Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói về trụ cầu Vĩnh Tuy bị nứt

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - TS Liêm cho rằng: “Nếu chất lượng bê tông xấu nghiêm trọng thì phải làm lại chứ làm sao cứ vá víu thế được”.

Ngày 19/2, Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan này đã tổ chức kiểm tra trụ H22 cầu Vĩnh Tuy với sự tham gia của các đơn vị liên quan. Sau đó đoàn kiểm tra đã họp thống nhất, đánh giá hiện tượng, nguyên nhân và giải pháp xử lý.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, vết nứt dọc trụ H22 có độ rộng 2,3 đến 2,6mm, chiều dài từ điểm tiếp giáp đất lên trụ khoảng 10m. Nguyên nhân theo đánh giá ban đầu có thể do co ngót bê tông, phải theo dõi. Về khả năng chịu lực của cầu, vết nứt dọc trụ H22 không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ. Trụ H22 vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn. Biện pháp xử lý được đưa ra là xử lý vết nứt theo hướng bơm keo bảo vệ cốt thép, lớp trong và tiếp tục theo dõi.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết: Vết nứt của bê tông có hai nguyên nhân. Một là nguyên nhân chịu lực mà gây ra nứt. Còn lại là nguyên nhân do bê tông co ngót. Trong trường hợp này, người ta nhận định là do bê tông co ngót.

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng
TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng

“Tuy nhiên, co ngót làm sao lại có thể gây nứt trong khi các trụ khác cũng có co ngót mà lại không có hiện tượng nứt? Tại sao các nơi khác không gây nứt mà ở trụ cầu này lại bị nứt? Chúng ta phải xem xét kỹ nguyên nhân là do đâu”, TS Liêm đặt ra câu hỏi.

Theo TS Liêm, thông thường, có hai nguyên nhân gây nứt: Một là chất lượng của xi măng, hai là cấp phối bê tông.

TS Liêm nói tiếp: “Điều quan trọng là liệu đã nứt vào đến cốt thép hay chưa. Lớp bê tông ở bề mặt có nhiệm vụ bảo vệ lớp cốt thép ở bên trong khỏi bị gỉ. Bao giờ thi công cũng phải có mẫu bê tông thí nghiệm. Bây giờ xem lại xem mẫu thí nghiệm đó như thế nào, ai làm và kết quả như thế nào. Nếu chỉ chữa thôi, trách nhiệm cá nhân người làm không được truy rõ thì những lần sau rất dễ sai tiếp”.

Vết nứt ở trụ H22 (Ảnh: Tuấn Phùng/Tuổi trẻ)
Vết nứt ở trụ H22 (Ảnh: Tuấn Phùng/Tuổi trẻ)

Khi được hỏi về phương án bơm keo để bảo vệ lớp cốt thép bên trong, ông Liêm cho rằng: “Vấn đề bây giờ là phải xem chất lượng bê tông như thế nào. Cho nên tôi mới hỏi về mẫu bê tông thí nghiệm ngày trước ra sao và bây giờ phải đem những máy dụng cụ cường độ bê tông đến đó (trụ cầu bị nứt – PV) để xác định chính xác nguyên nhân thế nào. Nếu chỉ xem xét qua rồi ngồi thống nhất nguyên nhân thì có lẽ đơn giản quá. Nếu chất lượng bê tông mà xấu thì việc bơm keo vào sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì bởi rồi nó sẽ lại nứt và hỏng thôi. Nếu xấu nghiêm trọng thì phải làm lại chứ làm sao cứ vá víu thế được. Và đương nhiên đơn vị thi công trụ cầu đó trước đây sẽ là đơn vị phải làm lại”.

Theo ông Liêm, trong trường hợp xấu nhất là phải làm lại trụ cầu đó mà làm cẩn thận thì chất lượng tổng thể của công trình sẽ không bị ảnh hưởng…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại