Nghiệt ngã nghề đi biển: Những cái chết lạnh buốt

Hồng Ánh-Tử Trực |

Mười ngư dân tử nạn trên biển, chỉ 1-2 người tìm được thi thể và việc đưa họ về nhà là những câu chuyện ứa nước mắt.

Vào ngày tuần giáp năm cho ông Lê Văn Tánh (SN 1969; ngụ xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), vợ ông không có mặt vì cũng vừa qua đời sau thời gian cầm cự với bệnh ung thư.

Không còn cha mẹ, 4 đứa trẻ nheo nhóc phải nhờ hàng xóm và bạn thuyền làm mâm cơm giỗ cha.

Câu chuyện đau lòng 1 năm trước được bạn thuyền kể lại đầy ám ảnh.

Đông cứng vì ướp lạnh

Hôm ấy, khoảng 19 giờ ngày 1-12-2013, tàu cá do anh Lê Văn Tuấn làm thuyền trưởng đang câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa thì hết mồi.

Anh Nguyễn Văn Ngọc (SN 1991) được phân công xuống thúng chai câu mực làm mồi. Để kiếm tiền thuốc thang cho vợ, ông Tánh cũng xin cùng đi câu mực.

Chiếc thúng chai được thả xuống biển khoảng 30 phút, anh Tuấn rọi đèn thăm chừng thì không thấy đâu.

Biết chuyện chẳng lành, anh Tuấn vội đưa tàu đi tìm thì thấy nó đã bị sóng lớn đánh úp. Khi 2 ngư dân được đưa lên thuyền thì ông Tánh đã tử vong.

“Chỉ mấy phút trước, ông Tánh còn ngồi trên thúng chai với tôi mà giờ đã nằm bất động.Tôi bị sốc suốt cả chuyến về” - anh Ngọc hồi tưởng.

Một ngư dân tử nạn ngoài biển được đưa vào bờ ở Quảng Ngãi Ảnh: TỬ TRỰC
Một ngư dân tử nạn ngoài biển được đưa vào bờ ở Quảng Ngãi Ảnh: TỬ TRỰC

Phải mất 3 ngày 3 đêm, thi thể ông Tánh mới được đưa về đến bờ.

Để thi thể không bị phân hủy, bạn thuyền dùng giấy bóng quấn quanh người, đưa xuống hầm tàu, nơi trữ cá, dùng đá lạnh ướp.

“Trên đường trở về, cứ nghĩ cảnh ông Tánh bị đông lạnh dưới hầm cá thì tôi lại run lên bần bật” - anh Ngọc nói, mắt rưng rưng.

Đánh bắt với người chết

Cách đây hơn 1 năm, nhiều người vẫn còn nhắc nhớ chuyện “đánh bắt chung với người chết” của tàu ông Võ Văn Thành, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày đó, tàu ông Thành ra Hoàng Sa đánh bắt mới được 3 ngày thì một ngư dân tử nạn do lặn biển quá lâu.

Để khỏi lỗ chuyến biển, các thuyền viên quyết định tiếp tục ở lại đánh bắt, hơn nửa tháng sau mới quay về.

“Dù chuyến biển đó khá trúng nhưng trên tàu ai cũng buồn rười rượi, cứ lặng lẽ đánh bắt, lặng lẽ trở về.

Đấy là chuyến biển hãi hùng nhất đời tôi” - ông Nguyễn Thanh Trung, ngư dân đi trên chuyến tàu đó, nhớ lại.

Ông Lương Luận ngậm ngùi khi mình làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông nhưng không thể đưa được con tử nạn vào cửa biển Ảnh: HỒNG ÁNH
Ông Lương Luận ngậm ngùi khi mình làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông nhưng không thể đưa được con tử nạn vào cửa biển Ảnh: HỒNG ÁNH

Theo ông Trung, mỗi chuyến ra Hoàng Sa, các ngư dân phải vay của chủ nậu (người thu mua cá) 200 triệu đồng để lo chi phí đánh bắt như mua đá, xăng dầu.

“Nếu mới ra vài ngày, chưa đánh bắt được gì mà phải quay về thì lỗ quá nặng.

Lại đang có một vùng thời tiết xấu trên biển nên anh em chúng tôi quyết định ở lại, cho tàu tránh gió bão 2 ngày rồi tiếp tục đánh bắt.

Chúng tôi biết làm như thế rất tàn nhẫn với bạn thuyền nhưng tình thế như vậy chẳng biết phải làm sao” - ông Trung phân trần.

Để thi thể không bị phân hủy, các ngư dân gói bạn thuyền lại rồi cho vào hầm đá.

Hằng ngày, họ cử người xuống trông nom, thắp hương cúng viếng người đã khuất.

Cũng từ chuyến biển hãi hùng đó, ông Trung không còn ra khơi thêm một lần nào nữa.

“Chuyến biển quá ám ảnh, chúng tôi vì cuộc sống, vì áo cơm đã làm một việc không đúng với hương hồn người đã khuất” - ông Trung day dứt.

Người chết không được vào cửa biển

Một năm đã qua nhưng nhắc đến cái chết của con là anh Lương Công Hiệp (SN 1991; ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), bà Ma Thị Tánh (63 tuổi) lại khóc:

“Nó bị ngã đập đầu vô máy tàu rồi tử vong. Để về đến đất liền phải mất 4 ngày, 3 đêm nên người ta đành đưa thi thể xuống hầm đá lạnh. Khi về đến bờ thì nó đông cứng, lạnh biết chừng nào”.

Nhưng như vậy cũng chưa đủ đau đớn, ông Lương Luận (68 tuổi, cha anh Hiệp), Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông, nghẹn lời khi nhớ lại chuyện thi thể con trai phải trải qua bao vất vả mới được đưa vào bờ.

Hôm tàu về gần đến nơi, do có chở người chết nên bị ngăn không được vào cửa biển Đà Diễn.

Thuyền trưởng Lương Công Hưng (anh ruột Hiệp) phải quay mũi tàu ra lại biển rồi chạy về hướng bãi ngang Đông Tác.

Mặc cho những con sóng gần bờ bổ nhào, anh Hưng quyết định neo thuyền, đưa thi thể em mình xuống thúng chai, bơi vào bờ.

“Hàng ngàn ngư dân gắn bó với cửa biển này vậy mà khi gặp nạn, họ không được vào. Đau lòng lắm nhưng cũng đành chịu” - ông Luận ngậm ngùi.

Nhắc đến tín ngưỡng không cho người chết vào cửa biển, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hai cho biết mình đã có một bài học nhớ đời.

Đầu năm 2013, thuyền của ông đang đi đánh bắt ngoài biển thì một ngư dân gặp nạn tử vong.

Do không biết tục lệ, ông Hai cho thuyền chạy vào cảng phường 6 (TP Tuy Hòa) báo cáo với bộ đội biên phòng.

Khi phát hiện trên tàu có người chết, ngư dân ở đây buộc ông Hai phải chở thi thể ngược ra biển tìm chỗ khác đưa lên bờ.

“Chưa hết, mấy hôm sau, họ bắt chúng tôi chuẩn bị lễ mang ra cửa biển cúng xá tội, cầu an” - ông Hai kể.

Vì gia đình ông Hai khó khăn nên ngư dân của TP Tuy Hòa đã quyên góp được gần 40 triệu đồng sắm lễ vật, rước thầy về cúng “ông bà giữ cửa”. Ông Hai phải bỏ biển, trực ở đấy mấy ngày để được xá tội.

Dẫu đau lòng cũng phải tin

Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết theo quan niệm của người đi biển, cửa biển là của ông bà.

Ngư dân cho rằng ông bà không thích thấy cảnh chết chóc nên nếu chở người chết qua cửa sẽ bị ông bà quở phạt, làm ăn thất bát, làng xóm đói kém, tai nạn nhiều hơn nên không ai dám làm việc ấy.

Nếu không biết mà lỡ làm thì phải cúng xin ông bà xá tội.

“Với người làm nghề biển, không ai dám chắc cuộc sống phía trước của mình ra sao nên dẫu đau lòng vẫn cứ phải tin vào quan niệm này” - ông Thuẫn lý giải.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại