Đó là bà Chu Anh Đào – Giám đốc Quỹ hỗ trợ HSSV nghèo vượt khó Hà Nội, bà được mọi người đặt cho biệt danh “người chuyên đi xin để cho”, bởi một mình bà lăn lộn thành lập Qũy, vượt qua vất vả chỉ với mong muốn giúp các em khó khăn không bỏ dở học hành.
Đã từng không có cơ hội đi học
Là vợ của GS. TSKH Đặng Hữu (nguyên Trưởng Ban Khoa giáo trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường) nhưng bà Đào vẫn miệt mài với công tác từ thiện, tự mở Qũy hỗ trợ HSSV nghèo vượt khó Hà Nội từ năm 1997 ngay sau khi về hưu được 2 năm.
Hỏi về nguyên do bà Đào gắn bó với từ thiện, bà nói đó chính là cái nghiệp. “Chính mình trải qua vất vả, tôi luôn trăn trở làm sao giúp cho các em đến với trường lớp. Chúng nó khổ lắm, bố mẹ thì bỏ nhau, gia đình khó khăn chẳng có tiền đi học.Làm sao trong lúc khó khăn như thế này mong mọi người mở tấm lòng một chút, việc làm của tôi cũng chỉ muốn cho các em nghèo khó không bỏ dở sự nghiệp đến trường”, bà Đào bày tỏ.
Dứt lời, những ký ức tuổi thơ ùa về, bà xúc động kể lại, bà sinh ra ở Nghệ An trong một gia đình nghèo. Chiến tranh, lụt lội xảy ra, cả gia đình bà phải di cư hết huyện Anh Sơn, Thanh Chương rồi về Vinh.
“Khi học hết cấp 2, để thi lên cấp 3 chúng tôi phải bơi qua sông. Vì không biết bơi, tôi không được đi học, về nhà tôi như điên như đảo. Mỗi lần thấy bạn bè đi học qua ngõ, lòng tôi buồn, day dứt. Lúc đó tôi 14 tuổi và quyết tâm một mình ra Hà Nội để thi vào lớp 9 Trường THPT Việt Đức.
Để xin ra, tôi đã phải đấu tranh gay gắt với gia đình, bố mẹ không cho tiền học. Tôi nói: “Ba má yên tâm, con tự lo nuôi thân để học. Con học một buổi, giúp việc hoặc đi làm một buổi” và ba mẹ đồng ý. Ở ngoài này, tôi được ở nhà mẹ của NSƯT Lan Hương. Vừa đi gia sư, vừa đan len để bán lấy tiền ăn học”, người phụ nữ cả đời làm từ thiện bồi hồi nhớ lại.
Những kỷ niệm, thời kỳ khó khăn về tấm lòng của người cha lập trại nuôi quân, gom thóc, gạo chia cho mọi người khi sơ tán lũ lụt; người mẹ bị liệt vì dầm mình trong nước lạnh buốt…Hay quãng đường mà bà đi bộ từ phố Đại La xuống Phúc Xá (Long Biên) để ôn thi cấp 3 rồi hình ảnh đêm khuya vừa đan len, vừa học dưới ánh đèn hắt của phòng bảo vệ nhà xưởng…. đã hình thành lên tình yêu thương trong bà.
“Chính bối cảnh vất vả tạo cho mình động lực để làm từ thiện, lòng thương người, thường trực trong tôi suy nghĩ thành lập một quỹ có tên, có tuổi để giúp các em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn đến tiếp bước đến trường”, bà Đào nhấn mạnh.
Người phụ nữ “chuyên đi xin…”
Gặp trở ngại khi thành lập quỹ nhưng bà cương quyết làm được bởi “bửu bối” là tấm lòng và mối quan hệ. Việc xin tài trợ không phải là dễ dàng nên nguyên tắc của bà Đào là: “Xin được bao nhiêu thì cho các em bấy nhiêu”. Ban đầu, bà xin từ những người thân, đồng nghiệp dù ít hay nhiều và sau là các doanh nghiệp.
Mặc dù đã 75 tuổi, nhưng người phụ nữ chuyên đi xin chưa bao giờ mệt mỏi. Theo bà điều quý giá nhất mình nhận được suốt 15 năm là: “Mình làm được việc mình tâm huyết, có ích cho xã hội, giúp đỡ các em vượt qua thời điểm khó khăn để đứng vững trong cuộc sống. Số tiền không đủ đảm bảo nhưng đó là nguồn động viên tinh thần lớn để vươn lên trong học tập”.
Đó là những lá thư viết tay, là những lời cảm ơn, những cái ôm hôn của những học sinh, sinh viên ở khắp đất nước dành cho bà. Đó là nụ cười, niềm vui, là bước chân các em tiếp tục được đến trường…
Đi khắp nơi, bà không quản ngại đường xa để tìm và giúp những HS, SV khó khăn như trao học bổng ở Cần Thơ; lặn lội đi đò xuống tận nơi nhà của em Nguyễn Khắc Hận (Bình Định) mồ côi cha mẹ để vận động em ở Nhà tình thương (Hà Nội).
Từ đó đến nay, Qũy nhận được nhiều hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện trong nước và quốc tế, tạo cơ hội học tập cho gần 7000 HSSV nghèo, mồ côi, khuyết tật trên cả nước. Quỹ đã lập được 1 nhà tình thương (năm 2000) nuôi dạy 30 trẻ mồ côi từ các tỉnh thành; xây dựng 1 nhà mẫu giáo; cung văn hóa và trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ quận Hoàn Kiếm; trao gần 6000 học bổng HSSV nghèo vượt khó trên toàn quốc, mỗi suất từ 1 đến 3 triệu đồng.
12 năm nay, bà bị tiểu đường, ảnh hưởng đến huyết áp nhưng nơi nào cũng in dấu chân bà đến từ thiện. Bà kể, có lần nằm trong bệnh viện nghe được tin doanh nghiệp cho 50 triệu, bà bừng tỉnh dậy, người khỏe lại tức thì.
“Nhiều người hỏi tôi đi đâu, tôi bảo tôi đi xin. Đến lúc nào mắt tôi không nhìn thấy, miệng tôi không nói được và chân tôi không đi được thì tôi không đi xin nữa. Ai cũng khuyên nghỉ vì tuổi già nhưng cái tâm của tôi vẫn còn, không ai bắt dừng được”, người phụ nữ 75 tuổi chuyên đi xin để cho hạnh phúc khẳng định.
Vâng, “hạnh phúc là sẻ chia”. Bà Đào – người phụ nữ “chuyên đi xin để cho” sẽ còn là tấm gương về lòng yêu thương, về cái tâm dành cho những học sinh, sinh viên nghèo.