"Người ta nói tôi giống như đàn ông!"
Trong chuyến công tác Tây Nguyên cuối năm 2015 vừa qua, câu chuyện của một nữ tài xế taxi đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với chúng tôi.
Chị đặc biệt không chỉ với nghề nghiệp hiện tại mà qua những điều chị chia sẻ, chúng tôi thấy khâm phục nghị lực, đức hi sinh ở người phụ nữ này.
Đón chúng tôi tại cửa khách sạn, thay vì hình ảnh các tài xế nam quen thuộc lại là một người phụ nữ dáng người mảnh khảnh nhanh nhẹn cầm ô che mưa cho khách.
Chị là Trần Thị Út Liên (trú tại đường Phan Như Thành, Phường 1, TP Đà Lạt), người phụ nữ đã có 15 năm gắn bó với nghề rong ruổi trên mọi nẻo đường.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là sự nhiệt tình và chu đáo. Khuôn mặt có phần sạm lại vì sương gió nhưng người phụ nữ tuổi 40 luôn niềm nở, ôn hòa khi trò chuyện với khách.
Chị Liên là gốc dân miền Tây sông nước, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng chị phải xa quê để lập nghiệp. Ban đầu, chồng chị nhận lái xe thuê cho người ta, chị buôn bán lặt vặt kiếm thêm thu nhập.
Sau đó, chị cũng quyết định đi học lái xe để thỉnh thoảng phụ lái cho chồng.
Khi được hỏi tại sao phụ nữ “chân yếu tay mềm” lại chọn nghề lái xe, chị Liên cười xòa: “Chắc tại cái duyên em ơi. Nghề chọn mình chứ mình có chọn nghề đâu”.
Thấy chúng tôi có vẻ vẫn tò mò, chị tiếp tục: “Nói vui thế thôi, có ai muốn làm nghề vất vả đâu, âu cũng là cuộc sống mưu sinh em ạ”.
Từ lái phụ, dần dần chị Liên chuyển lên lái chính. Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua, đã có lúc chị tưởng chừng như phải bỏ việc, không thể tiếp tục với nghề “bon bon” trên đường được nữa.
“Bây giờ ngẫm lại, nhiều lúc cũng thấy rùng mình, không nghĩ là mình lại liều đến thế. Nhiều đồng nghiệp nói tôi là đàn ông và hình như tôi cũng tự thấy như thế”, chị Liên tếu táo.
Chị bảo, cuộc đời phụ nữ lái xe phải chịu nhiều thiệt thòi. Bị trêu ghẹo có, gặp lưu manh có, xe hỏng dọc đường hoặc xảy ra sự cố mà không biết xử lý ra sao cũng có. Nói chung, theo chị, đã xác định làm nghề là phải vượt qua nỗi sợ và đôi khi phải dám liều
Nghe lịch trình chạy xe taxi của chị mà chúng tôi cũng thấy “choáng”. Bất cứ khi nào có khách “alo” là chị sẵn sàng, bất kể trên từng cây số, không quản đêm, ngày, mưa, nắng.
Chị cũng quen với việc ăn vội, ngủ vội hay thậm chí bỏ dở bữa ăn nếu có khách gọi xe.
Có lần gần 12 giờ đêm, khách gọi chở đến “Ngôi nhà ma” (ngôi nhà hoang từ thời Pháp, bị đồn là có ma), chị cũng hăng hái nhận nhiệm vụ hay lần nín thở, lo lắng suốt dọc đường với 3 vị khách say rượu rồi lần “liều mạng” vượt vài trăm cây số đường rừng chở khách về tận Đắk Lắk.
“Lần đó, tôi chở 2 mẹ con, bà mẹ chừng ngoài 60, anh con trai gần 40 tuổi về Đắk Lắk. Ban đầu, khi khách nói quãng đường xa như vậy, tôi cũng băn khoăn.
Vả lại, lúc ấy là hơn 10 giờ đêm, có chở họ đến nơi cũng phải mất 4-5 tiếng, nghĩa là tôi sẽ phải đi một mình giữa đêm từ Đắk Lắk về Đà Lạt. Nghĩ vậy cũng hãi nhưng nếu không nhận thì mất một mối lớn. Sau khi "đấu tranh" tư tưởng, tôi cũng nhắm mắt nhận.
Ai dè, lần đó gặp sự cố thật. Trên đường về, xe bị hỏng đúng đoạn đường rừng vắng vẻ. Khi ấy, tôi đã xác định nếu gặp cướp hoặc lưu manh thì tôi “tiêu đời” luôn, không còn có cơ hội về gặp chồng và các con nữa.
Chốt chắc cửa rồi ngồi co ro trong xe chỉ mong trời nhanh sáng. Đó là đêm ám ảnh nhất trong cuộc đời lái xe của tôi từ trước đến giờ”, chị Liên bùi ngùi nhớ lại.
“Tôi luôn thấy có lỗi với các con”
Nhắc đến các con, giọng chị trùng xuống. Chị Liên có 2 người con, một trai một gái. Các con chị đều còn nhỏ nhưng đã phải học cách tự lập vì đã “quen” với việc bố mẹ thường xuyên vắng nhà, rồi những bữa cơm vội, hay những cái Tết không trọn vẹn.
Chính vì lẽ đó, chị Liên luôn canh cánh trong lòng cảm giác có lỗi với các con. Đã nhiều lần, người phụ nữ gan dạ, dám “xông pha” trên mọi cung đường phải rơi nước mắt trước những câu nói ngây thơ của con nhỏ.
“Con ước gì, gia đình mình dọn mâm cơm lên ăn “đàng hoàng” được không mẹ? Ăn rau muống luộc chấm xì dầu cũng được, miễn là đầy đủ cả nhà. Chứ cứ kiểu bố về một tí rồi đi, mẹ về ăn vội rồi cũng đi tiếp, bọn con thấy chán lắm.
Giờ con chỉ muốn mẹ ở nhà với chúng con, nấu cơm cho chúng con ăn, đơn giản thế thôi mà mẹ cũng không làm được”, chị Liên ứa nước mắt khi nhắc lại lời cậu con trai thứ 2.
Nghe ước nguyện tưởng chừng quá đơn giản của cậu con trai cũng khiến lòng chị thắt lại. “Không người phụ nữ nào muốn lao ra đường đêm hôm, chạy xe chở người này người kia cả.
Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, muốn các con có cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải vất vả như bố mẹ chúng nên bây giờ tôi đành có lỗi với các con.
Chỉ mong các con có thể hiểu và thông cảm cho tôi. Đến khi nào cuộc sống ổn định hơn, tôi sẽ cố gắng bù đắp cho chúng”, chị Liên nghẹn ngào.
Chị tâm sự: "Tủi nhất là mỗi dịp Tết đến, nhìn gia đình người ta dắt nhau đi chơi tôi lại nghĩ thương các con. Giao thừa nào hầu như tôi hoặc chồng cũng bận chở khách đi chơi, đi ngắm pháo hoa. Hiếm khi nào được đón cái Tết trọn vẹn, sum vầy bên gia đình…”
Ngồi trên xe, nghe chị kể chuyện đời, chuyện nghề, dù chỉ vài chục phút ngắn ngủi nhưng đọng lại trong tôi ở người phụ nữ với vẻ bề ngoài rắn rỏi này là sự hi sinh, tình yêu thương hết mực với gia đình.
Chị chấp nhận gian khổ, chấp nhận khó khăn thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để đánh đổi cho con cái cuộc sống tốt đẹp. Dù là vậy nhưng chị luôn nhận mình là người phụ nữ may mắn vì vẫn còn chồng con bên cạnh, như vậy có khổ mấy chị cũng cam lòng.