Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Đừng trách các em…”

Kim Ngân |

(Soha.vn) - Chưa đến 10% học sinh giỏi sử chọn theo nghiệp sử. Con số này khiến nhiều nhà sử học, giáo viên sử buồn rầu. Ai cũng nói sử quý nhưng để trở thành một nghề để sống, tạo nên giá trị xã hội thì chưa.

Các nhà sử học buồn rầu

Theo báo cáo của GS.NGND Phan Huy Lê trong lễ trao giải học sinh giỏi môn Lịch sử ngày 4/4 thì trong tổng số 211 học sinh đoạt giải được tuyển thẳng vào các khoa có môn sử, chỉ có 13 em chọn quyền ưu tiên này (chưa đến 10% số học sinh giỏi).

GS.NGND Phan Huy Lê bày tỏ, chỉ có 10% trong số học sinh giỏi quốc gia chọn khoa có môn sử.

GS.NGND Phan Huy Lê bày tỏ, chỉ có 10% trong số học sinh giỏi quốc gia chọn khoa có môn sử.

“Mặc dù chưa phải là thống kê đầy đủ nhưng tôi thấy hơi buồn vì ngay các trường đại học cũng chưa tạo nên sự hấp dẫn, sự lựa chọn của học sinh giỏi môn sử các trường phổ thông”, GS bày tỏ.

Con số 10% chứng tỏ, những em thích sử, đam mê sử ở phổ thông nhưng cũng không muốn theo nghiệp sử. Chỉ một số rất nhỏ đi sâu và cống hiến cho ngành sử còn lại đa số học sinh chọn ngành nghề phù hợp với yêu cầu của toàn xã hội.

Lý giải về điều này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, học sinh giỏi theo sử không phải là con đường thẳng tắp. Tri thức lịch sử khác với những tri thức ngành khác, nó thay đổi hành vi con người, ý thức công dân và đó là tri thức nền tảng để đi vào các ngành khác nhau.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đừng trách học sinh giỏi sử vì các em cũng cần có một công việc, lương bổng để nuôi sống bản thân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đừng trách học sinh giỏi sử không lựa chọn ngành sử vì các em cũng cần có một công việc, lương bổng để nuôi sống bản thân.

Nhưng hiện nay, những người hoạt động lịch sử chưa có vị trí cao trong xã hội, mặc dù họ đạt được giá trị tinh thần lớn. Ai cũng nói sử quý nhưng để trở thành một nghề để sống, tạo nên giá trị xã hội thì chưa. Và xu thế tất yếu là học sinh sẽ đi theo những ngành khác.

“Đừng trách các em, các em cũng phải sống, phải có tương lai, hướng nghiệp của các em. Chúng ta phải tôn trọng các em, xã hội rất cần những nhân lực ngành kinh tế, khoa học công nghệ…”, nhà sử học Trung Quốc nói thêm.

Học sinh giỏi sử lo lắng

Khi hỏi nhiều học sinh giỏi quốc gia sử về định hướng theo nghiệp sử, đa phần đều lắc đầu hoặc coi đó là sự lựa chọn thứ 2 của mình. Em Phùng Thị Bích Phương – học sinh lớp 12 Sử trường THPT chyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nói không có dự định trở thành giáo viên dạy Lịch sử. Phương lý giải, sử là đam mê, sở thích của mình nhưng để dạy sử thì không phải dễ.

“Theo em, phụ huynh định hướng cho con cái theo ngành gì, học cái gì nên đa phần bố mẹ đều không muốn cho con mình theo ngành sử vì xã hội không coi trọng, chế độ đãi ngộ và thu nhập không cao”, Phương nói thêm.

Bích Phương, giải nhất quốc gia môn Sử không lựa chọn con đường giảng dạy, nghiên cứu sử mà chỉ giữ đó là niềm đam mê của mình.

Bích Phương, giải nhất quốc gia môn Sử không lựa chọn con đường giảng dạy, nghiên cứu sử mà chỉ giữ đó là niềm đam mê của mình.

Ngược lại, Trần Thanh Quang lại có quyết tâm theo nghiệp sử, góp phần cải thiện tình trạng học sử ở nước nhà. Là một trong số học sinh giỏi quốc gia đoạt giải năm nay chọn theo nghiệp sử, học sinh Trần Thanh Quang, 12 chuyên Sử, THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định (giải nhất quốc gia Lịch sử 2013) yêu thích tìm tòi lịch sử từ lớp 6, lớp 7 từ những câu chuyện về trận đánh chiến công của cha ông chống giặc ngoại xâm.

Thanh Quang sẽ nộp đơn xin tuyển thẳng vào khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội với mong ước trở thành thầy giáo dạy Sử. Mặc dù ban đầu không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, nhưng với niềm đam mê, Quang thuyết phục bố mẹ để thực hiện ước muốn có thể góp phần nào đó cải thiện tình trạng học sử nước nhà, tìm ra nhiều nhân tài ngành sử.

“Đến bây giờ em thấy quyết định của mình là đúng đắn mặc dù có một chút buồn khi không nhận được cái nhìn và thái độ thiện cảm của người khác trước 1 học sinh giỏi môn Sử.

Mặc dù bố mẹ rất tự hào khi em đạt được thành công nhưng vẫn lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của em sau này. Nhưng em tin tình yêu, niềm đam mê, khát vọng tìm tòi nhân tài lịch sử sẽ chiến thắng được những khó khăn đó”, Thanh Quang thẳng thắn bày tỏ.

Vậy chúng ta cần có chế độ đãi ngộ những người theo sử? Trả lời câu hỏi này, nhà sử học Dương Trung Quốc nói rõ: “Đãi ngộ là phải toàn xã hội chứ không phải một vài món thừa. Chúng tôi chỉ cố gắng tạo nên sự khích lệ, toàn bộ phụ thuộc vào giá trị xã hội”.

Lật lại sự kiện năm nay Bộ GD bỏ thi môn Lịch Sử 6 môn thi tốt nghiệp phổ thông gây xôn xao dư luận và cho rằng đó là sai lầm. Nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc không đánh giá là giáo dục không quan tâm đến học sử.

Còn vấn đề chương trình, sách giáo khoa, thay đổi phương pháp dạy và học sử trong đó có đội ngũ giáo viên là một quá trình lâu dài. Hội Khoa học Lịch sử sẽ kiên trì, tiếp tục tổ chức và trao giải sử với hy vọng mang lại tác động tích cực.

Để giải quyết bài toán làm thế nào cho học sinh yêu thích, đam mê môn sử không phải dễ dàng và nhanh chóng. Những nhà sử học, giáo viên sử vẫn đang miệt mài cống hiến, mong muốn cải thiện tình hình học sử trong nhà trường hiện nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại