Theo quy định, mỗi người lao động nếu đóng bảo hiểm trong vòng 28 năm đóng với tỷ lệ 22% tiền lương thì sẽ được hưởng lương hưu từ 20 - 25 năm với số tiền bằng khoảng 70 - 75% tiền lương. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhận định, với mức đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu như hiện nay thì quỹ hưu trí chắc chắn sẽ bị “vỡ” nếu không có một khoản tài chính nào thay thế.
Theo các chuyên gia ILO, quá trình lão hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh và một tỷ trọng lớn dân số sẽ không còn được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai. Chuyện gia Carlos Galian cho biết: “Quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam”.
Theo dự tính, quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt, không có khả năng chi trả vào năm 2029.
Đánh giá của ILO cho thấy chế độ hưu trí hiện tại của Việt Nam còn nhiều bất cập, thể hiện ở tuổi về hưu tương đối sớm, đặc biệt là đối với nữ giới, và một bộ phận người lao động được phép về hưu trước tuổi qui định, trong bối cảnh tuổi thọ trung bình được nâng cao và tỷ lệ sinh giảm rõ rệt.
Mặt khác, sự mất cân đối về lợi ích dành cho
nhóm công chức nhà nước và người làm công ở các doanh nghiệp tư nhân
đang tồn tại do khác biệt trong cách tính lương hưu.
Để cân đối nguồn thu và chi cho quỹ hưu trí, ILO đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần kết hợp giữa tăng tuổi về hưu lên 65 tuổi và thay đổi cách tính lương hưu nhằm giảm tỷ lệ chi trả. Nếu thực hiện giải pháp kép này, dự tính quỹ hưu trí sẽ có thể tồn tại tới năm 2052.
Theo ĐV