Người đào được cả xe tải cổ vật, đồ dùng bằng vàng tại Hải Phòng

Hoàng Ánh |

(Soha.vn) - Kho báu trên được tìm thấy tại núi Phượng Hoàng - ngọn núi có dáng đan phượng hàm thư, tức con chim phượng ngậm sách.

Núi Hổ Phục, núi Rùa và núi Phượng Hoàng là 3 ngọn núi ở xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), nơi đây đã cất giữ những kho báu khổng lồ được người dân tận mắt chứng kiến. Chính vì thế mà những quả núi nham nhở vết đào bới từ hàng chục năm nay.

Cổ vật bằng gốm mà anh Tuyến đào được trong núi Phượng Hoàng. Ảnh: Đất việt

Trong đó có anh Lê Văn Huỳnh có biệt danh là Huỳnh "đảo" đã mất tổng cộng 10 năm trời đào bới và anh cũng trúng vô số cổ vật. Như lời người dân kể, thì số cổ vật anh Huỳnh bới được từ quả núi này phải tính bằng… xe tải.

Vụ trúng quả lớn nhất của anh Huỳnh là vào năm 2007, mà cả làng Mỹ Cụ đều được tận mắt chứng kiến.

Lần đó, anh Huỳnh đào một đường hầm từ chân quả núi, xuyên sâu vào lòng núi chừng 20m. Đến độ sâu này, anh phát hiện một lớp đất lạ, rõ ràng là đất xáo trộn chứ không còn nguyên bản.

Biết rằng có bàn tay con người tác động, anh tiếp tục đào ngược lên trên. Không ngờ, anh đã đụng phải một hầm gạch. Bình thường, các hầm gạch chỉ nằm sâu vào lòng núi chừng 2-3m, hoặc sâu vào vách núi 1-2m, thế nhưng, hầm gạch này lại nằm sâu trong lòng núi đến 20m.

Chiếc bạt lớn được căng ngay miệng hầm vừa che mưa nắng, vừa để ngủ tại chỗ để trông coi. Ban ngày nhóm Huỳnh “đảo” đào bới, đêm gom cổ vật chuyển về nhà cất giấu, hoặc đưa đi nơi khác bán cho giới sưu tầm cổ vật.

Theo ông Ngoang, hồi năm 2007, ông và người dân trong xóm ùn ùn kéo đến nhà anh Huỳnh để xem kho báu. Ai cũng choáng váng khi thấy khắp trong nhà, ngoài sân la liệt, ăm ắp cổ vật. Cổ vật nhiều đến nỗi ngôi nhà nhỏ không còn chỗ để nữa. Kho cổ vật anh Huỳnh kiếm được gồm đủ các món, như nồi đồng, nồi đất, sạp đồng, bát, lọ, gương đồng, kiếm đồng bọc vàng, rồi bát đĩa bọc vàng nhiều vô kể...

Cùng với anh Huỳnh, thì anh Báo cũng trúng rất nhiều hầm mộ chứa kho báu trong núi Hổ Phục. Tuy anh này không trúng kho báu lớn, nhiều cổ vật như kho báu của anh Huỳnh, nhưng kho báu anh ta đào trúng lại chứa toàn cổ vật có giá trị.

Anh Báo đã thu được mấy hũ chứa vòng ngọc, những viên ngọc đơn lẻ, các đồ dùng chế tác bằng ngọc. Thứ mà anh Báo trúng quả, bán được giá nhất là những chiếc dao găm bằng vàng nguyên chất, bọc vàng, hoặc chuôi nạm vàng. Những chiếc dao găm này dài chừng 30cm. Ngoài ra, còn những lá trầu bằng vàng, mặt nạ nạm vàng ròng.

Cũng tại làng Mỹ Cụ, một nhân vật rất nổi tiếng khác là anh Lê Văn Tuyến với khoảng thời gian 10 năm đào hầm, đào núi để tìm kho báu. Đến nay, số đồ cổ mà anh sở hữu có giá trị bạc tỷ.

Tuy nhiên, không phải những người săn lùng kho báu nào cũng may mắn. Với người người được gán với danh cả đời đi tìm kho báu là cụ Trần Văn Tiệp (98 tuổi, TP.HCM) thì may mắn lại không mỉm cười với ông.

Ông Tiệp kể rằng, vào năm 1971, tình cờ quen một Trung úy thông ngôn cho quân đội Nhật tại Việt Nam là ông Năm Thuận (nay không rõ tung tích). Ông này có rỉ tai lại rằng, tại Bình Giã có một kho báu khổng lồ do Đại tá Ioshida (phụ trách Đông Dương, thuộc cấp của Đại tướng Yamashita- tướng nổi tiếng Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II, mất năm 1946) làm chủ nhân. Đó là “kho báu 10 nghìn tấn vàng” ở núi Lớn (Bình Gĩa, Vũng Tàu). Tuy nhiên, sau nhiều năm dã tràng không tìm được kho báu, đến nay cụ đã tuyên bố chính thức thất bại.

Tổng hợp theo Đất việt/ Gia đình xã hội

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại