9h tối, gia đình Nguyễn Trung Hiếu, cậu học trò chuyên Lý trường Amsterdam, mới dùng xong bữa tối. Trong ngôi nhà trên phố Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), Hiếu loay hoay rửa bát, còn bà nội ngồi chăm ông.
"Từ lúc đi học về Hiếu đã kịp tắm rửa, thay quần áo đâu. Tôi đi chạy thận về từ trưa cũng chưa nghỉ ngơi vì người đến thăm liên tục", chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ Hiếu cho hay.
Ánh mắt đượm buồn, người đàn bà với thân hình nhỏ bé, nước da nhợt nhạt cho biết, cách đây hai hôm có người đến nhà tìm, hỏi chuyện. Cả chị và Hiếu đều không hiểu nguyên nhân. Sau đó, cô chủ nhiệm gọi điện thông báo bài tập làm văn của Hiếu được thầy dạy Địa gửi lên báo và mọi người quan tâm.
"Thực sự lúc đó tôi vẫn không biết đó là bài văn gì, vì tôi chỉ nhớ có một lần Hiếu mang bài văn về xin chữ ký mẹ, đó là bài tả về ông mặt trời. Cả Hiếu cũng không được báo trước khi bài văn nói về vai trò của đồng tiền được đăng báo", chị Hạnh nói.
Hiếu và mẹ đều cho rằng đó là bài văn bình thường và hoàn cảnh của nhiều bạn khác còn khó khăn hơn. Ảnh: N.K.
Cánh tay trái vẫn hằn những vết tiêm sưng vù, chị cho hay, sáng 7/11 khi đang chạy thận ở bệnh viện, bác sĩ điều trị cười và hỏi "Nguyễn Trung Hiếu có phải con chị không". Nói rồi người bác sĩ khen "cháu viết văn rất hay, rất cảm động", sau đó in một bản đưa cho chị.
"Lúc ấy tôi chưa kịp đọc hết vì mọi người trong phòng bệnh chuyền tay nhau xem. Mãi đến khi về nhà mới xem kỹ thì hóa ra những điều Hiếu viết đều là chắp nhặt câu chuyện mà hai mẹ con thường nói với nhau", người mẹ bệnh tật tâm sự.
Đọc từng câu, từng chữ Hiếu viết, mắt chị đỏ hoe. Nhưng người mẹ ấy chỉ biết động viên Hiếu cố gắng học thật tốt để thoát nghèo. Chị cũng không thấy bất ngờ khi con trai viết bài này, bởi ngay từ bé Hiếu đã rất thương mẹ. Khi chị mới phát hiện bị suy thận, Hiếu đang nghỉ hè lớp 3, chuẩn bị lên lớp 4, cậu đã chạy đến van xin ông bà, nội ngoại "cứu mẹ cháu".
"Hiếu vẫn thường nói với tôi, mẹ là chỗ dựa, là động lực của con. Ở lớp có bạn bè, thầy cô, về nhà ông bà già yếu, bố bệnh tật, con chỉ có mình mẹ thôi, mẹ phải yên tâm chạy chữa", chị Hạnh nghẹn ngào.
Mặc dù vậy, chị cũng cho rằng, dù là viết thật, nhưng bài văn của Hiếu chỉ là bài kiểm tra ở lớp, không đạt giải thành phố hay quốc gia gì. Nhiều người quan tâm quá khiến gia đình chị thấy e ngại. "Mọi người giúp đỡ thì có ảnh hưởng gì đến hộ nghèo không. Nếu không trong diện hộ nghèo, không có bảo hiểm y tế thì tôi chỉ có con đường chết", chị nói.
Hiếu cũng bày tỏ: "Em nghĩ bên ngoài còn nhiều người khổ hơn em, khó khăn hơn gia đình em. Thế nên những nhà hảo tâm hãy quan tâm giúp đỡ trẻ em lang thang, cơ nhỡ, người già neo đơn, hay những người đang lay lắt với bệnh tật mà không thể có tiền chạy chữa".
Theo Hoàng Thùy
VNE