Nguyên ĐBQH chiếm đất của chị ruột: 10 sai phạm lớn của tòa án

Quang Minh |

(Soha.vn) - VKSND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Quỳnh Lưu vì "vi phạm pháp luật dân sự cả về nội dung và thủ tục tố tụng".

Như chúng tôi đã đưa tin, cuối năm 2009, ông Trần Xuân Lập (75 tuổi, trú tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm đơn khởi kiện người em ruột của vợ mình là ông Lê Duy Nguyên (nguyên ĐBQH khóa X tỉnh Nghệ An, Giám đốc Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên) ra TAND huyện Quỳnh Lưu để đòi lại 36,5ha rừng ông Lập đứng tên trong lâm bạ (sổ giao đất rừng cho dân) bị ông Nguyên giả mạo chữ ký chiếm đoạt. 

Trong cả 2 phiên tòa diễn ra vào ngày 28.12.2011 và ngày 26.3.2012, ông Nguyên đều thừa nhận hành vi "ký hộ" ông Lập vào sổ lâm bạ mà ông Lập được Nhà nước giao quyền. Bên cạnh đó, còn một sự lạ không thể giải thích là biên bản bàn giao lâm bạ mà ông Nguyên đưa ra trong các phiên tòa lại được chính quyền địa phương và hạt kiểm lâm huyện chứng nhận vào các ngày 29, 30 và 03 Tết âm lịch Quý Dậu - những ngày cả nước đang nghỉ Tết cổ truyền.


	Vợ chồng ông Lập (ngoài cùng bên trái) và ông Lê Duy Nguyên (ngoài cùng bên phải) trước tòa.

Vợ chồng ông Lập (ngoài cùng bên trái) và ông Lê Duy Nguyên (ngoài cùng bên phải) trước tòa.

Ngày 31.5.2013, TAND huyện Quỳnh Lưu tiếp tục đưa vụ án trên ra xét xử. Kết thúc phiên xét xử, HĐXX bác yêu cầu của ông Trần Xuân Lập vì cho rằng lâm bạ số 02 được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp cho gia đình ông Lập đã vi phạm về trình tự thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 27.6.2013, VKSND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1063/QĐ/VKS-P5 kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm số 11/2013/DSST ngày 31.5.2013 của TAND huyện Quỳnh Lưu vì "vi phạm pháp luật dân sự cả về nội dung và thủ tục tố tụng". Cụ thể như sau:

1. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 31.5.2013, thư ký tòa án tiến hành tố tụng là ông Hồ Diên Tuấn, cũng là thư ký tòa án đã từng tiến hành tố tụng trong vụ án này trước đây, như vậy là trái với quy định tại khoản 2 điều 49 BLTTDS.

2. Tại bản án sơ thẩm thể hiện bị đơn trong vụ án là ông Lê Duy Nguyên nhưng tại biên bản phiên tòa thể hiện bị đơn trong vụ án tham gia phiên tòa sơ thẩm là Doanh nghiệp tư nhân trồng rừng Lê Duy Nguyên do ông Lê Duy Nguyên làm đại diện.

3. Tại biên bản nghị án ở phần biểu quyết áp dụng điều luật và phần quyết định của bản án có ghi điều luật áp dụng là Mục II, III Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 của UBND huyện Quỳnh Lưu là không đúng. Quyết định của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc cấp đất rừng cho ông Lập chỉ là 1 văn bản hành chính, không phải là văn bản pháp luật làm căn cứ để tòa án áp dụng giải quyết vụ án dân sự.

4. Hồ sơ vụ án thể hiện diện tích đất tranh chấp do DN tư nhân trồng rừng Lê Duy Nguyên quản lý và sử dụng, không phải do cá nhân ông Lê Duy Nguyên sử dụng. Tòa án không đưa những cá nhân trong DN vào tham gia tố tụng là thiếu sót, dẫn đến giải quyết vụ án không triệt để.

5. Tòa án cũng không đưa UBND huyện Quỳnh Lưu vào tham gia tố tụng để xác minh làm rõ về quy trình cấp lâm bạ cho ông Lập là vi phạm quy định tại khoản 4 điều 56 BLTTDS.

6. Những người con ông Lập và bà Lê Thị Vạn không có đơn yêu cầu độc lập. Việc tòa án cấp sơ thẩm buộc họ phải nộp tiền tạm ứng án phí là trái với quy định tại khoản 1 điều 130 BLTTDS.

7. Bản án tuyên "buộc ông Trần Xuân Lập phải nộp 53.610.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Miễn giảm cho ông Lập và bà Vạn 23.610.000 đồng tiền án phí. Ông Trần Xuân Lập và bà Lê Thị Vạn còn phải nộp 30.000.000 đồng...". Như vậy, nếu hiểu theo bản án này thì ông Lập phải chịu 2 khoản án phí.

8. Tòa xử bác đơn khởi kiện của ông Lập nhưng lại buộc ông phải chịu án phí đối với vụ án có giá ngạch là không đúng với quy định tại điểm a khoản 2 điều 17 Nghị quyết 01/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

9. Tại phần quyết định của bản án về kháng cáo có ghi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Xuân Lập có quyền kháng cáo là trái quy định tại điều 243 BLTTDS.

10. Tại bút lục 108 có trong hồ sơ vụ án, ông Nguyên tự khai là năm 1992 có bàn với ông Lập và ông Ngoạn nhận đất chung để trồng rừng. 3 đơn xin cấp đất thì 2 đơn mang tên ông Lập và ông Ngoạn, còn 1 đơn ông nhờ anh Nam đứng tên. Điều này chứng tỏ ông Nguyên không nhờ ông Lập đứng tên mà ông Lập là người "cùng nhận đất để trồng rừng chung". 

Bản án chỉ dựa vào việc ông Nguyên đi nhận lâm bạ và ký tên ông Lập vào lâm bạ mà cho rằng UBND huyện Quỳnh Lưu vi phạm về trình tự thủ tục giao đất, cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa phù hợp. Việc giao lâm bạ, ký tên vào lâm bạ và giao nhận đất không phải là điều kiện để được cấp lâm bạ và quy trình để được cấp lâm bạ mà chỉ là quy trình sau khi cấp lâm bạ.

Cuối cùng, kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An nhận định: “Những vi phạm này là nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần áp dụng khoản 3 Điều 275, Điều 277 BLTTDS để hủy bản án sơ thẩm theo hướng đã phân tích trên.”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại