Nhà lưu niệm đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

lananh |

Lúc làm nhà, địa phương muốn dùng gỗ lim nhưng Đại tướng kiên quyết không đồng ý.

Theo Đại tướng, nếu dùng gỗ lim sẽ trở thành tiền lệ cho mọi người phá rừng. Và ngôi nhà được làm bằng gỗ vườn trồng ở Lệ Thuỷ.

Dịp sinh nhật lần thứ 102 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dọc các đường làng ở quê nhà Đại tướng, người dân Lệ Thuỷ (Quảng Bình) đang tất bật chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Quốc khánh 2/9 và sinh nhật ông.

Con đường làng vào nhà lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy) được người làng thường xuyên quét dọn sạch sẽ, tinh tươm. Tự hào về người con quê hương, có lẽ mỗi người dân An Xá đều mong muốn được làm một việc gì đó để biết ơn Đại tướng.

nha-luu-niem-don-so-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê. Ảnh: Trần Hồng.

Ngôi nhà cấp 4, với 3 gian nếp xưa nằm nép mình dưới những tán cây xanh. Hơn 30 năm qua, ngày ngày ông Võ Đại Hàm (người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá) vẫn đều đặn thức khuya, dậy sớm nâng niu từng kỷ vật dưới ngôi nhà này. Bộ bàn ghế, chiếc giường, những bức ảnh... sau hàng chục năm vẫn vẹn nguyên bởi bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ông Hàm.

Bên chiếc bàn đơn sơ ở nhà lưu niệm, ông Hàm kể: "Năm 1947, giặc Pháp đốt cháy trụi ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình Đại tướng. Năm 1977, ngôi nhà này được gia đình Đại tướng và chính quyền địa phương phục dựng nguyên trạng trên nền đất cũ. Lúc đầu, địa phương có ý kiến xây dựng ngôi nhà khang trang nhưng gia đình không đồng ý. Sau đó, ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái, lợp ngói theo nếp nhà truyền thống của vùng quê lúa Lệ Thủy kiểu xưa được phục dựng".

Lúc làm nhà, địa phương muốn dùng gỗ lim nhưng Đại tướng kiên quyết không đồng ý vì theo ông làm thế sẽ trở thành tiền lệ cho mọi người phá rừng. Và ngôi nhà được làm bằng gỗ vườn trồng ở Lệ Thuỷ. Nhà được lợp mái đơn sơ, dưới mái lợp thêm chái tranh làm cửa chống lên che mưa, che nắng.

Gian chính giữa nhà đặt bàn thờ tổ tiên, treo di ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng. Phía ngoài đặt chiếc bàn tiếp khách đơn sơ và gian bên cạnh là phòng ngủ có chiếc giường trải chiếu cói. Xung quanh kèo nhà treo một số ảnh Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và ảnh Đại tướng chụp chung với nhiều chiến sĩ. Những vật dụng ở vùng lúa Lệ Thuỷ như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, vại... được sắp đặt ngăn nắp.

Phía sau nhà Đại tướng có cây khế ngọt trĩu quả đã hơn 100 năm tuổi. Nhờ cây khế cổ thụ này mới xác định được vị trí chính xác để phục dựng ngôi nhà Đại tướng trên nền đất cũ.

nha-luu-niem-don-so-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap

Đại tướng thắp hương tại nhà ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: Trần Hồng.

Trước đây, mỗi khi trở về thăm quê, nơi đầu tiên Đại tướng đến là nghĩa trang liệt sĩ huyện để thắp hương cho người cha kính yêu - liệt sĩ Võ Quang Nghiêm và các chiến sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Rồi Đại tướng đến thắp hương trên mộ mẹ và những người thân đã khuất ở nghĩa trang gia đình. Sau đó, ông về ngôi nhà nhỏ kính cẩn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Ông hỏi thăm những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn ai mất, bắt tay, ôm hôn từng người bà con, làng xóm. Ra vườn, Đại tướng tự tay tưới cây, tỉa cành...

Đứng dưới gốc khế, ông Hàm bùi ngùi: "Sau này sức khỏe không cho phép Đại tướng về thăm quê, nhưng nhiều dịp, nhất là sau những lần bão lũ, Đại tướng bao giờ cũng gọi điện về nhà hỏi: "Bà con làng xóm thế nào, có bị thiệt hại chi không? Nhà mình có sao không, cây cối trong vườn, đặc biệt là cây khế có bị đổ không?"

Nhiều sử gia chép lại, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có hai vấn đề xuyên suốt tư tưởng và hành động của ông qua câu nói mà Bác Hồ từng căn dặn: "Chú Văn ạ! Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng" và "có dân là có tất cả". Thấm nhuần lời dạy của Bác, suốt cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hề thấy bóng dáng tư lợi, nhân cách của ông trong sáng, giản dị đến cao thượng.

Ông Võ Đại Hàm kể rằng, lúc còn khoẻ, mỗi lần về thăm quê, thăm nhà, Đại tướng đều khuyên con cháu phải tự lực, phấn đấu rèn luyện, không được xin xỏ ai bất cứ việc gì. Mỗi lần về quê, khi xe đến đầu làng, Đại tướng thường nói lái xe cho ông xuống đi bộ, ôm người già, xoa đầu con trẻ, bắt tay mọi người rồi ân cần thăm hỏi từng gia đình bà con lối xóm.

nha-luu-niem-don-so-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap

Đại tướng thắp hương bên mộ cha trong lần về thăm quê. Ảnh: Tư liệu.

Trải qua bao năm tháng sống xa quê lo việc nước, nhưng Đại tướng vẫn nhớ như in những kỷ niệm tuổi thơ bên dòng Kiến Giang. Đại tướng thường hỏi ông Hàm: "Trẻ con làng mình bây giờ còn tắm sông nữa không? Năm nay đua thuyền, làng nào về nhất?...". Trong ký ức của vị Tướng huyền thoại luôn đầy ắp hình ảnh dòng Kiến Giang trong xanh, hiền hòa cùng làn điệu hò khoan Lệ Thủy. Với ông đó là một phần máu thịt quê hương. Về quê hương Lệ Thuỷ, người dân vẫn kể lại câu chuyện hết sức xúc động về Đại tướng.

Năm 1983, gia đình đưa phần mộ cụ Võ Quang Nghiêm - thân sinh Đại tướng từ Huế về Lệ Thuỷ. Trong nghĩa trang của huyện có khu đất dành để an táng các anh hùng. Khi an táng cụ thân sinh của Đại tướng, nhân dân và chính quyền địa phương muốn đưa phần mộ cụ Nghiêm vào khu đất đó, nhưng Đại tướng dứt khoát: "Ba tôi là liệt sĩ, phải đặt đúng chỗ chứ".

Sau đó 10 năm, phần mộ mẹ của Đại tướng cũng được đưa về quê hương, chính quyền địa phương lại muốn đưa phần mộ của bà vào nghĩa trang để an táng gần cụ ông, Đại tướng không chịu, nói: "Mẹ tôi không phải là liệt sĩ nên không thể an táng trong nghĩa trang. Chuyện này để gia đình tôi tự lo".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại