Sáng sớm 19.2, đã quan sát được nhiệt độ thấp nhất trong đợt lạnh giá này, như Pháo đài Láng (Hà Nội) xuống mức 10,3 độ C; thành phố Nam Định (Nam Định) thấp hơn 9,4 độ C; Nho Quan (Ninh Bình) 10,8 độ C; Hoài Đức (Hà Nội) 10,7 độ C.
Vùng núi lạnh rét nặng hơn: Hoàng Su Phì (Hà Giang) ở mức 9,8 độ C; Mù Cang Chải (Yên Bái) 9,7 độ C; Ngân Sơn (Bắc Cạn) giảm tới 6,3 độ C; Sìn Hồ (Lai Châu) 7,2 độ C; Mộc Châu (Sơn La) 5,6 độ C; Sa Pa (Lào Cai) thấp hơn 4,1 độ C. Điều đặc biệt là núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tuy thấp hơn nhiều so với thị trấn Sa Pa, nhưng do bị ảnh hưởng sâu của không khí lạnh nên nhiệt độ giảm xuống thấp hơn tới 4 độ C.
Dự báo ngày 20.2, không khí lạnh bắt đầu suy yếu chậm, phía đông Bắc Bộ, bắc Trung Bộ vẫn còn rét đậm nhưng không sâu. Phía tây Bắc Bộ trời rét, vùng núi hai khu vực vẫn duy trì rét hại. Từ ngày 21.2 trở đi, rét đậm ở vùng đồng bằng và ven biển kết thúc.
* Hồi 13 giờ chiều nay, 19.2,trên khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) xuất hiệnáp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Vị trí tâm ATNĐở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (từ 39-61km/giờ), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chậm chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 13 giờ ngày 20.2, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 111,1 Kinh Đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 130km về phía tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (từ 39-49 km/ giờ), giật cấp 7-8.
Trong khoảng 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km và có khả năng suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, kết hợp với gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, nên khu vực giữa và nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh nam Trung Bộ có mưa rào và giông mạnh. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy.
Theo Dân Việt