Nguyên nhân chậm xử lý 10 'đại án tham nhũng'?

Liên quan đến việc xử lý án tham nhũng, PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Việt Hùng - nguyên phó vụ trưởng Vụ 1A, VKSNDTC.

Nguyên nhân nào làm cho vụ án kéo dài quá trình xử lý?

Dư luận đặc biệt quan tâm tới 10 vụ án  tham nhũng "khủng" nhưng lại xử lý một cách chậm trễ. Theo quan điểm cá nhân ông, việc xử lý chậm này có những nguyên nhân hay rào cản gì, thưa ông?

Vấn đề bạn hỏi, tôi chỉ chia sẻ với tư cách cá nhân, vì đơn vị trước đây tôi công tác cũng như đơn vị mới của tôi bây giờ không thụ lý giải quyết những vụ án đó. Phải nói rằng hiện nay những vụ án đó đang được tiếp tục điều tra, xử lý một cách toàn diện, triệt để nhằm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay có dư luận cho rằng việc xử lý quá "chậm trễ", nhưng tôi cho rằng nói như thế là hơi nặng nề, mà sử dụng từ "kéo dài" có lẽ hợp lý hơn. Vấn đề đặt ra là nguyên nhân nào làm cho những vụ án này phải kéo dài quá trình xử lý? Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Quả thật đây là những vụ án rất phức tạp, việc điều tra phải tốn nhiều thời gian và công sức.


	Ông Vũ Việt Hùng- nguyên phó vụ trưởng Vụ 1A, VKSNDTC.

Ông Vũ Việt Hùng- nguyên phó vụ trưởng Vụ 1A, VKSNDTC.

Đối với mỗi vụ án, cơ quan điều tra phải thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội liên quan đến từng tội danh đã được khởi tố. Ngoài ra, trong những vụ án đó, không ít vụ liên quan tới nhiều người, xảy ra tại nhiều địa phương, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài, ví dụ như vụ Vinashin. Do đó vấn đề hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp trong điều tra, xử lý phải đặt ra. Đó lại là vấn đề không hề đơn giản chút nào, nhất là việc yêu cầu, đề nghị phía nước ngoài cung cấp chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Mặt khác, một người phạm tội đã bị khởi tố không chỉ liên quan đến một tội danh mà có thể liên quan đến nhiều tội danh khác nhau như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản hoặc cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... và để tránh bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội thì việc điều tra cần phải chặt chẽ, chính xác và cẩn trọng.

Điều đó đòi hỏi phải có những điều tra viên có bản lĩnh, có năng lực trình độ vững vàng và phải có thời gian để điều tra. Cơ quan điều tra không thể một sớm một chiều hoàn tất công việc một cách sớm nhất có thể hoặc theo dự tính.

Liên quan đến thời hạn điều tra, theo tôi được biết, ở một số quốc gia trên thế giới, thời gian để điều tra một vụ án không bị giới hạn. Khi nào thu thập đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội thì khi đó họ mới quyết định truy tố để tòa án xét xử. Còn ở Việt Nam, căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà pháp luật tố tụng hiện hành quy định thời hạn điều tra cụ thể cho từng loại tội phạm khác nhau. Ví dụ, đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đều có quy định cụ thể về thời hạn điều tra khác nhau và nếu hết thời hạn đó thì có thể gia hạn thêm. Khi đã hết thời hạn điều tra, kể cả thời hạn đã được gia hạn mà chưa kết thúc được việc điều tra thì mới nói vụ án bị kéo dài.

Cần thành lập lực lượng Cảnh sát tài chính chuyên trách

Trong 10 vụ án tham nhũng khủng có tới 8/10 vụ án liên quan đến tài chính đã có ý kiến về việc Việt Nam phải có cảnh sát tài chính chuyên trách, có trình độ chuyên môn cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay chúng ta đã có các hệ thống khác nhau để kiểm soát tài chính và hoạt động kinh tế như thanh tra, kiểm toán. Chúng ta cũng có hệ thống Cơ quan điều tra tội phạm về tham nhũng, tội phạm kinh tế chức vụ từ trung ương đến địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra vẫn được tiến hành thường xuyên theo chức năng của các bộ, ngành. Trong một chừng mực nào đó, các kết quả thanh tra, kiểm tra đều được công bố và những vi phạm nghiêm trọng về kinh tế - tài chính đều được chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.

Hiện nay một số quốc gia trên thế giới có tổ chức hệ thống cảnh sát tài chính chuyên trách, có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu sắc về lĩnh vực ngân hàng. Lực lượng này làm nhiệm vụ theo dõi, phát hiện và ngăn ngừa các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Nếu phát hiện có biểu hiện nghi ngờ, lực lượng này vào cuộc, kiểm tra xử lý kịp thời, ví dụ như việc chuyển tiền với số lượng lớn...

Việc cần có lực lượng cảnh sát tài chính, theo tôi các nhà quản lý nên nghiên cứu, xem xét. Về lâu dài, có lẽ cũng phải xây dựng đội ngũ chuyên trách này.

 Có ý kiến cho rằng do cơ quan điều tra chịu nhiều áp lực dẫn tới kéo dài vụ án?

Nói như vậy là không đúng vì hiện tại cơ quan điều tra có thẩm quyền vẫn đang tiến hành điều tra theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định nhằm làm sáng tỏ toàn bộ vụ án. Có vụ án cũng đã khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có cả những bị can trước đây nguyên là cán bộ cao cấp (như ông Trần Xuân Giá chẳng hạn).

Như vậy, nếu nói có áp lực trong việc điều tra các vụ án đó thì áp lực từ đâu? Áp lực như thế nào? Theo quan điểm của riêng tôi, những vụ án tham nhũng hiện đang điều tra không chịu bất cứ một áp lực nào. Có điều, với thời hạn điều tra như hiện nay, nếu không tập trung lực lượng, khẩn trương điều tra thì sẽ để kéo dài, vi phạm tố tụng... và đó chính là áp lực mà nhân dân, dư luận đang đặt ra.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!   

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại