Người 8 lần điều xế vượt cua tử thần đường Trường Sơn

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đường Trường Sơn là nơi “thử vàng” của lính lái xe. Trên tuyến đường đó, “chàng trai Hà Nội” Lê Hồng Huân lập “kỷ lục” 8 lần vượt cua chữ A đêm ngày địch rải mưa bom bão đạn.

Sống chết nhẹ tựa lông hồng!

Tháng 4/1963, anh công nhân nhà máy bia Hà Nội Lê Hồng Huân nhập ngũ vào đơn vị xe 243 thuộc Tổng cục Hậu cần. Tháng 2/1964, sau 6 tháng học lái, được giữ lại làm giáo viên đào tạo lái xe nhưng anh Huân quyết định ra mặt trận để “chia lửa” với đồng đội.

Anh và đồng đội đóng tại đường 12 thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, chở muối và gạo từ Tân Ấp, rồi vượt đường 9 sang Tà Khống của Lào. Năm 1965, đội xe của anh chuyển về phục vụ trên tuyến đường 129 (tỉnh Khăm Muộn, Lào) và đường 20 (Bố Trạch, Quảng Bình).

Vào chiến trường được một thời gian, người lính lái xe Hồng Huân bị ngã bệnh sốt rét ác tính. Tuy vậy, ông và đồng đội vẫn rất háo hức, luôn cố gắng thi đua vượt cung, tăng chuyến. Tuổi thanh xuân của những người lái xe Trường Sơn trên khắp các nẻo đường chốn rừng thiêng nước độc với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Ông Huân hết chở đạn dược, thuốc men trên các cung đường như: đường 9 Nam Lào, đường 16, 128... rồi lại chở đá, gỗ phục vụ làm cầu đường bên nước Lào anh em.

Người 8 lần điều xế vượt cua tử thần đường Trường Sơn
Ông Huân làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn mùa xuân năm 1973.

Ông Huân nhớ lại: “Ngày ấy, tiếng gọi miền Nam như hối thúc những người lính chúng tôi cần phải nhanh hơn, cố gắng hơn nữa để đưa kịp hàng tới nơi một cách an toàn. Có những đợt 3, 4 ngày ròng rã không ngủ, cứ thế chuyển xăng dầu, gạo muối... khắp các cung đường để đảm bảo tiến độ. Chúng tôi coi chuyện sống chết nhẹ tựa lông hồng”.

Nhiều lần chở hàng trong đêm, bị địch phát hiện và bắn phá, ông và đồng đội phải đi giấu các phuy chứa xăng, rồi cả hỏa tiễn A72 nặng hơn tạ vào rừng sâu, xa đường lớn. Hiểm nguy rập rình, ông Huân không nhớ nổi bao lần cận kề cái chết.

Năm 1970, trong lúc đi chở hàng cho đơn vị giao liên, đoàn xe của ông bị địch phát hiện khi đi đến đèo Cốc Mạc trên tuyến đường 129, thuộc tỉnh Khăm Muộn. Bom bi, súng đạn quân thù trút xuống như mưa, chiếc xe đi đầu bị bắn cháy dữ dội còn xe ông nổ lốp.

Để tránh tắc đường, ông nhảy khỏi cabin ra cứu xe cho các xe sau vượt lên tìm chỗ ẩn nấp. Khi vừa đưa xe vào chỗ an toàn thì ông mới phát hiện bị thương, máu nhuộm đỏ ống quần. Không sợ đau đớn, ông bình tĩnh đi lấy bông gạc băng bó lại vết thương và tiếp tục lên đường. Hiện giờ, một vài mảnh đạn găm trên đỉnh đầu và chân ông.

8 lần vượt cua chữ A

Để đảm bảo an toàn, các xe vận tải trên tuyến đường Trường Sơn chỉ được chạy ban đêm. Tuy nhiên đến giữa năm 1967, tiểu đội của ông với 4 xe tải được chọn chạy thí điểm lấn ngày. Điều kiện được xét chọn, nguyên tắc chạy thí điểm cũng rất khắt khe.

Trong lúc chạy xe mà địch phát hiện thì phải bắn trả và kiên quyết bám trụ đến cùng cho tới khi có lệnh của chỉ huy phát ra. Đây là nhiệm vụ nặng nề với ông Huân cùng đồng đội bởi nó quyết định tới việc có chạy cả ngày lẫn đêm hay không.

Trọng điểm ATP (gồm: Cua chữ A; ngầm Ta Lê; đèo Phu La Nhích) là thử thách khó khăn với những người lính lái xe Trường Sơn bởi những đoạn cua gấp, vực thẳm sát mép đường, đây là điểm thường xuyên bị kẻ thù ném bom.

Khi đổ đèo Phu La Nhích, các xe chỉ có thể đi thành hàng một nối đuôi nhau, không cẩn thận sẽ gặp nguy hiểm khi lao xuống vực. Lần chạy thí điểm ấy, đội xe 4 chiếc của ông chở hàng tới hơn 8 giờ sáng thành công. Sau lần này, ông Huân còn lập thêm thành tích chở được 4 chuyến hàng trong 1 ngày qua trọng điểm ATP.

Người 8 lần điều xế vượt cua tử thần đường Trường Sơn
Ông Huân bên bức tranh về trọng điểm ATP.

Trong cuộc đời binh nghiệp, người lái xe Lê Hồng Huân không thể nào quên một chuyến đi đầy bi tráng. “Hôm đó, tôi và anh Thảo trên chiếc xe BA 8228 đều rất căng thẳng, không nói với nhau câu nào vì địch thả pháo sáng suốt đêm, tiếng súng đùng đoàng khắp nơi. Đồng chí đại đội phó Trọng tuyên bố sẽ qua cua chữ A thành công nhưng xe anh đã lăn 17 vòng xuống vực vì tránh bom.

Bị địch phát hiện, đoàn xe đã lọt vào khu rừng Độc lập để ẩn nấp nhưng bọn giặc trời bao vây và thả bom. Lúc này tiểu đội trưởng Hùng và anh Ba cho xe ra khỏi khu rừng nhằm đánh lạc hướng địch. Các anh chấp nhận hy sinh để cứu các xe còn lại. Tôi xin đi cùng nhưng không được vì phải hoàn thành nhiệm vụ đưa hàng đúng giờ cho bộ đội hành quân”, giọng ông nghẹn lại. Nhìn xe của đồng đội bùng cháy dữ dội, Huân bám chặt vô lăng và nổ máy tiến lên phía trước.

Những ngày sau đó, đội lái xe Trường Sơn hoạt động ngày đêm không ngừng nghỉ. Không khí chiến đấu sôi sục khắp các nẻo đường báo hiệu ngày chiến thắng đang đến gần. Chở nhiều chuyến hàng thành công vào ban ngày qua cua chữ A nguy hiểm, Lê Hồng Huân được đồng đội đặt cho biệt danh là “chú sóc Hà Nội”.

Giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào cao trào, đội xe thuộc tiểu đoàn 52 của ông Huân đã tiến gần hơn với Sài Gòn. Khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, bộ đội ở Tây Nguyên thì ông nhận được tin chiến thắng phát ra từ chiếc đài nhỏ trên xe. Mọi người ôm chầm lấy nhau vì hạnh phúc.

Ông Huân nhớ lại: “Lúc đó dòng người đổ ra đường hò reo mừng thắng lợi. Anh em lái xe chúng tôi vô cùng xúc động và đã có mặt trong lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thống nhất non sông tại Sài Gòn”.

Tháng 6/1980, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ GTVT. Trong cuộc đời quân ngũ của mình, ông nhớ như in như những kỷ niệm vào sinh ra tử và cả những đêm nhớ mẹ cha. Hạnh phúc mỉm cười khi ông kết duyên cùng cô nữ bác sỹ chiến trường cùng quê Hà Nội. Giờ đây, mái tóc đã bạc trắng nhưng ông vẫn tham gia nhiệt tình các hoạt động của cựu chiến binh.

Hiện ông đang làm Phó ban Tuyên truyền thi đua của Hội Truyền thống Trường Sơn. Căn nhà nhỏ của ông treo rất nhiều tranh, ảnh về tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, nghĩa tình đồng đội chưa bao giờ vơi trong “chú sóc Hà Nội”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại