Ngoài Flappy Bird, Hà Đông vẫn còn 2 game “gây nghiện" người chơi

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Theo đánh giá của nhiều người chơi, hai game của Nguyễn Hà Đông là Super Ball Juggling và Shuriken Block cũng "gây nghiện" với người chơi không kém Flappy Bird.

Game Flappy Bird đứng số 1 trên App Store, Google Play với khoảng 50 triệu lượt tải về đã được “cha đẻ” của trò chơi này gỡ xuống.

Sức nóng về chủ nhân và về game này dường như còn lan tỏa mạnh hơn khi game bị gỡ. Theo đó, yếu tố khiến nhiều người chơi Flappy Bird trong nước và thế giới “phát điên” chính là ở sự đơn giản của game. Người chơi với thao tác chạm tay vào màn hình cảm ứng rồi làm sao điều khiển cho chim bay lên bay xuống không va vào ống nước màu xanh. Dù dễ chơi nhưng để thắng được và đạt điểm cao là rất khó, đòi hòi người chơi Flappy Bird phải kiên trì và vượt lên chính mình.

Ngoài Flappy Bird, có hai game của Nguyễn Hà Đông cũng đang “làm mưa làm gió” trong Top 10 của bảng free game apps (ứng dụng miễn phí). Đó là game Super Ball Juggling (vị trí số 2) và Shuriken Block (đứng vị trí số 6). Tờ Đầu tư đưa ra nhận định, Super Ball Juggling - tựa game gây ức chế còn hơn cả Flappy Bird. Nếu người chơi từng cảm thấy điên tiết với Flappy Bird thì đừng bao giờ nên thử thách sự kiên nhẫn của mình với Super Ball Fuglling bởi tựa game này còn khó nhằn hơn nhiều, đặc biệt là khi bạn phải sử dụng cùng lúc cả 2 ngón tay để giữ cho 2 trái bóng nhỏ bằng cái mỏ của chú “chim điên” trong Flappy Bird khỏi rơi xuống đất.

Trong game Shuriken Block, người chơi phải chặn đứng những chiếc phi tiêu bay về phía nhân vật của mình. Theo đó, chỉ cần có chút sai sót, người chơi sẽ trở về ngay con số 0. Tờ Đầu tư đánh giá: “Tuy có cách chơi cực kỳ đơn giản nhưng với tính chất trò chơi vô cùng hại não và gây ra sự khó chịu đến mức ức chế dành cho người chơi, Nguyễn Hà Đông đã vô cùng thành công trong việc “đầu độc” những người trót một lần sử dụng các sản phẩm của mình”.

3 game nằm trong top 10 game miễn phí trong tháng 1 của iOS. (Ảnh: Tech Crunch)

Trở lại với Flappy Bird, trước quyết định gỡ game của Nguyễn Hà Đông, có thể nhìn ngay thấy một sự đối lập khá rõ nét về cách phản ứng của người Việt Nam và người nước ngoài.

Đó là ở chỗ, người Việt vừa chê bai,vừa tiếc nuối, vừa đặt ra cả ngàn câu hỏi rồi tự đưa ra nhận định trả lời theo chủ quan bản thân. Chẳng hạn việc gỡ bỏ game chỉ là chiêu PR bản thân của Nguyễn Hà Đông, hay như mới chỉ có vài ý kiến trái chiều mà đã thiếu lập trường rồi phải gỡ game. Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter, nhiều người nước ngoài đã phản ứng quá dữ dội khi đe dọa sẽ giết Nguyễn Hà Đông và dọa sẽ tự tử nếu anh không khôi phục trò chơi này. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại