Nghề "xuống biển ẵm tiền về": Rất nhiều hiểm nguy

Bảo Bình |

Nghề lặn hải sâm trên đảo Lý Sơn là nghề hái ra tiền nhưng cùng với đó là những hiểm họa khó lường, có khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Hải sâm thường được người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) gọi là vú nàng bao gồm hải sâm đỏ, hải sâm trắng, đồn đột và áo tơi.

Trong đó hải sâm trắng có giá trị kinh tế cao nhất. Hải sâm có thể dùng ngâm rượu thuốc uống hoặc chế biến làm món ăn bổ dưỡng thượng hạng.

Cách đây hơn 3 năm, vào ngày 30/5/2011, tàu QNg-6029TS do ông Lê Túc, 44 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn làm thuyền trưởng đã lập kỷ lục về thu nhập sau một chuyến đi biển.

Sau 30 ngày khai thác hải sâm ở vùng biển quần đảo Trường Sa, chuyến đi biển của tàu ông Túc đã trúng đậm 1,5 tấn hải sâm. 1 kg hải sâm có giá 1,6 triệu đồng chưa qua sơ chế.

Sau khi trừ chi phí, tàu của ông Túc thu về hơn 2,3 tỉ đồng. Bình quân mỗi lao động đi trên tàu và thợ lặn có thu nhập từ 100-150 triệu đồng.

Thợ lặn Huỳnh Văn Của, ngụ huyện Lý Sơn, cho biết trên báo Người lao động: Với giá thương lái thu mua hiện nay khoảng 500 nghìn - 800 nghìn đồng/kg, nhiều lúc 1,5 triệu đồng/kg thì lặn bắt hải sâm là nghề hái ra tiền.

Trung bình, mỗi thợ lặn đi một chuyến biển có khoảng 15 triệu đồng, nếu trúng sẽ hơn 100 triệu đồng.

Thu nhập đem lại rất cao nhưng đây là nghề rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của ngư dân.

Hải sâm sau khi được sơ chế
Hải sâm sau khi được sơ chế. Ảnh: Người lao động

Lặn tìm hải sâm các ngư dân phải lặn quá sâu, chừng 60 - 70 m nên luôn đối mặt với nguy hiểm, nếu không cẩn thận sẽ bị tai biến, nhẹ thì bị liệt còn nặng thì có thể mất mạng.

Theo miêu tả trên tờ Quân đội nhân dân thì mỗi lần lặn bắt hải sâm, ngư dân ở dưới nước khoảng 30 phút và người canh giờ ở trên phải theo dõi thật kỹ. Khi thấy người dưới nước giật dây là phải kéo lên.

Còn không, cứ mươi phút người trên tàu phải giật dây hơi một lần và đến 30 phút, người dưới nước có giật dây hay không, người ở trên cũng phải kéo lên.

Để lặn xuống tận đáy biển phải mất tới 20 phút, nhưng thời gian kéo lên còn lâu hơn, phải gấp tới ba lần.

Nghĩa là kéo lên phải chầm chậm, cứ 20 phút cho thợ lặn giảm áp giữa chừng một lần, mà suốt chặng đường từ khi kéo lên đến lúc ngoi lên mặt nước, phải giảm áp đến 3 lần như thế.

Tất cả đều phải tuân theo như vậy, nếu không nhẹ thì bị chảy máu tai, điếc tai, còn nặng thì liệt tay, liệt chân, thậm chí tử vong…

Hải sâm to như thế này có giá hai triệu đồng/kg. Ảnh: Quân đội nhân dân

Khi lên thuyền rồi, thợ lặn không được ăn, hút thuốc và tắm ngay bằng nước ngọt, mà phải nghỉ ngơi khoảng một tiếng. Nếu không tuân thủ thì rất có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Một điều mà tất cả các thợ lặn phải nhớ là mỗi ngày, chỉ xuống nước hai chuyến, chuyến thứ nhất cách chuyến thứ hai 3 giờ đồng hồ.

Tuy nguy hiểm nhưng cho thu nhập cao nên nhiều ngư dân Lý Sơn tham gia nghề lặn bắt hải sâm.
Tuy nguy hiểm nhưng cho thu nhập cao nên nhiều ngư dân Lý Sơn tham gia nghề lặn bắt hải sâm. Ảnh: Tiền phong

Ngoài ra, hiểm họa luôn rình rập thợ lặn khi tìm bắt hải sâm bởi đồ nghề vô cùng đơn giản, chỉ duy nhất với dây hơi, không đồ lặn, không quần áo bảo hộ.

Ngư cụ trong chuyến biển của họ gồm kính lặn, 200 mét dây hơi, vợt lưới có thể chứa 30 con hải sâm cùng bình oxy lớn.

Ngay từ ờ mờ sáng, tốp ngư dân đầu tiên đeo kính lặn, đeo 7kg chì và dây hơi quấn quanh hông, tay cầm vợt lưới nhảy xuống biển ở độ sâu 45-60 m tìm kiếm hải sâm.

Biết rõ hiểm nguy, song rất nhiều người vẫn bám với nghề lặn biển để kiếm sống vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống mưu sinh của cả gia đình.

Mỗi chuyến đi biển của ngư dân lặn bắt hải sâm là những tháng ngày mà những người thân trong đất liền thấp thỏm lo âu, cầu mong sự bình an cho những người thợ lặn.

Mới đây vào ngày 12/12/2014, ngư dân Nguyễn Văn Anh (28 tuổi; ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã tử nạn khi lặn bắt hải sâm.

Trước đó, vào đầu tháng 5.2014, trong lúc lặn sâu 70 m để săn tìm hải sâm ở vùng biển quần đảo Trường Sa, do hệ thống cung cấp hơi trên tàu bị trục trặc nên ngư dân Nguyễn Văn Khoa (27 tuổi) đã tử vong dưới biển.

 Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại