Người lính từng cầm dao rạch bụng ở "địa ngục trần gian"

Đắc Chuyên |

Để tố cáo tội ác của giặc và đấu tranh cho quyền lợi dân sinh của đồng đội, người lính Phùng Xuân Nghị đã đứng lên cầm dao tự rạch vào bụng mình 3 nhát ở nhà tù Phú Quốc. Hình ảnh đó đã trở thành huyền thoại và sống mãi trong lòng nhiều người dân Việt.

Tuổi 17, viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ

Năm Phùng Xuân Nghị 17 tuổi (năm 1966), cũng là năm cuộc chiến giữa ta và bọn Mỹ - Ngụy bước vào phần cam go nhất.

Chẳng thế mà trong một năm, ở địa phương nơi ông Nghị sinh sống là xã Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội tuyển quân đến mấy lần. Trong nhà có 6 anh chị em thì 2 người anh của ông Nghị đều tham gia kháng chiến.

Trong đó, người anh cả là du kích địa phương, trong một lần quyết chiến với địch, đã hy sinh. Cũng từ đó trở đi, ông Nghị một lòng hướng ra mặt trận. Ông về nhà viết đơn tình nguyện lên đường đi chiến đấu để trả nợ nước thù nhà.

Thương binh Phùng Xuân Nghị nhớ về kỷ niệm của một thời hoa lửa

Thế nhưng, vì thiếu tuổi lại không đủ cân, ông Nghị bị loại khỏi danh sách những thanh niên lên đường nhập ngũ.

Với ý nghĩ phải đi giết giặc, ông Nghị nhất quyết xin ở lại đơn vị. Trước tinh thần và nguyện vọng của chàng trai trẻ, thủ trưởng đơn vị đã đồng ý để ông trở thành tân binh.

Sau 3 tháng huấn luyện, ông Nghị được vào biên chế tiểu đội đặc công D406 thuộc Quân khu 5. Những ngày tháng mưa rừng cơm vắt đã tôi luyện nên một Phùng Xuân Nghị kiên gan bền trí.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm Sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng).

Trong khi giằng co với địch, ông Nghị đã bị trúng đạn ở vai xuyên qua phổi. Lúc đó, ông chỉ kịp nghĩ mình không còn sống nổi rồi ngất lịm đi vì mất nhiều máu.

Rạng sáng ngày hôm sau, khi tỉnh dậy thấy mình nằm giữa rất nhiều thương binh, ông biết mình đã bị địch bắt.

“Những ngày tháng bị cầm tù, tôi cũng như những anh em khác luôn vững tin sẽ có ngày cách mạng thành công và dù ở trong tù chúng tôi vẫn bằng cách này hay cách khác liên lạc với bên ngoài và đấu tranh bằng mọi hình thức để tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy”, ông Nghị kể lại.

Cũng sau lần bị trúng đạn ấy, ông bị địch liệt vào hàng “nan y tàn phế”.

Khi bị địch tra khảo bằng những đòn tra tấn dã man, ông Nghị và những đồng đội của mình dù chết cũng không khai nửa lời.

Từ Phùng Xuân Nghị, quê Hà Tây, ông trở thành Nguyễn Xuân Nghị, quê Thanh Hóa. Sở dĩ, ông phải đổi họ thay quê là để tránh bị địch phát hiện và rải truyền đơn ở quê nhà.

Không chỉ bị tra khảo bằng những đòn thù tàn độc mà ông Nghị cùng các chiến sĩ của ta còn bị địch bắt đi lao động khổ sai, nhất là trong những năm tháng bị địch đày ra nhà tù Phú Quốc – nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.

Rạch bụng ở nhà tù Phú Quốc

Với người lính trở về từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thì không có khó khăn nào ở thời bình là các anh không vượt qua được

Dù chiến tranh đã đi qua 40 năm, nhưng những kỷ niệm ở nhà tù Phú Quốc thì còn mãi trong ký ức của thương binh Phùng Xuân Nghị.

Ông kể lại rằng, hằng ngày các chiến sĩ của ta bị địch bắt đi lao động khổ sai, đêm ngủ nền đất, cơm ăn không đủ no, nước không đủ uống, quần áo mặc bị tẩm hóa chất cộng với những đòn tra tấn dã man khiến anh em chiến sĩ sinh nhiều bệnh thật, sức khỏe suy kiệt, đặc biệt là những anh em thương binh, vì thế mà người còn người mất.

Anh em nào chống cự đều bị chúng tra tấn dã man, bẻ răng, nhốt chuồng cọp. Tuy vậy, địch càng đàn áp thì phong trào đấu tranh của ta càng lên cao. Cấp ủy nhà lao đã họp bàn và quyết định đấu tranh bằng hình thức từ tuyệt thực đến rạch bụng.

Khi các phương án được đưa ra, Phùng Xuân Nghị đã đứng lên nhận nhiệm vụ là người cầm dao tự rạch bụng. Hôm đó, sau khi dùng những lời lẽ đanh thép tố cáo tội ác của địch, Phùng Xuân Nghị cầm dao tự rạch 3 nhát vào bụng.

Xe cứu thương được điều tới để đưa ông đi cấp cứu, nhưng anh em ở nhà lao khu D, nhà tù Phú Quốc đã nhất quyết không để địch đưa ông đi.

Trước tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, hy sinh thân mình để bảo vệ đồng đội của ông Nghị, địch đã phải "xuống thang" chấp nhận những yêu sách mà anh em chiến sĩ đưa ra.

Những yêu sách bao gồm: không đánh đập tù nhân vô cớ; cấp phát quần áo, lương thực đầy đủ; khi ốm đau phải được thăm khám, chữa trị; không bắt tù binh đi làm những công việc liên quan đến quân sự.

Tin vui như nhân lên gấp bội khi trong tù địch buộc lòng phải chấp nhận yêu sách của ta thì ở ngoài liên tiếp có tin thắng trận. Cục diện cuộc chiến đã có sự thay đổi, Hiệp định Paris được ký kết vào đầu năm 1973.

Những đợt trao trả tù binh không điều kiện diễn ra, ông Nghị cùng đồng đội của mình được đưa đến sông Thạch Hãn (Quảng trị) để trở về với cách mạng, với người thân.

“Vui mừng khôn xiết, chúng tôi ra giữa dòng thì tất cả sung sướng nhảy xuống sông để được đắm mình trong dòng nước mát của tự do”, ông Nghị nhớ lại.

Sau lần rạch bụng đó, ông Nghị trở thành thương binh hạng 2/4. Với 39% sức khỏe còn lại, ông được chuyển về đoàn ăn dưỡng 559, sau đó tiếp tục về đoàn an điều dưỡng Sơn Tây (Hà Tây cũ).

Năm 1975, ông trở về quê và nên duyên vợ chồng với một người con gái đảm cùng làng.

Sau nhiều năm vật lộn để tìm ra hướng phát triển cho kinh tế gia đình, giờ đây, ông Nghị đã có cho mình một cơ ngơi mà nhiều người trẻ phải mơ ước. Xung quanh căn nhà mới xây là mấy trăm con gà và vài chục gốc bưởi diễn.

Khi đã bước vào tuổi xế chiều, ông Nghị chỉ mong con cháu học hành giỏi giang. Nhìn cơ đồ mà ông dựng nên mấy ai nghĩ nó được làm bởi một người thương binh hạng nặng, nhà đông con.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại