Hà Nội những ngày đầu tháng bảy hối hả hơn nhiều, hàng nghìn sĩ tử đổ về thủ đô thi đại học với mong muốn vượt vũ môn hóa rồng. Sát cánh bên các bạn luôn có cha, mẹ, người thân.
Có mặt trước cổng trường Đại học Hà Nội, tôi có duyên gặp gỡ với một người đàn ông quê Lạng Sơn đang nhấp nhổm không yên đứng đợi con gái.
Người đàn ông ấy thân hình gầy gò, đôi mắt mờ đục, đôi bàn tay chai sạm vì những năm tháng đi làm cửu vạn tứ phương và tự nhận mình là "con sâu rượu", "một người cha chả ra gì sất".
Có lẽ vì rượu đã ngấm sâu vào từng tế bào trong cơ thể nên đôi mắt ông trông dài dại và đỏ đục nhưng khi nhắc đến con gái mình đôi mắt ấy rực sáng long lanh, đầy tự hào: “Con bé tội lắm, mới tí tuổi đầu đã phải chịu bao nhiêu là đòn đau từ người cha tồi tệ này. Nhưng gan nó to bằng trời, bị bố đánh đau đến mấy cũng không kêu khóc.
Khi tôi say, đập phá đồ đạc, nó lại ngoan ngoãn thu dọn mảnh vỡ. Đêm nào cũng học bài tới tận khuya. Sách vở thì toàn các anh chị hàng xóm mang cho, có khi đi cắt cỏ bò cũng mang theo”.
Phụ huynh chờ con trước cổng trường.
Mấy ngày đưa con “lên kinh ứng thí” ngắm thiên hạ người ta sung sướng nhà này, xe nọ, con cái được học hành tử tế, chăm chút từng ly từng tý người cha quanh năm say sỉn ấy day dứt lắm và như tỉnh ngộ ra.
“Tôi uống rượu còn giỏi hơn cả uống nước. Hồi con bé năm tuổi, chỉ vì kèm cựa với lão quản đốc tôi bị mất việc. Tôi vin cái cớ đấy để chán đời, để uống tối ngày. Cứ uống xong là tôi làm khổ mẹ con nó.
Chửi bới đập phá có là gì, khi trong người đầy hơi men tôi hay lôi con bé ra đánh. Có lần cầm cái vỏ trai vỡ trên tay, tôi ném ra sân không ngờ trúng ngay vào chán con bé. Máu chảy nhiều lắm nhưng tuyệt nhiên nó không khóc, rồi sau này thì thành cái sẹo to tướng. Bạn bè vẫn hay ví vết sẹo ấy là con rết bò giữa chán. Con bé chỉ cười, còn tôi thì đau.
Khi tỉnh rượu tôi cũng hay tự vấn bản thân mình lắm nhưng nghĩ ra cái thân tôi thật hèm kém bao nhiêu năm làm khổ mẹ con nó nhưng không bao giờ biết sửa đổi cả”.
Rồi bác tự hào khoe “Ấy thế mà năm nào cháu nó cũng học sinh giỏi cả đấy anh ạ. Kì thi này, mong cho con bé vượt qua suôn sẻ để học hành thành người không phải bám đít con trâu như bố mẹ nó nữa. Sau lần lên thủ đô này, nhìn thiên hạ sung sướng quá, tôi sẽ cố cai rượu".
Tôi và người cha “nông dân thật hột” ấy ngồi nói chuyện với nhau cả buổi dưới gốc cây bàng bên ngoài trường thi. Hai bác cháu lan man hết chuyện này sang chuyện khác, chẳng mấy chốc mà trống hết giờ làm bài đã điểm.
“Đấy con bé nhà tôi đấy, chắc làm được bài nên mới cười tươi thế kia” – người đàn ông vừa nói vừa cuống quýt chạy vào trong cổng trường đón con.
Đúng là trên vầng chán cao cao có vết sẹo rất lớn nhưng cô bé cười rất tươi, nụ cười của đứa con không bao giờ hờn trách cha và của người sĩ tử biết mình sẽ thành công.
Nhật Ly