Những ngày cuối năm, khi con em ở làng An Bằng, Hà Úc của xã biển Vinh An từ mọi miền đất nước trở về quê sum họp gia đình thì những ngư dân của làng này đi đánh cá ở Mỹ cũng trở về đón Tết.
Gian nan ở xứ người
Chủ tịch UBND xã Vinh An, ông Nguyễn Văn Thành, dù còn khá trẻ nhưng rất hiểu về nghề đánh cá của quê hương mình. Ông nói rằng Vinh An là một xã biển, từ bao đời nay người dân cứ bám biển sinh nhai.
Xét về tính siêng năng, chịu khó trong nghề biển thì không nơi nào bằng ngư dân An Bằng, Hà Úc.
Không những đánh cá ở trong nước, rất nhiều ngư dân Vinh An đã xuất ngoại sang đánh cá cho các chủ tàu người Việt đã định cư lâu năm tại Mỹ.
Trong căn nhà tươm tất ven biển, vợ chồng anh Nguyễn Thiếc (thôn An Bằng) không giấu được vẻ hạnh phúc bởi cái Tết này, gia đình đã ấm no hơn.
Từ năm 2012, thông qua một công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội, anh Thiếc đã qua Mỹ hành nghề trên tàu cá của bà Nguyễn Thị Bông (người gốc An Bằng).
Chuyến hành trình từ Việt Nam sang Mỹ lần đầu tiên đối với anh Thiếc để lại rất nhiều ấn tượng. Từ Hà Nội, anh phải đáp máy bay qua nhiều chặng rồi xuống tàu biển đi 8 ngày 7 đêm mới đến được đảo Hawaii (Mỹ).
“Từ nhỏ đã đi biển mà chưa khi nào đi xa và lâu như thế. Chuyến đi đầu tiên vừa hồi hộp vừa lo nhưng qua đây rồi công việc lại quen. Ngư dân mình còn làm giỏi, siêng năng hơn các lao động nước khác” - anh Thiếc kể.
Sang Hawaii, anh Thiếc cùng với 7 thuyền viên khác là người Việt Nam, Philippines... “ôm” một chiếc tàu cá của bà Bông để hành nghề câu cá ngừ đại dương với mức lương hơn 1.000 USD/tháng/người.
Theo anh Thiếc, chiếc tàu cá mà anh và đồng nghiệp được bà Bông thuê hành nghề có giá trị gần 1,2 triệu USD với công nghệ máy dò, định vị cá, máy sản xuất đá, nước ngọt ngay trên tàu cùng hệ thống dây câu dài cả mấy chục cây số.
Mỗi chuyến đánh cá phải hơn nửa tháng, lúc thì ở mạn đảo Hawaii, khi thì xuôi về vùng biển California...
“Làm việc trên những con tàu đó đã cho chúng tôi được cảm giác chinh phục biển cả và công nghệ đánh cá. Làm ở xứ người mà lúc nào chúng tôi cũng ước mơ khi trở về quê hương mình sẽ có điều kiện đánh cá như thế” - anh Thiếc tâm sự.
Từ thuyền viên thành thuyền trưởng
Dù đi trên con tàu hiện đại nhưng những ngư dân Việt Nam cũng gặp muôn vàn khó khăn bởi thời tiết ở xứ người.
Anh Thiếc kể rằng cuộc đời anh đã gắn bó với sóng biển lâu năm, không biết bao lần đánh vật với những con sóng dữ mùa biển động nhưng trong một chuyến đánh bắt trong khí trời rất lạnh ở California, anh bị chảy cả máu mũi.
Những lần như thế, anh lại động viên anh em cùng làng đứng hướng về phía biển quê hương để lấy động lực làm việc.
Sau những ngày sum vầy bên cái Tết đầm ấm cùng gia đình, anh Phạm Tuấn (thôn Hà Úc) đã chuẩn bị khăn gói lên đường sang Mỹ.
Hành trang của anh ngoài cặp bánh chưng mang hương vị quê nhà còn có thêm niềm vui là người vợ vừa mới mang thai.
Gắn bó với vùng biển Hawaii hơn 5 năm, rành rọt từng con nước nên anh Tuấn được chủ tàu là ông Trương Phẩm cho làm thuyền trưởng với mức lương trên 1.500 USD/tháng.
Nhưng để được như vậy, anh Tuấn đã phải cố gắng hết sức vượt qua muôn vàn khó khăn. “Muốn làm tài công thì phải hiểu biết tiếng Anh, có sức khỏe cực tốt và phải được chính quyền sở tại cấp giấy phép” - anh Tuấn chia sẻ.
Những ngày đầu sang Mỹ, anh chỉ là một thuyền viên với nhiệm vụ móc mồi bủa cá ngừ. Nhưng với ước mơ làm chủ con tàu ra khơi ngay trên vùng biển xứ người, anh Tuấn đã không ngừng học hỏi.
Đầu tiên, anh học tiếng Anh từ những người cùng đi trên tàu, rồi mày mò học về cấu tạo con tàu, điều kiện khí hậu biển...
Với con tàu dài trên 30 m, rộng 7 m, thiết kế bằng sắt, các thiết bị, máy móc hiện đại như định vị toàn cầu, máy dò cá... khi còn ở quê nhà anh chỉ biết qua lời kể nên anh phải học hỏi thêm rất nhiều để điều khiển thành thục.
“Khó nhất đối với một người thuyền trưởng là phải biết chỗ nào có cá để tìm đến đánh bắt. Tôi phải tham khảo rất nhiều kinh nghiệm của anh em, biết sống hòa đồng và học hỏi mọi người.
Đó là ước mơ của rất nhiều người Việt sang Mỹ đánh cá để sau này khi trở về quê hương hành nghề sẽ có kinh nghiệm hơn” - anh Tuấn kể thêm.
Giúp nhau nơi xứ người
Ngư dân Việt sang Hawaii đánh cá thường hay kể về bà Minh Hạnh, một người gốc Việt hiện là chủ của 23 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ rất hiện đại, một siêu thị và hệ thống cung cấp xăng dầu, dịch vụ hậu cần nghề cá tại đây.
Họ thường nhớ ơn bà bởi những lần gặp khó khăn, tai nạn đều được bà giúp đỡ. Bà chẳng nề hà khi cưu mang những người Việt xa xứ khi hoạn nạn.