Đánh tiết canh cả chuột, gà, rắn, rồng đất...
Nhà báo Phạm Ngọc Dương, Trưởng ban Phóng sự Báo điện tử VTC News, là một cây bút có hàng trăm bài báo thú vị về những phong tục, cảnh quan, con người độc đáo khắp các vùng miền trên cả nước. Thật ít nơi nào trên đất nước Việt Nam chưa có dấu chân anh qua. Từ đỉnh cao Lũng Cú - Hà Giang, địa đầu Móng Cái đến cuối mũi Cà Mau, không chỉ con người, cảnh quan, mà cả ẩm thực của những nơi ấy, qua ngòi bút "giang hồ hào sảng" của anh cũng hóa thành một nét văn hóa độc đáo không lẫn được với nơi nào khác.
Không chỉ đam mê khám phá phong tục lạ, Phạm Ngọc Dương còn yêu thích tìm hiểu văn hóa ẩm thực những nơi anh đến. Thế nên, để biết về những món ăn lạ lẫm ở các vùng miền, chúng tôi không thể không tìm đến anh.
Phạm Ngọc Dương (giữa) cùng bạn bè trong một bữa nhậu tiết canh ngựa và thắng cố ở chợ Bắc Hà.
“Tôi thuộc dạng bạo ăn nên món gì cũng thử. Người Việt xơi đủ thứ, hầu như con gì cũng ăn được. Từ côn trùng như bọ xít, ve, kiến, dế trũi, bò cạp, châu chấu… đến các loại sâu như sâu chít, sâu măng, sâu dừa, sâu tằm… và họ nhà giun như sá sùng (giun biển), rươi…
Tôi từng ăn thử thịt rắn sống, nhiều loại cá sống, vô số loài nhuyễn thể ngoài biển cả, từng ăn cả con dòi nấu măng to bằng ngón tay sinh ra từ đùi trâu thối treo trên mái nhà của người Xinh Mun, rồi ăn no cả bụng món nòng nọc trong miền tây Thanh Hóa.
Nhưng ngẫm lại, thì món tiết canh, món ăn phổ biến ở mọi miền đất nước, mọi dân tộc, mới là món ăn nhiều phiên bản hãi hùng nhất” – anh cho biết.
Theo nhà báo Phạm Ngọc Dương, món tiết canh lợn, dê, gà, vịt vốn rất phổ biến cả nước, còn vô vàn loại tiết canh nữa mà có ngồi một chỗ cũng chẳng bao giờ tưởng tượng ra được: Rắn, rồng đất, dúi, chuột, gà, ngựa, nhím, cá sấu….
“Người Việt có cảm hứng sáng tạo vô biên với món tiết canh. Con chim sẻ bé tí ti bằng quả cau, làm thịt mấy chục con mới được độ 1 thìa tiết, thế mà cũng thành món tiết canh se sẻ. Không chỉ đi lên rừng, mà khi xuống biển cũng có vô số món làm được tiết canh. Tiết canh tôm hùm ăn chả ra sao nhưng người ta cũng hì hụi làm tiết canh cho sành điệu. Rồi con ngán (cùng họ nhưng to hơn con ngao) bằng cái trôn bát, mổ ra được nửa thìa tiết mằn mặn, nhờ nhờ, cũng được một bát tiết canh. Giỏi thế chứ!”.
Tuy nhiên theo tổng kết của nhà báo Phạm Ngọc Dương, món tiết canh cá sấu quả thực ngon, ngọt, mát, bổ. Cùng với tiết canh dê, đây là hai món ngon nhất trong các loại tiết canh anh từng nếm thử.
Choáng với những món tiết canh độc lạ
Trong chặng đường “rong ruổi giang hồ” của mình, cây bút này cũng từng nhiều phen nổi gai ốc khi được mời những bữa tiệc tiết canh ở nơi rừng núi.
Anh bảo vẫn "nhớ như in" những lần được người Mông thết đãi món tiết canh gà.
Tiết canh gà của người Mông
Món này đồng bào Mông gọi là “trắng cay”, có thể làm theo 3 kiểu khác nhau: Một là cắt tiết gà để đông và cứ thế xắn ra ăn. Ăn tiết canh gà kiểu này ngọt nhưng có mùi tanh. Hai là pha tiết canh với lòng mề, tim gan luộc, băm nhỏ với rau húng rồi đánh với tiết gà như người Kinh vẫn làm với tiết vịt. Ba là nướng gà rồi băm nhỏ thịt xương, sau đó lấy tiết đã hãm trộn đều với các loại rau như tía tô “bằng la”, lá chanh “phù sí lùy”, lá húng suối “pẳn đi phảo phù”, húng lừu “pcay”. Món này vừa thơm, vừa tanh.
Người Kinh không đánh tiết canh gà bao giờ nhưng với người Mông, đó là món ăn không thể thiếu được mỗi dịp tế lễ. Món này không chỉ được dâng thần linh, nịnh đủ các loại ma như ma gà, ma xó, ma rừng, ma suối, ma cây, ma góc nhà, ma ngũ hải… mà nó còn là khoái khẩu trong ẩm thực của đồng bào Mông.
“Trong ba cách, tôi sợ nhất là cách ăn thứ nhất. Khi họ bê nguyên đĩa tiết đến trân trọng mời mình, dù hãi cũng phải bấm bụng… hòa đồng”, anh kể.
Nhà báo Phạm Ngọc Dương cũng cho biết, ở các vùng miền núi, hễ con gì đánh được tiết canh thì theo đồng bào ở đó, thành phẩm sau chế biến đều “rất ngon, rất bổ”.
Ở Hà Giang thì phiên chợ cuối tuần thường có món dúi rừng. Con dúi là họ nhà chuột, đào hang trên núi như chuột, chuyên ăn mầm cây chít. Con vật này có rất nhiều tiết, nên chỉ cần nặng độ 1kg đã có thể đánh được mấy bát tiết nho nhỏ.
Đến Lào Cai, Phạm Ngọc Dương lại được chiêu đãi món tiết canh con đệnh đạng. Đệnh đạng là cách gọi của đồng bào Dao, thực ra là con kỳ nhông xanh, một số nơi gọi là rồng đất. Con này trông hình thù như con kỳ nhông, chỉ khác là màu xanh như lá cây. Vì con vật này có nhiều tiết và nhiều bộ phận có sụn, nên toàn thân đều hóa thành tiết canh cho người ăn cả.
“Xưa tôi lên đó chẳng thấy ai ăn tiết canh kỳ nhông xanh, nhưng dạo gần đây lên thấy người ta hay mời. Đàn ông những nơi này tin rằng, ăn tiết canh dúi hay đệnh đạng (rồng đất) thì sức lực sung mãn, nên ông nào muốn khỏe cứ săn nó suốt, nên giờ hiếm lắm", cây phóng sự khám phá cười dí dỏm.
Phạm Ngọc Dương cũng từng có một bài ký sự nổi riếng về việc người La Chí ăn tiết canh chuột như một món đặc sản. Thậm chí, đây còn là món ăn thiêng mà họ cúng dâng thần Rắn (là thần hộ mạng của người La Chí).
Anh kể, người La Chí cho rằng, ma gà thích ăn tiết canh gà nên người Mông cúng tiết canh gà, còn Thần Rắn thì thích nhất tiết canh chuột nên người La Chí phải cúng tiết canh chuột là đương nhiên.
Trong ngày lễ cúng Thần Rắn, đồng bào phải chuẩn bị một mâm thịt cá bình thường, và mâm thứ hai đặc biệt toàn thịt chuột, bao gồm rất nhiều món chuột hấp, chuột hầm, chuột xào mầm thảo quả, chuột khô, chuột nướng. Và quan trọng nhất là bát tiết canh chuột.
“Vào ngày thường, ai cũng có thể ăn tiết canh chuột, nhưng vào lễ cúng thần thì chỉ thầy cúng mới được có vinh dự đó. May hôm tôi lên chơi thăm đồng bào lại trùng vào lễ cúng thần Rắn, chứ không nếu vào ngày thường, bà con mời chắc tôi phải ngượng ngùng mà từ chối vì …sợ.”
Tiết canh dúi ở Hà Giang. Ảnh Phạm Ngọc Dương
Người La Chí cúng tiết canh chuột cho thần Rắn. Ảnh: P.N. Dương
Uống rượu tiết chuột
Mặc dù là người nếm hầu hết các món tiết canh khắp dọc dài những nẻo đường đất nước nhưng cây bút phóng sự lão luyện này cho biết, anh không hề đam mê món ăn này. Với anh, đây chỉ là nếm trải cho thêm phần hiểu biết mà thôi.
"Tôi thấy mình may mắn vì chưa bị làm sao. Đợt này thấy các bác sỹ vất vả với nhiều bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh quá. Chắc tôi cai luôn tiết canh. Không thể chết vì ...ham hiểu biết kiểu này được!" - Phạm Ngọc Dương nói và lắc lư mái tóc nhiều gió bụi của mình.