Theo ông Lâm, EVN đang chờ ý kiến từ phía cơ quan Công an tỉnh Bình Dương về vấn đề này.
Trong thông cáo báo chí gửi đi chiều 23/5, EVN cho biết, đến thời điểm 16h ngày 23/5/2013, tổng công suất nguồn điện khu vực phía Nam chưa khôi phục được là 1.100 MW. Đó là tổ máy GT1 của Nhà máy điện Phú Mỹ 1 và toàn bộ Nhà máy điện Phú Mỹ 3. Hiện, EVN và các đơn vị liên quan nỗ lực xử lý để có thể khôi phục các tổ máy trên ngay trong ngày 23/5.
Cũng theo EVN, trong thời gian xảy ra sự cố và hiện tại, EVN đã huy động các tổ máy nhiệt điện và tua bin khí chạy dầu Thủ Đức, Cần Thơ để hỗ trợ khôi phục nhanh phụ tải khu vực miền Nam. “Hiện, tập đoàn đang tính toán mức thiệt hại trực tiếp sau sự cố toàn bộ miền Nam bị mất điện ”, một lãnh đạo EVN cho biết.
Theo công bố của EVN, lượng điện phát bị mất khoảng 9.400 MW. Đối với hàng loạt các ngành bị ảnh hưởng như siêu thị, hàng hóa bị hư hỏng, theo một lãnh đạo EVN , phải căn cứ vào hợp đồng mới có thể đưa ra phương án bồi thường. “Thiệt hại gây ra do lý do bất khả kháng. Do đó, phải căn cứ cụ thể từng trường hợp mới có thể tính toán được”, ông cho hay.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, hành lang tuyến của đường dây 500kV và độ võng thấp nhất của đường dây 500 tới mặt đất đã có quy định, nên người dân vi phạm phải chịu trách nhiệm.
Theo ông Ngãi, hành lang an toàn đường dây 500kV là 40m mặt cắt ngang, còn độ võng thấp nhất xuống mặt đất được quy định tùy từng khu vực. Cụ thể, địa điểm thấp nhất trong vùng núi là 8m, đô thị thành phố là 14m, nông thôn đồng bằng là 12m.
Cũng theo ông Ngãi, hiện, miền Nam nhận điện của miền Bắc qua đường dây 500kV thông qua 2 mạch. Mỗi mạch tải khoảng 1.500MW. Mạch 1 hoàn thành vào năm 1994, mạch 2 đóng từ năm 2004. “Sự cố tương tự có nhiều, thường xuyên như đường dây 110kV, 220kV. Còn sự cố ngày 22/5 là sự cố lần đầu tiên đối với đường dây 500kV”, ông Ngãi nói.
Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP Hà Nội), qua thông tin ban đầu có thể đây là lỗi vô ý. Trong hoạt động công việc của mình, tài xế đã vi phạm vào hành lang bảo vệ an toàn lưới điện đã dẫn tới hậu quả nặng nề.
Theo điều 10 của Bộ Luật hình sự Vô ý phạm tội:
1: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2 Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Với hậu quả xảy ra thì hành vi trên đã phạm vào Điều 231. Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Điều này quy định:
1. Người nào phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 85 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
A) Có tổ chức;
B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
C) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm.