Người cuối cùng làm nghề tượng gốm ông Táo

Cụ Nguyễn Thị Lan, 98 tuổi, ở làng gốm Thanh Hà, TP Hội An trở thành nghệ nhân duy nhất còn duy trì nghề làm tượng gốm ông Táo, phục vụ Tết Nguyên đán hằng năm.

Niềm vui của cụ Lan bên mẻ hàng “ông Táo đất” vừa mới ra lò. Ảnh: Đăng Nguyên

Những ngày cận Tết, lò gốm làm tượng “ông Táo đất” của cụ Lan đã tạm ngưng hoạt động sau mẻ tượng thứ 30.000 được dỡ xuống. Những tượng đất đã hoàn chỉnh được xếp gọn trước sân nhà, chuẩn bị đem đi tiêu thụ trước ngày 23 tháng Chạp.

Cụ Lan cho biết, hằng năm, lò gốm của cụ chỉ hoạt động từ ngày 20/11 âm lịch và kết thúc trước 23 tháng Chạp. Do tính chất công việc chỉ phục vụ cho ngày tiễn ông Táo về trời nên trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, lò gốm luôn đỏ lửa nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu của người dân khu vực.

Dù ở tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Lan vẫn cần mẫn cùng con cháu duy trì công việc đúc tượng. Công việc này đòi hỏi người làm phải rất tỉ mỉ, thực hiện rất nhiều động tác, công đoạn.

Thông thường, để làm một tượng hoàn chỉnh, ngoài công đoạn nhồi đất sét cho mịn, người thợ cần phải thuần thục các động tác gạt tay khéo léo phần đất thừa sao cho các tượng được ngang bằng một kích cỡ. Sau khi phơi nắng, tất cả các “ông Táo đất” đều được đưa vào lò nung với nhiệt độ cao, từ 1 đến 2 ngày đêm.

Mỗi tượng “ông Táo đất” chỉ bán với giá 4-5.000 đồng nhưng cụ Lan vẫn duy trì từ hàng chục năm nay. Ảnh: Đăng Nguyên

Theo cụ Lan, mỗi năm chỉ hoạt động được một tháng trước Tết nhưng thị trường lại khá ổn định, phục vụ nhu cầu thị trường các tỉnh lân cận như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…

“Dù là nhà khá giả hay bần hàn, hễ bếp đỏ lửa, cứ đến 23 tháng Chạp hằng năm cũng đều làm lễ tiễn đưa ông Táo về trời. Ở Quảng Nam, tượng 3 ông Táo đất trên ngũ tự luôn được coi trọng. Nhờ rứa mà nghề ni chưa bị thất truyền, lò gốm tới đời con cháu vẫn luôn đỏ lửa”, cụ Lan nói.

Trước khi trở thành một làng nghề truyền thống đặc sắc hấp dẫn du khách, làng gốm cổ Thanh Hà cũng đã trải qua bao thăng trầm như nhiều làng nghề khác. Nghiệp mưu sinh gắn liền với đất, với lò nung của cụ Lan, vì thế cũng lắm phen chìm nổi. Nhưng cứ đến Tết là lò gốm lại chộn rộn với nghề làm “ông Táo đất” truyền thống.

Những kĩ năng từ việc chọn đất, đánh đất, nhào nặn, ép khuôn để thành hình một “ông Táo” đều, đẹp… được cụ Lan truyền dạy tỉ mỉ cho con cháu bằng tâm huyết của hơn nửa đời người làm gốm.

Bây giờ, khi tuổi đã cao, cụ Lan không thể tự tay làm tượng “ông Táo đất” nhiều và nhanh nhẹn như trước đây. Những người con của cụ lại trở thành những thợ chính, giúp cụ duy trì nghề truyền thống trước nguy cơ mai một.

Những sản phẩm tượng đã được phun màu, chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: Đăng Nguyên

Ông Nguyễn Văn Chín, người kế tục lò gốm của cụ Lan cho biết, mỗi sản phẩm tượng “ông Táo đất” bán ra thị trường chỉ khoảng 4-5 nghìn đồng. So với nhiều sản phẩm làng gốm thì quá thấp nên hầu như không một ai sống được với nghề.

“Tui sống với nghề ni cũng vì tâm huyết với nghề truyền thống của ông bà thôi. Biết là khó khăn nhưng đành phải chấp nhận”, ông Chín tâm sự.

Cứ mỗi dịp xuân về, người dân miền Trung lại chờ đón những tượng “ông Táo đất” với mẫu mã mới, đẹp hơn từ chính bàn tay của những người thợ ở lò gốm duy nhất còn duy trì nghề làm đúc tượng ông Táo trên mảnh đất Hội An.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại