Tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi giữa bộn bề công việc của cuộc sống, chị Đào Phan, một nhà hảo tâm sinh sống và làm việc tại Sài Gòn đã vội vã đổi lịch bay ra Hà Nội với hi vọng kịp đón trung thu với các trẻ em khiếm thị tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
“Lẽ ra chuyến bay của tôi sẽ xuất phát vào buổi chiều, tuy nhiên, tôi sợ máy bay delay không kịp đến chung vui với các em nhỏ nên tôi đã chấp nhận đổi lịch bay sớm sang buổi sáng. Tôi muốn cảm nhận cảm xúc của những người mù như thế nào, họ đón trung thu khi không nhìn thấy ánh sáng ra sao, bởi từ trước tới nay, tôi chỉ dự những lễ hội trung thu dành cho những trẻ em bình thường” – chị Đào Phan chia sẻ.
Chứng kiến cảnh các em nhỏ lần mò từng bước đi để tiến lên sân khấu nhận phần thưởng mà chị Đào Phan không khỏi rơi nước mắt.
“Tôi nghĩ dù các em không thấy đường nhưng tôi tin trong tim các em đang nở một nụ cười tươi rói. Tôi trông thấy ở các em niềm vui, cảm nhận được tâm hồn của các em như thế nào và mình muốn chia sẻ niềm vui đó với các em” – chị rưng rưng xúc động nói.
Qua nhóm hướng thiện của báo Trí thức trẻ, chị Đào Phan đã hảo tâm đóng góp tiền và tài trợ những bó hoa thay lời cảm ơn dành tặng các nghệ sỹ, các ca sỹ đem món quà tinh thần tới cho các em.
Nhà hảo tâm Phan Lân trao quà (bình nóng lạnh) đặc biệt ý nghĩa dành tặng các em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu.
“Tôi sẽ lưu lại các hình ảnh đẹp, đầy nỗ lực của các em khiếm thị, khi về, tôi sẽ cho con tôi xem coi như là một nguồn động lực để con tôi cố gắng học tập hơn. Bản thân tôi cũng thường xuyên đưa con tới thăm các trẻ em khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa để cảm nhận những khó khăn mà mọi người đang phải gánh chịu, để chia sẻ nỗi đau với các em” – chị Đào Phan bày tỏ.
Là một người đã từng giảng dạy trong cô nhi viện suốt 10 năm, chị Phan Lân – một nhà hảo tâm tại Hà Nội hiểu hơn ai hết sự khó khăn, cô đơn, trống trải, sự thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần của các em.
“Tôi muốn san sẻ một phần nào đó nỗi bất hạnh của các em” – chị nói. Món quà thiết thực mà chị mang tới cho các trẻ em mù trường Nguyễn Đình Chiểu tại lễ trung thu năm nay đó là 3 chiếc bình nóng lạnh, giúp các em vượt qua mùa đông lạnh lẽo.
“Mùa đông sắp tới rồi. Tôi đã từng chứng kiến cảnh các em co ro tắm vì không đủ nước ấm, hiểu cái cảm giác lạnh đến cắt da cắt thịt khi không đủ quần áo mặc. Tôi muốn làm gì đó ý nghĩa và thực tế hơn để đem lại sự ấm áp cho các em, nên tôi đã chọn một món quà gắn liền với cuộc sống, cái mà các em có thể sử dụng hàng ngày” – chị Phan Lân tâm sự.
Chị Lân cũng cho biết: Chị có lợi thế là có thể kêu gọi được đông đảo mọi người tham gia ủng hộ, đóng góp. Nếu có thể làm được điều gì đó nhiều hơn cho các em thì chị rất sẵn lòng. Hiện tại, gia đình chị cũng có một kho quần áo gồm 300 – 400 chiếc, chị mong muốn sẽ được trao tặng nó cho các em có hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương.
“Mọi năm, mình đón trung thu ở nhà nhưng năm nay là một trung thu đặc biệt. Đây có thể coi là món quà “có một không hai” dành tặng sinh nhật tuổi 35 của mình. Có lẽ mình sẽ không bao giờ quên cảm giác này” – chị Phan Lân chia sẻ.
Đến với đêm trung thu của các trẻ em khiếm thị như một cơ duyên khi đi cùng chị gái là đại diện cho hội sinh viên, chị Trần Thị Quỳnh Ngọc (tập đoàn Nam Cường) cho biết: “Tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa, thậm chí ngay cả cái tên “ánh trăng tâm hồn” cũng đầy ẩn ý. Có lẽ đây là nơi hội tụ của các nhà hảo tâm, của những vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong, vẻ đẹp của những tâm hồn không bao giờ ngừng sáng. Tôi rất xúc động và hi vọng vẻ đẹp đó sẽ lan tỏa”.
Không chỉ đi một mình, chị Ngọc còn đưa con tới tham dự cùng. Chị hi vọng mình và tất cả mọi người có thể sống chậm lại để quan sát, trải nghiệm cuộc sống để thấy may mắn hơn với hiện tại, để biết yêu hơn sự sống, yêu hơn những gì mà mình đang có.
“Khi lần đầu tiên bước chân vào trường, trong đầu tôi luôn nghĩ, các em khiếm thị sẽ không nhìn thấy đường đi, không nhìn thấy ánh sáng và mọi người xung quanh,.... Vì vậy, tôi đã chủ động quan sát, chủ động tìm kiếm để đến gần hơn với các em, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là: các em rất tự tin. Để được như thế, tôi biết là mình phải cảm ơn các thầy cô – những kỹ sư tâm hồn, kỹ sư ánh sáng đã truyền lửa, cần mẫn hi sinh vì các em. Và mặc dù các em khiếm thị nhưng các em đã khiến người khác phải cảm phục về sự đấu tranh vươn lên và quyết tâm sống của mình” – chị Ngọc nhấn mạnh.
Khác với các nhà hảo tâm trên, với anh Nguyễn Xuân San, Đội phó đội sinh viên tình nguyện Viện cơ khí, đây không phải là lần đầu tiên anh tham gia chương trình vui chơi cùng các em nhỏ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu.
Đại diện đội tình nguyện Viện Cơ khí trao quà trung thu.
Anh cho biết: Mỗi tuần, đội tình nguyện đều có 3 buổi tới thăm nom, dạy dỗ các em. Trước đó, đội cũng đã từng tổ chức “Xuân yêu thương” để các em được vui vầy đón Tết nhưng có lẽ, “đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy vui, không khí ấm áp như hôm nay. Tôi nghĩ rằng, các em đêm nay sẽ phấn khởi tới mức không ngủ được mất!” – anh San nói.
Món quà mà anh cùng các bạn trong đội tình nguyện trao tặng các em mộc mạc, giản dị nhưng chân thành và chứa đựng đầy ắp tình cảm yêu thương, đó là những hộp bánh kẹo để các em phá cỗ trung thu, vui trọn đêm trăng. Anh San hi vọng, những trẻ em mù cũng được hưởng niềm hạnh phúc như bao đứa trẻ bình thường khác.
Chương trình múa lân sôi động đem niềm vui, tiếng cười tới đêm Trung thu dành cho học sinh khiếm thị của trường.
Có thể nói, niềm vui của các em cũng là niềm hạnh phúc của những nhà hảo tâm, của tất cả những ai đã tham gia đêm trung thu bình dị, sâu lắng tại trường mù Nguyễn Đình Chiểu – nơi mà các trẻ em không nhìn được bằng mắt nhưng lại có thể cảm bằng tâm hồn.