Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến ngành y tế gây bất bình trong dư luận xã hội đã khiến người dân nghi ngờ về y đức của một bộ phận y, bác sĩ. Từ sự bất bình đó, đã có rất nhiều vụ người dân bao vây bệnh viện, hành hung bác sĩ xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng đang khiến ngành y tế "đau đầu" này, nhà thơ Vũ Quần Phương, người từng có 13 năm gắn bó với ngành y tế trước khi chuyển sang nghiệp văn chương cho rằng, ông không đồng tình với hiệu ứng đám đông như vậy.
"Ngày xưa không có nhưng trong thời gian qua, nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân bao vây rồi hành hung các bác sĩ, phá phách bệnh viện đã xảy ra. Với cá nhân tôi, tôi không đồng tình với việc này. Hiệu ứng đám đông như vậy cộng với việc khi mình ở tư thế cao ngạo sẽ dễ dẫn đến sự sai lạc, mất tỉnh táo và từ đó có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Và hơn thế, những sự việc này gây ra áp lực rất lớn cho đội ngũ y, bác sĩ. Ví như cách đây mấy năm, có một bác sĩ ở viện mắt, có năng lực chuyên môn rất tốt, đang có nhiều phấn đấu thì một lần có một bệnh nhân đến khám, sau đó kêu la không chính xác, dẫn đến bác sĩ này đã tự tử...", nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho hay, thực tế, trong thời gian qua, ngành y tế nước nhà cũng đã có nhiều tiến bộ, thành tựu đáng kể.
"Trước hết phải ghi nhận với ngân sách eo hẹp chi cho ngành y tế của chúng ta như vậy mà làm được như hiện nay là giỏi. Ở Mỹ, người nhà tôi nằm 2 ngày 1 đêm, bảo hiểm trả, tính ra tiền Việt Nam là hơn 300 triệu đồng. Chăm sóc y tế Mỹ tuyệt vời nhưng tiền thì mình không theo được.
Hai là bác sĩ một số bệnh viện lớn của ta có tín nhiệm về chuyên môn, rất đáng tin cậy. Chúng ta đứng ở top đầu trong 1 số thủ thuật như ghép tạng, can thiệp tim... Đồng thời, ngành y tế cũng đã giải quyết tốt các nhu cầu cấp bách của nhân dân trong vấn đề phòng, chống nhiều đại dịch lớn của thế giới.
Thứ nữa cũng phải nói đến là mặc dù các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân nhưng việc giải quyết của chúng ta khá khoa học, không bị tắc nghẽn, các thao tác nhanh hơn, quy trình tương đối bài bản...", nhà thơ Vũ Quần Phương nói.
Tuy có những tiến bộ như vậy nhưng từ thực tế của quá trình làm trong ngành và chứng kiến trong thời gian qua, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng chỉ ra 3 khuyết điểm của ngành y tế.
"Thành tựu như vậy nhưng khuyết điểm của ngành y cũng ngày càng trầm trọng. Thứ nhất, đó là vấn đề quá tải.
Bởi người dân trả tiền nên đằng nào cũng mất tiền, phải đến nơi nào mua được chuyên môn cao, vì vậy người bệnh dồn về bệnh viện đầu ngành. Các y bác sĩ được trả tiền cao nên làm việc cật lực, việc khám xét bệnh cũng đều rất nhanh. Nhưng cơ sở bệnh viện không kham nổi. Người bệnh nằm đôi, nằm ba trên giường, rồi nằm hành lang, gầm giường. Rồi khám nhanh nên dẫn đến việc không khám kỹ, không phát hiện hết bệnh. Cơ cực là vậy nhưng lại tốn kém...
Trong khi đó, rất nhiều bệnh viện tuyến dưới lại thưa vắng vì khả năng phát hiện, chữa bệnh còn yếu kém, trang thiết bị hạn chế, không đồng bộ. Nhiều người dân đã than phiền với tôi là đi tuyến huyện, tỉnh vừa tốn tiền lại không chữa được bệnh.
Vì thế, muốn giải quyết được tình trạng quá tải ở các tuyến trên này thì phải nâng cấp năng lực chuyên môn cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, vùng sâu vùng xa. Phải có chính sách cụ thể với các bác sĩ giỏi về các vùng đó công tác.
Không thể chỉ kêu gọi bác sỹ trẻ về phục vụ mà phải có quyền lợi cho họ: Họ phải được tiến nhanh về chuyên môn. Bệnh viện trang bị thiết thực và hoàn hảo. Bác sỹ giỏi sẽ thu hút bệnh nhân. Tuyến dưới điều trị tốt làm giãn bệnh nhân cho tuyến trên. Chất lượng điều trị những bệnh nằm trong chức năng, họ phải chữa không thua tuyến trên. Thua, chỉ thua ở bệnh phức tạp, phải “kính chuyển”", nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ.
Hai khuyết điểm lớn tiếp theo của ngành Y tế mà nhà thơ Vũ Quần Phương nhắc tới, chính là trình độ chuyên môn và lương tâm của một bộ phận y bác sĩ hiện nay rất kém.
"Vụ Hoài Đức vừa qua tuy không gây chết người nhưng độ suy đốn về mặt y đức đã ở mức cao nhất. Ở các nước, những việc thế này người ta kiện cho sạt nghiệp, mất nghề.
Rồi không nhiều nhưng tôi cho rằng, rất đốn mạt, trình độ làm người, lương tâm kém đó là việc bác sĩ chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân nặng hơn, không đúng bệnh, kê ra để bệnh nhân phải mua những loại thuốc đắt tiền, coi thường bệnh nhân...
Vấn đề phong bì trong ngành y cũng rất đáng quan tâm và dường như ai đi chữa bệnh ở viện cũng cần phải có. Ngày xưa không hề có chuyện này, vì thế, như nhiều ý kiến đã đưa ra, trong thời gian tới, chúng ta cần phải xem xét việc phải có những bệnh viên, khoa làm mẫu trong việc trả lương cao cho y, bác sĩ để giải quyết tình trạng này.
Thứ nữa, trước đây, các cán bộ đầu ngành của ngành Y tế đều là những người giỏi chuyên môn, có năng lực và sâu sát nhưng giờ đây, một bộ phận cán bộ của ta lại không được như vậy.
Vì thế, trong thời gian tới, cần quan tâm tới quy chế kén người tài, đánh giá kỹ hơn về tài năng chuyên môn và khả năng tác động xã hội để trao nhiệm vụ. Tôi có cảm giác yếu tố huyết thống đang đang khuynh loát công tác cán bộ. Hậu quả sẽ tai hại lắm", nhà thơ Vũ Quần Phương cho hay.