Người nghệ nhân với khả năng biến 'thứ bỏ đi' thành… 'vàng mười'

Huy Hoàng - Xuân Hải |

(Soha.vn) - Bằng tình yêu, sự tài hoa của đôi tay người thợ đã biến những thứ tưởng như bỏ đi thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo...

Lấy cảm hứng sáng tác từ tình yêu quê hương đất nước

Sinh năm 1943, trong một gia đình đông anh em tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1965, ông Nguyễn Quang Vịnh đã thoát ly đi tìm vùng đất mới ở tổ 11/9, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa – Tuyên Quang ) với ước mong có cuộc sống ổn định hơn.

Khi ấy, cả gia đình ông đã ngược sông Hồng hướng lên phía Bắc, rồi bám theo dòng Lô giang hào hùng và “cập bến” là huyện Chiêm Hóa ngày nay. Vì thời đó, vùng đất Chiêm Hóa vẫn còn hoang sơ, rừng núi rậm rạp lắm chứ không như bây giờ, đêm đêm còn nghe tiếng hùm beo vọng lại.

Từ đó đến nay, đã có biết bao mùa nước sông cạn rồi lại đầy, ở vùng đất chỉ thấy đá và núi, ông đã coi Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang là quê hương thứ 2 của mình.

Ông Vịnh tâm sự: "Tôi yêu đất và người nơi đây lắm, nó mộc mạc, chân chất và thân thiết. Cứ đi đâu xa độ một hai tuần là nhớ da diết lắm, chỉ mong được về nhà ngắm dòng sông Gâm...".

Hồi những năm 1965-1966, ông tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong rồi vào liên lạc giao thông công tác tại bến phà Chiêm Hóa. Ông Vịnh kể: "Đi tới đâu, hình ảnh quê hương, đất nước, con người cũng bám chặt lấy tâm trí tôi và làm trái tim tôi rung động. Có lẽ chính vì lẽ đó mà nó đã trở thành đề tài cho những tác phẩm của tôi sau này...".

Ông Vịnh bên sản phẩm gỗ lũa kiệt tác của mình.
Ông Vịnh bên sản phẩm gỗ lũa kiệt tác của mình.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Vịnh cũng làm công tác liên lạc nên có cơ hội đi nhiều và giao tiếp nhiều với những người lính Cụ Hồ. Những hình ảnh ông gặp về họ, về tình yêu quê hương, về tình dân quân càng khiến lòng ông xúc động và cảm mến.

Ông luôn nung nấu một ý niệm rằng, mình phải làm gì đó để giữ được hình ảnh đất nước tươi đẹp, đáng yêu đó. Và ý định vẽ tranh bằng gỗ lũa đã nhen nhóm từ bấy trong ông.

Những lúc rảnh rỗi, khi hành quân qua những cánh rừng bạt ngàn ở trung du miền núi phía Bắc, đồng đội của ông thì lấy nhánh lan rừng về nhà làm quà, còn ông lại có những tác phẩm "kỳ quái" là thân hoặc rễ, gốc cây khô. Dần dà, sau nhiều lần chế tác tỉ mẩn những tác phẩm càng trở nên sinh động và có dáng có hình hơn...

Ông Vịnh cho biết: "Lúc ấy, tình hình đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Cuộc sống của nhân dân còn khổ, nhất là với đồng bào dân tộc mình ở vùng đất đá lởm chởm này. Nhưng khi đó, tôi lại bắt gặp được rất nhiều hình ảnh đẹp mà có lẽ tôi chẳng bao giờ quên. Đó là hình ảnh cô thiếu nữ các dân tộc gùi gạo lên cho các chiến sỹ biên cương... Giờ đây, tôi đang trăn trở làm sao để diễn tả được tác phẩm ấy thật đúng với đời thực...".

Quả thật, tình yêu quê hương, đất nước đã in đậm trong ông. Khi được hỏi vì sao ông thích đề tài chiến sỹ và quê hương đến thế, ông mỉm cười: "Bởi ở trong thời chiến hay thời bình thì những anh lính Cụ Hồ vẫn luôn là những hình ảnh đẹp . Ở đó còn là tình yêu quê hương Nam Định xa cách chỉ có dịp Tết hay có việc gia đình, người thân quan trọng mới có thể về thăm được. Đó cũng là đề tài để tôi nung nấu sáng tác cho nghệ thuật ".

Biến gỗ thành… “vàng”

Từ thủa nhỏ, lòng đam mê sáng tạo đã có trong ông. Ông từng đi nhặt các mẩu gỗ lũa ở bờ sông và tìm tòi để tạo ra những tác phẩm cho riêng mình. Tính cho tới nay, ông đã có 15 năm gắn bó với loại gỗ lũa này .

"Gỗ lũa là một trong những loại gỗ quý và tốt. Nó là những gốc cây nằm sâu dưới lòng đất, những gốc cây đã bám rễ tại những vùng đất khó mà nuôi cây trở thành to lớn. Những gốc cây tưởng như vô tri nhưng có nhiều giá trị và ý nghĩa..." – ông Vịnh cho sẻ .

Từ những thân gỗ tưởng như bỏ đi, nhưng qua bàn tay người thợ tài hoa chúng trở thành
Từ những thân gỗ tưởng như bỏ đi, nhưng qua bàn tay người thợ tài hoa chúng trở thành "vàng mười".

Những gốc cây sần sùi nhiều nốt, nhiều nhánh cứ như là một đống củi bùng nhùng cứ quấn lại với nhau, để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thì thật khó. Nhưng ông Vịnh cho hay: "Với những người có đam mê tạo hình từ gỗ lũa như chúng tôi thì những gốc cây càng sần sùi, càng nhiều nhánh thế này lại là những gốc cây tốt, dễ tạo ra được những ý tưởng hay".

Năm 1989, ông Vịnh nghỉ hưu và bắt đầu mở xưởng chế tác gỗ lũa. Những tác phẩm nhỏ như hình ông Tam Đa, hình ông Phúc - Lộc - Thọ hay đơn giản chỉ là một chiếc gương soi đã được cách điệu được ông làm cẩn thận. 

Những tác phẩm trên của ông Vịnh được giới thiệu ở một vài triển lãm nhỏ trong tỉnh và đã thu hút được đông đảo người xem. Nhiều người đã tìm đến tận nhà đặt hàng ông những tác phẩm lớn hơn như bộ ghế hình rồng, phượng, hay bàn ăn theo kiểu cổ...

"Người bình thường nhìn thấy một gốc cây trôi sông thì đơn giản nó chỉ là một gốc cây vô tri vô giác bỏ đi. Nhưng làm nghệ thuật sáng tác gỗ lũa thì đó là những cục vàng mười..." – ông Vịnh chia sẻ .

Theo ông Vịnh, sáng tác được tác phẩm đơn giản cũng cần tập trung trí lực rất cao, chỉ sơ sẩy một chi tiết là bao nhiêu công sức đều bỏ xuống sông, xuống bể cả. Thế nên để hạn chế những chi tiết sai ông mua nhiều sách, báo tham khảo rồi sau đó mới tiến hành chế tác.

Nhìn ông tỉ mẩn cả ngày chỉ để tạo ra khuôn mặt tươi cười của ông Phúc trong bộ ba Phúc - Lộc - Thọ mà tôi thấy phục độ kiên trì nhẫn nại của ông. 

Có lòng kiên trì cộng thêm đôi bàn tay khéo léo nên ông Vịnh sáng tác ra tác phẩm nào đều được khách hàng đến tận nơi "dinh" đi luôn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại