Qua trao đổi, bà Nguyễn Cúc Phương, Phó giám đốc vườn thú Hà Nội cho biết, cá thể voi kể trên là một voi cái, được đưa từ Quân khu 9 về vườn thú từ tháng 7-2010 và được đặt tên là voi Thái. Nguồn gốc của voi Thái là voi hoang dã, được bắt tại Đồng Nai vào tháng 12-1993, nuôi dưỡng tại Thảo Cầm Viên của TP HCM trước khi chuyển giao cho Quân khu 9 vào năm 1996.
Vì bắt ngoài tự nhiên nên độ tuổi của chú voi này khó xác định. Tuy vậy, khi bắt voi còn khá nhỏ, chỉ tầm 5-7 tuổi, cộng với 18 năm được nuôi nhốt thì tính đến nay voi mới chỉ trên dưới 25 tuổi. Đây là độ tuổi “thanh niên” của loài voi, loài vật có thể sống đến 80-90 tuổi, ngang bằng tuổi thọ con người.
Voi được ăn ba bữa một ngày, sáng và chiều ăn thức ăn xanh (cỏ tươi), trưa ăn thức ăn tinh (gạo, ngô, khoai, chuối, bí đỏ...).
Đề cập đến tình trạng sức khỏe của chú “voi còi”, bà Hà Thu Phương, Giám đốc xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật - đơn vị chịu trách nhiệm chăm sóc các vật nuôi tại vườn thú Hà Nội cho biết, khi mới đưa về vườn thú, voi Thái còn gầy ốm hơn nhiều. Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên là cá thể voi này không bị bất cứ một bệnh tật gì.
Thời gian đầu, voi Thái bị các nhân viên chăm sóc gọi là “người rừng” do rất ngu ngơ và vụng về. Nó không biết cách phải ăn ngô và bí như thế nào, phải dạy đến một năm mới "vỡ" ra. Có lẽ do nó chưa bao giờ được ăn những món “cao lương mỹ vị” như vậy ở nơi nuôi dưỡng trước đó. Sau nhiều đợt bồi bổ với các loại thức ăn tốt, thể trạng của voi đã tốt lên thấy rõ.
Mỗi ngày voi Thái được “thả rông” từ 5-6 giờ vào ban ngày để duy trì khả năng vận động trong khu vực nuôi dưỡng rộng trên 2.000m2. Theo lời của phó giám đốc vườn thú thì diện tích này là rất thoải mái để voi vận động, thậm chí là đủ để nuôi thêm một vài cá thể voi nữa chứ không phải chỉ hai.
So với voi đực Krông được nuôi cùng khu vực, voi Thái tự do hơn nhiều. Chàng voi lưng gù Krông được đưa về vườn thú từ rạp xiếc vì không thể thuần hóa. Nó trở nên hung dữ kể từ khi trưởng thành, rất hay “đánh người”, đặc biệt là sau khi bị gãy mất một ngà. Một nài voi nổi tiếng đến từ Tây Nguyên được vườn thú mời đến mới chỉ nhìn nó từ xa đã lắc đầu chịu thua, nói không thể trị được voi một ngà.
Voi Thái rất hiền, sẵn sàng để người vuốt ve, thậm chí là cưỡi trên lưng. Theo các nhân viên, tai của nó bị rách trước khi đưa vào vườn thú.
Khi voi Thái mới chuyển đến, nó rất hay bị voi Krông “gây sự”. Để tránh chuyện hục hoặc giữa hai con voi, đã có lúc nhân viên vườn thú phải làm vách chắn giữa chúng. Giờ đây voi Krông bị xích thường trực, khi cần vận động mới nới xích cho voi đi lại trong phạm vi rộng hơn.
Bà Phương cũng cho biết, do tập tính riêng nên thức ăn của voi phải được đặt trên mặt đất chứ không cho ăn trong trong máng như hươu, nai, hà mã, để tránh việc voi đập phá máng. Các vườn thú trên thế giới cũng áp dụng điều này chứ không riêng gì vườn thú Hà Nội. Trước khi cho ăn, nền chuồng của voi luôn được vệ sinh sạch sẽ.
Anh Uông Huy Hòa, tổ trưởng tổ nuôi voi và hà mã của vườn thú Hà Nội chia sẻ: “Lúc mới về vườn thú, voi Thái là một con voi gầy đét, nhăn nheo và cóc cáy. Hai bên má nó gầy hóp, hốc mắt trũng sâu, khung xương trơ ra. Quá trình nuôi dưỡng hơn một năm qua đã khiến thể trạng của voi tốt hơn nhiều. Sau một năm nữa quay lại đây, mọi người sẽ còn thấy nó phổng phao hơn nữa”.
Theo Hồng Quân
Báo Đất Việt