập chìm trong nước mắt. Bảy học sinh ngoan, học giỏi qua đời vì một tai nạn tắm biển ở Cần Giờ.
Những cái chết, lẽ ra đã không đến với các em nhỏ. Nếu…
Sáng ngày 30.12, thi thể học sinh cuối cùng được gia đình đưa về nhà. Bảy cái chết phủ cùng ập bóng tang tóc xuống một thị trấn thì không thể nói đó là phận số, mà là trách nhiệm của những ai liên quan. Vì những hậu quả đau lòng này, hoàn toàn có thể được ngăn cản ngay từ đầu.
Học sinh cấp hai, dù gì cũng chỉ là những đứa trẻ trai đầy hiếu động và muốn khám phá. Hơn nữa, các em nhỏ ở Bình Dương, nơi chỉ có bạt ngàn cao su chứ không thể quen với môi trường biển để có hiểu biết về sự nguy hiểm của nó.
Một ghềnh đá nhấp nhô, một trận sóng càn hay chỉ đơn giản là một hõm sâu có nước xoáy ngầm đủ gây tai họa kinh hoàng. Thực tế đã từng chứng minh, ngay cả những ngư dân thông thuộc đại dương như bàn tay vẫn có lúc trả giá bằng mạng sống của mình.
Trong kế hoạch đi chơi, tham quan Cần Giờ của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn Dầu Tiếng có chương trình tắm biển. Chỉ cần quản lí 10 em học sinh đã là một việc khó, nhưng danh sách đi chơi của nhà trường có đến gần 100 người.
Ăn trưa xong, cả thầy và trò cùng lao xuống biển rồi dẫn tới vụ tai nạn đau lòng.
Ở đây, trách nhiệm chính cho cái chết của bảy em học sinh chính là nhà trường. Chi tiết hơn là các thầy cô dẫn đoàn tham quan.
Gia đình các em học sinh đã giao con em mình với tất cả sự tin tưởng. Nhà trường dẫn các em đi chơi phải có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho học sinh. Nói khác đi, trường dẫn các em đi sao thì đưa các em về như thế đó, không chấn thương, mất mát.
Phụ huynh không có trách nhiệm phải biết trường thuê một công ty du lịch làm dịch vụ cho mình. Ngay cả có công ty du lịch thì quản lí chính suốt thời gian vui chơi của các em vẫn là nhà trường.
Lẽ ra, ngay từ đầu khi đến với bãi biển 30.4, các em học sinh phải được nhắc nhở không được ra biển khi chưa có sự đồng ý của các thầy cô. Rằng, hôm nay thời tiết lạnh giá, biển động nên bằng quan sát bình thường, các giáo viên có thể không cho học sinh xuống tắm.
Đối với xã hội phương Tây, người ta khuyến khích trẻ tham gia các trò mạo hiểm, khám phá, chinh phục để luyện sự độc lập, bản lĩnh trong cuộc sống. Nhưng, khi muốn làm việc đó, tính an toàn phải được đảm bảo.
Rất dễ để thấy một em nhỏ leo núi với đầy đủ đồ bảo hộ, trượt ván với mũ bảo hiểm, băng bảo vệ khuỷu tay, đầu gối…
Đâu đó trên dải đất này, thỉnh thoảng lại nghe những cái chết làm dư luận thẫn thờ. Có lẽ ngay cả các thầy cô cũng không biết rằng, nếu bơi biển, trời lạnh, không khởi động kĩ các em có thể bị cứng cơ (chuột rút), những cơn sóng đủ sức đánh bạt đôi tay yếu ớt để nhấn chìm…
Bảy cái chết đến củng một ngày, gây nỗi đau tột cùng cho bảy gia đình và sự ngỡ ngàng của xã hội. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ tai nạn để làm rõ. Ngành giáo dục tỉnh Bình Dương đang gấp rút các báo cáo, hỗ trợ gia đình nạn nhân lo hậu sự…
Nhưng, đó là phần tình cảm, đạo lí. Còn về dân sự thì trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm phải có trách nhiệm bồi thường cho tính mạng của từng học sinh.
Vì chính sự thiếu trách nhiệm của người lớn, của giáo viên là nguyên nhân dẫn đến những cái chết hồn nhiên trên.