Ngôi thành cổ độc nhất còn sót lại ở Nam Bộ đang mục nát

Ngay giữa thành phố Biên Hòa, một ngôi thành cổ 300 năm tuổi đang mục nát cùng mưa nắng. Đây là ngôi thành cổ duy nhất còn sót lại của đất Nam Bộ với thành quách đá ong, biệt thự.

Nhưng điều lo lắng nhất của những nhà bảo tồn Đồng Nai là nếu không sớm được trùng tu, thành cổ Biên Hòa sẽ chỉ còn tồn tại trong các tư liệu thành văn.

Đền “Ăng-co” của Nam Bộ

Tòa thành 300 năm tuổi này nằm ngay góc phố sầm uất của thành phố Biên Hòa tại ngã ba Thành. Mặt tiền của tòa thành đang được sử dụng thành một khu trung tâm dịch vụ bán cà phê với tên “Khu dịch vụ - di tích Thành Biên Hòa”, ngay phía ngoài là một tấm pa-nô lớn trưng biển quảng cáo cho một phòng tập thể hình quy mô, khá đông khách vào các buổi chiều.

Điểm nổi bật nhất để nhận biết tòa thành này là 2 ngôi biệt thự phương tây cũng đang bị che khuất bởi 2 căn nhà được sử dụng làm trụ sở của Sở VH-TT-DL và BQL Di tích danh thắng, chỉ khi đi sâu vào phía sau thì mới thấy được một chút dáng vẻ của di tích cổ - đó là ngôi biệt thự tây đổ nát, tựa như sắp sập. Khi đi sâu vào bên trong ngôi biệt thự, chúng tôi có cảm giác rờn rợn vì sợ nó sập xuống đầu. Một góc trần nhà bằng gạch đã thủng lỗ chỗ, những mảng tường lớn bong tróc ra loang lổ như những vết dầu loang, chiếc cầu thang bằng sắt dẫn lên lầu cũng đã mất đi vài bậc, cong trĩu xuống, nhiều mảng tường bị rễ cây ăn sâu vào trông giống các ngôi đền “Ăng-co”, mái ngói đã thủng nhiều mảng lớn.

Theo BQL Di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai, thành Biên Hòa hiện hữu trên một khu đất bằng phẳng hình vuông có tổng diện tích 10.816,5m2 trong khu vực đông dân cư thuộc khu phố 1, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa. Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ XIV - XV, thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất với tên gọi “Thành Cựu” và đã trải qua bốn lần trùng tu, sửa chữa lớn: Lần thứ nhất vào năm 1837 (Minh Mạng thứ XVIII), do triều đình nhà Nguyễn trùng tu, đập bỏ toàn bộ thành trì bằng đất do người “Lạp Man” xây dựng, chỉ giữ lại nền thành, xây dựng lại thành trì mới bằng đá ong.

Lần thứ hai vào thời gian Pháp chiếm đóng thành Biên Hòa (có thể sau năm 1861), chu vi thành cũ được thu gọn lại còn 1/8 so với trước. Thành được xây dựng theo kiểu kiến trúc vô-băng bằng vật liệu đá ong và gạch thẻ, đồng thời xây dựng thêm một số công trình hạng mục bên trong thành Biên Hòa như doanh trại cho lính ở, nhà thương bằng vật liệu ván, gỗ và tôn và hai tòa biệt thự.

Rễ cây bám sâu vào tường như những ngôi đền “Ăng-ko”.
Rễ cây bám sâu vào tường như những ngôi đền “Ăng-ko”.

Lần thứ ba sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975, lực lượng cách mạng tiếp quản tới năm 1977 giao lại cho Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Đồng Nai quản lý, sử dụng (công sở làm việc và kho chứa hàng). Trong đợt trùng tu này, toàn bộ tường thành phía trên ở hướng Đông Bắc, Tây Bắc và một số hạng mục lô cốt, nhà thương, doanh trại lính đã bị đập bỏ. Thậm chí, cổng chính dẫn vào thành có lối kiến trúc kiểu cuốn vòm đã bị phá bỏ hoàn toàn để xây dựng một số cơ sở mới (nhà giữ xe, phòng làm việc...). Đợt trùng tu, sửa chữa cuối cùng là vào năm 2001 do nhu cầu cải tạo đô thị, mở rộng lòng lề đường trong nội ô TP.Biên Hòa, 1/3 đoạn tường thành và lô cốt nằm hướng Tây Nam của thành Biên Hoà đã bị đập bỏ hoàn toàn.

“Trải qua 4 lần trùng tu, sửa chữa, cải tạo, những hạng mục công trình của thành cổ Biên Hòa lần hồi bị mai một, số còn lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không sớm được trùng tu, tôn tạo, khôi phục lại, di tích thành Biên Hòa sẽ chỉ còn tồn tại trong các tư liệu thành văn“, ông Lê Trí Dũng – GĐ BQL di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai đăm chiêu nói.

Các hạng mục di tích gốc gồm: Hai ngôi nhà tây, hệ thống tường thành, lô cốt xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, thành Biên Hòa còn hệ thống tường thành 3 mặt phía Đông, Bắc, Tây, một lôcốt góc phía Đông Bắc và 2 ngôi biệt thự tây hướng Đông và hướng Tây.

Xã hội hóa để cứu di sản 300 năm tuổi

Ông Dũng cho biết: “Việc thành cổ Biên Hòa đang được sử dụng làm nơi kinh doanh dịch vụ và mở phòng tập thể hình cũng là việc “cực chẳng đã”, để tạo nguồn kinh phí duy trì việc bảo quản di sản này. Khi tiếp quản thành Biên Hòa, bên trong thành đã tồn tại các cơ sở như gara ôtô, điểm bán càphê nhỏ và một hệ thống nhà kho, BQL chỉ cải tạo sửa chữa lại. Do BQL Di tích danh thắng hàng năm không có nguồn vốn bố trí để chống xuống cấp, không có nguồn trả lương cho bảo vệ, tạp vụ, khu dịch vụ này được mở ra cũng nhằm thu hút người dân để họ biết nơi đây - thành Biên Hòa là di sản Quốc gia.

Cầu thang bằng sắt dẫn lên biệt thự Tây.
Cầu thang bằng sắt dẫn lên biệt thự Tây.

Ngoài ra, khu dịch vụ là nơi tổ chức các triển lãm văn hóa ngoài trời và trong nhà, nơi sinh hoạt của chi hội di sản văn hóa Đồng Nai, được mở ra phù hợp với Thông tư 18 của Bộ VH-TTDL về quy chế quản lý hoạt động bảo tàng. Đối với khu nhà tập thể hình, đây là khu chung của Sở VH-TTDL hoạt động văn hóa thể thao. Trong lúc cơ sở vật chất còn tạm bợ nên chúng tôi tận dụng một phần diện tích cho hoạt động thể hình, để thu hút người tham gia, đóng góp khoản kinh phí vào mục đích bảo tồn di sản”.

“Quan điểm của BQL là không chờ di tích được trùng tu xong mới mở cửa, việc xã hội hóa các hoạt động phát triển di sản cũng là một lối ra để bảo tồn các di sản, để nó thể tự nuôi lấy mình, không nhờ vào “bầu sữa” của ngân sách Nhà nước”, ông Dũng khẳng định.

Một cán bộ ngành văn hóa cho biết: "Thành cổ Biên Hòa may mắn là không bị “xẻ” ra làm nhiều mảnh, do năm 2010, khi tiến hành lập hồ sơ trùng tu tôn tạo thì mới phát hiện phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa khi đó có quy hoạch chi tiết làm 2 con đường cắt thành Biên Hòa ra thành 4 mảnh. BQL phải phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TNMT để điều chỉnh".

Hiện nay, tư liệu về thành Biên Hòa là rất hiếm hoi, đặc biệt là tư liệu ảnh. Cổng thành Biên Hòa đã mất, việc phục dựng phải dựa trên cổng thành Mỹ Tho xây cùng thời để phỏng dựng lại và xin ý kiến các nhà khoa học. Đến nay, hồ sơ dự án đã hoàn tất và UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án.

“Có lẽ năm 2014 cũng không trùng tu được bởi Sở KHĐT đã ra thông báo do khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể bố trí được, số vốn trùng tu khoảng 40 tỷ. Năm 2014, thành Biên Hòa chính thức được công nhận là di tích cấp Quốc gia, sẽ được thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ đăng ký để đến năm 2015 có 2 nguồn vốn trùng tu từ tỉnh và Trung ương”, ông Dũng chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại