"Nghệ sĩ dân phòng" làm đàn dân tộc giữa lòng thủ đô

kimngan |

(Soha.vn) - Sáng đi bán cháo lòng, chiều ông Nguyễn Kỳ Kỉnh lại cặm cụi, say mê chế tạo đàn dân tộc.

"Nghệ sĩ dân phòng"

Đến khu B4 phường Thành Công, quận Đống Đa hỏi nhà ông Kỉnh hay nhà ông làm đàn thì ai cũng biết, họ gọi ông là “nghệ sĩ dân phòng”. Đó là ông Nguyễn Kỳ Kỉnh, 55 tuổi, sáng bán cháo lòng, chiều làm đàn, thi thoảng buổi tối đi làm dân phòng.

"Nghệ sĩ dân phòng" làm đàn dân tộc giữa lòng thủ đô 1
Ông Nguyễn Kỳ Kỉnh - "nghệ sĩ dân phòng" chuyên làm đàn dân tộc giữa lòng thủ đô.
Đón tiếp chúng tôi nhiệt tình, ông niềm nở tươi cười trò chuyện, ông hãnh diện khoe đã hơn 40 năm kinh nghiệm làm đàn dân tộc. Ông bộc bạch rằng, mình đã lên Hà Nội lập nghiệp năm 2007, đã trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng ông vẫn không bỏ được cái nghề làm đàn.

Ở đây mọi người đã quá quen thuộc với những tiếng đục đẽo gỗ và tiếng đàn ngân lên trong trẻo. Ông làm nhiều loại đàn của dân tộc như: đàn Bầu, đàn Nguyệt, đàn Nhị, đàn Tì Bà….

Ông chia sẻ:“Lúc đầu mọi người trong khu phố nghe không quen tiếng đàn dân tộc ngày xưa nên họ có vẻ không thích thú lắm. Nên mỗi lần muốn chơi đàn lại phải bịt hai đầu của đàn lại. Dần dần, mãi sau này, mọi người nghe quen, thấy thích thú và còn bảo mình đánh cho nghe”.

Nói về lý do ông chế tạo đàn dân tộc, ông bộc bạch rằng, ông chỉ có mong muốn nhỏ nhoi duy nhất là lưu giữ được giá trị văn hóa dân tộc. Ông sợ một ngày nhạc thị trường sẽ làm mất đi hình ảnh nhạc dân tộc.

Không những thế, trong tổ dân phố ông luôn là người luôn đi đầu trong các phong trào ca múa nhạc ở đủ lứa tuổi khác nhau mà phường tổ chức. Họ mê mẩn những bài nhạc của ông chơi trên nhạc cụ dân tộc, rồi mê luôn những cây đàn ông làm ra.

"Nghệ sĩ dân phòng" làm đàn dân tộc giữa lòng thủ đô 2
Nơi ông chế tác đàn vào mỗi buổi chiều.
“Mọi người trong phố vẫn luôn mời tôi đến với những cuộc giao lưu, hội đoàn để chơi một bản nhạc. Hay là kể cả chương trình thiếu nhi của phường tôi vẫn sẵn sàng nhận lời góp vui thêm những tiết mục nghệ thuật dân tộc. Sau các chương trình tôi nhận được nhiều tiếng vỗ tay của mọi người khiến mình trẻ ra và để có nhiều niềm vui tuổi già”– ông nhớ lại.

Với ông những cây đàn mình tạo ra là một sức sống riêng, nếu một ngày ông không còn được làm đàn và chơi đàn nữa thì chắc chắn cuộc sống đó sẽ trở thành vô nghĩa. Mỗi lần được làm đàn là mỗi lần ông quên đi mệt nhọc, chơi đàn những lúc vui ông cảm thấy yêu đời hơn, còn những lúc mệt nhọc ông cũng chơi đàn, chơi để quên đi nỗi mệt nhọc ấy.

Gắn bó với đàn từ thuở nhỏ

Là người con của vùng đất Khoái Châu, Hưng Yên, ông Kỳ kể rằng, ông nội mình trước đây là một nghệ sĩ nổi tiếng chơi đàn bầu khắp vùng, nên ngay từ khi còn nhỏ ông Kỉnh đã thích thú bắt chước chơi đàn theo và rồi cũng tập làm theo hình dáng của cây đàn. Sau đó, ông tự mày mò làm được tất cả các loại đàn dân tộc.

Năm 13 tuổi, ông đã biết chơi các bản nhạc của dân tộc như “Cây trúc xinh”; “Xe chỉ luồn kim”; “Lý chiều chiều” và tự làm ra những cây đàn cho riêng mình.

"Nghệ sĩ dân phòng" làm đàn dân tộc giữa lòng thủ đô 3

"Nghệ sĩ dân phòng" làm đàn dân tộc giữa lòng thủ đô 4
Những loại đàn dân tộc mà ông làm ra. Trong đó có những cây đàn được ông sáng tạo âm thanh to hơn.

Không dừng lại ở đó, ông trăn trở sáng tạo thêm nhiều kiểu hình dáng đàn đặc sắc, rồi tạo ra những cây đàn có khuếch âm hơn. Cũng vì thế mà nhiều người tìm đến ông để mua đàn. Với ông, có những khách là nghệ sĩ chân chính đến hỏi mua thì bán cây đàn không lãi ông cũng chấp nhận.

Cũng có lần, kỷ niệm mà ông không thể quên được là có cô sinh viên thích đàn nhưng chỉ có 250 nghìn. Ông vẫn quyết định bán mặc dù có nhiều vị khách trả giá cây đàn đó gấp 4 lần như thế. Bởi ông muốn cô sinh viên đó phát huy năng khiếu của mình.

Nhớ lại thời là thanh niên xung phong, ngoài mặt trận thèm chơi một bản nhạc nhưng không có đàn. Nên ông đã phải tự chế tác đàn bầu từ gỗ đốn ở rừng rồi đánh cho đồng đội nghe.

Rời khỏi ngôi nhà của ông, nhưng chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng đàn trong trẻo, dân dã, gần gũi của ông “nghệ sĩ dân phòng”. Chỉ mong tiếng đàn của ông vang mãi giữa lòng thủ đô náo nhiệt, để tinh thần dân tộc Việt còn mãi…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại