Nguy cơ mất Tết vì cây ATM... giở chứng?

camnhung |

Một vài năm trước, tình trạng lỗi sự cố, máy hết tiền…xảy ra tại một số cây ATM khiến cho nhiều người “khóc dở mếu dở” không rút được tiền.

Hiện đại thành... hại điện

Mấy ngày qua, trên thành phố Hà Nội, một bộ phận khách hàng đang kêu trời vì tình trạng lỗi khi rút tiền tại các điểm rút thẻ.

Chị Bùi Thị Thơm (Quốc Oai, Hà Nội), công nhân một Công ty sản xuất đồ chơi trẻ em than thở: "Chủ nhật tuần trước (16/01) tôi đi rút tiền lương. Lần thứ nhất đưa thẻ vào máy, cây ATM này báo giao dịch không thành công. Lần thứ hai, thì máy hiện lên số tiền trong tài khoản của tôi là 1,730 triệu đồng. Tôi bấm nút rút 1,6 triệu. Tuy nhiên, rõ ràng nghe tiếng tiền chạy nhưng lại không thấy tiền đâu. Tôi lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng máy vẫn báo lỗi giao dịch".

Được biết, sau đó chị Thơm đã di chuyển gần chục km từ thị trấn Quốc Oai đến huyện Thạch Thất để tìm cây ATM của ngân hàng Techcombank rút tiền.

Tuy nhiên, khi đưa thẻ vào máy, chị Thơm “tá hỏa” khi thấy máy báo trong tài khoản chỉ còn hơn 27 nghìn đồng. Chị lập tức gọi điện đến số điện thoại Trung tâm thẻ ghi mặt sau của thẻ rút tiền thì nhân viên này cho biết lần giao dịch thứ hai tại cây ATM Agribank của chị đã thành công nên đã bị trừ tiền. Còn sự cố của chị Trung tâm sẽ có câu trả lời muộn nhất là 18 ngày. "Nếu 18 ngày Trung tâm mới có câu trả lời thì chắc năm nay gia đình tôi sẽ phải đi vay tiền để mua sắm Tết", chị Thơm buồn bã.

Cùng cảnh với chị Thơm là anh Nguyễn Xuân Thắng (Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội). Anh Thắng cho biết: "Công ty của tôi đã thực hiện việc trả tiền lương qua thẻ ATM từ hơn 1 năm nay.

Hôm ấy, nhà có việc gấp cần tiền nên từ sáng tôi đã đến cây ATM Vietinbank gần nhà để rút tiền, không hiểu nguyên nhân vì sao mà nhét thẻ vào 3 - 4 lần mà máy liên tục báo lỗi. Chạy ra cây ATM trên đường Nguyễn Chí Thanh để rút nhưng hệ thống máy vẫn báo lỗi. Cuối cùng tôi phải đến cổng trường Đại Học Hà Nội (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) mới rút được tiền. Để rút được tiền phải loay hoay gần 1 ngày trời".

Mấy năm trở lại đây, thời điểm các máy ATM có nguy cơ bị nghẽn nhiều nhất vào thời điểm 27 - 29 Tết âm lịch vì thời điểm đó, các công ty, cơ quan, xí nghiệp mới cho nhân viên nghỉ Tết Nguyên Đán. Chị Mai Thanh Tuyến (ngụ ngõ 62, Triều Khúc, Thanh Xuân) tâm sự:

"Chiều 29 Tết năm ngoái được nghỉ làm gia đình tôi đi sắm Tết. Cả hai vợ chồng đến cây ATM thuộc Ngân hàng Techcombank trên đường Nguyễn Trãi để rút tiền. Hôm ấy là ngày cuối năm nên lượng người đi rút tiền quá lớn. Đợi hơn 1h đồng hồ gần đến lượt mình thì máy báo lỗi do hết tiền. Nhiều người chờ rút tiền ở điểm đó đành ngậm ngùi tay trắng ra về. Một số người đành lựa chọn cách đến tận Ngân hàng để rút tiền, chấp nhận cảnh xếp hàng cả ngày".

Ngân hàng cũng "bó tay"

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó phòng Quản lý quỹ ATM - Ngân hàng Vietcombank cho biết: "Những năm trước tình trạng lỗi hệ thống, máy hết tiền đôi lúc cũng xảy ra, nhưng thời điểm hiện tại theo ghi nhận hoạt động của các cây ATM vẫn khá ổn định. Năm nay, các cơ quan được nghỉ Tết dài, tuần tới sẽ có một lượng lớn người từ Hà Nội về quê ăn Tết, lượng tiền mặt sử dụng giao dịch cũng tăng cao nên khả năng bị tắc nghẽn trong thời điểm tới vẫn khó có thể lường trước được".

Theo ông Thắng, hiện ngân hàng này đã nâng cấp hệ thống mạng, cơ sở đường truyền, tập trung đầy đủ phương tiện, hạn chế thấp nhất tình trạng trên. Bên cạnh đó Ngân hàng cũng tăng cường nhân lực, trực tất cả các ngày nghỉ lễ Tết, đặc biệt là thời điểm trước Tết, kiểm tra tình trạng hoạt động của ATM, tăng cường lực lượng tiếp quỹ, giám sát màn hình theo dõi trạng thái hoạt động ATM.

Để hạn chế tình trạng người dân đổ xô đi rút tiền ngày cuối năm, ông Thắng khuyên các doanh nghiệp nên có kế hoạch trả lương sớm cho nhân viên, kéo giãn thời gian rút tiền của khách hàng, giảm áp lực cho hệ thống ATM. "Người dùng thẻ cũng nên chủ động rút tiền trước, tránh những ngày cận Tết mới chen chân vào các cột ATM hoặc chủ động vào rút trực tiếp trong ngân hàng", ông Thắng nói.

Một nhân viên của Ngân hàng Công thương Việt Nam (đề nghị được giấu tên) cho biết: "Hiện tượng hệ thống ATM bị tắc nghẽn trong những ngày cận Tết không có gì lạ vì thời điểm này lượng giao dịch tăng, lượng tiền mặt sử dụng cũng gấp 2- 3 lần so với ngày thường. Năm nay, để hạn chế tình trạng này Ngân hàng Công thương sẽ liên tục tiến hành tiếp quỹ, với khoảng 1400 máy ATM hiện có, mỗi máy sẽ được tiếp thêm khoảng 1 tỷ đồng, hạn chế thấp nhất tình trạng tắc nghẽn ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng".

Lý giải cho nguyên nhân tắc nghẽn thời điểm cuối năm, một cán bộ Techcombank cho biết:

"Dịp cuối năm, giao dịch của các chủ thẻ thường tăng cao do được thanh toán thêm các khoản lương, thưởng, phúc lợi... Khi có tiền vào tài khoản, khách hàng thường tập trung giao dịch rút hết tiền để phục vụ chi tiêu cá nhân dẫn đến các giao dịch tăng cao trong một số thời điểm nên hệ thống xử lý chậm dẫn đến trục trặc.

Ngoài ra thiết bị ATM là một thiết bị công nghệ nên đôi khi cũng xảy ra các lỗi ảnh hưởng đến hoạt động của máy, có thể là lỗi thiết bị phần cứng; lỗi đường truyền (đường truyền gián đoạn, đường truyền bị đứt..) hoặc lỗi do hệ thống cung cấp điện không đảm bảo, điện hay bị cắt... các lỗi trên đều ảnh hưởng đến việc giao dịch của chủ thẻ".

"Từ nay đến Tết âm lịch thông thường là giai đoạn giao dịch thẻ tăng rất cao, có ngày sẽ tăng đến 250-300% so với ngày bình thường do vậy chúng tôi đã chủ động nâng cấp các trang thiết bị để tăng thời gian xử lý giao dịch; tăng cường tiếp quỹ để đảm bảo máy sẵn tiền với khả năng cao nhất, lượng quỹ sẽ được tiếp với tần suất tăng lên", vị này khẳng định.

Theo Đời Sống & Pháp Luật

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại