Ngày 21.1, bác sĩ Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản T.Ư cho biết, đích thân GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia sẽ trực tiếp thực hiện ca mổ lấy thai từ người mang thai hộ vào ngày 22.1.
Người mang thai hộ là một bà mẹ quê ở Hà Nam. Chiều 21.1, sản phụ đã nhập viện để được khám sức khoẻ và làm các thủ tục để chuẩn bị phẫu thuật.
Đây là em bé đầu tiên được công nhận là em bé “mang thai hộ” kể từ sau khi Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn (người mẹ không thể mang thai vì sức khoẻ) có thể nhờ họ hàng (trong phạm vi 3 đời) mang thai hộ, có hiệu lực từ 1.1.2015.
BS Hồ Sĩ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia cho biết, sau gần 1 năm thực hiện “Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”, tại BV Phụ sản TƯ đã có gần 70 hồ sơ đạt yêu cầu, trong đó, hơn 50 trường hợp đã mang thai.
Dự kiến từ giờ đến sát Tết Nguyên đán Bính Thân sẽ có nhiều em bé “mang thai hộ” chào đời.
Trước đó, GS Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện cả nước có 3 BV được phép mang thai hộ là BV Phụ sản T.Ư, BV Từ Dũ (TP HCM), BV Đa khoa T.Ư Huế. Tại 3 BV đã nhận được gần 100 hồ sơ đạt yêu cầu và hầu hết các ca mang thai hộ đã được thực hiện.
Theo GS Tiến, điều kiện để các cặp vợ chồng xin phép mang thai hộ là người vợ bị bệnh phải cắt tử cung, không có tử cung bẩm sinh hoặc không thể mang thai vì điều kiện bệnh lý.
Tuy nhiên người mẹ này vẫn có trứng (noãn) và người bố vẫn có tinh trùng bình thường. Khi đó, người mang thai hộ sẽ cho “mượn bụng” để đặt phôi thai được thụ tinh nhân tạo.
Đứa bé sẽ mang gen di truyền của cha và mẹ chứ không phải người mang thai hộ.
Theo GS Tiến, các điều kiện chặt chẽ này nhằm hạn chế những ca mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc các rắc rối về vấn đề pháp lý khi tranh chấp đứa con giữa cha mẹ ruột và người mang thai hộ.
Tuy nhiên, không ít cặp vợ chồng chỉ có trứng hoặc chỉ có tinh trùng và cũng không thể mang lại thì buồn bực vì không thể xin trứng hoặc xin tinh trùng để nhờ “mang thai hộ”.
Cũng có người không tìm được họ hàng, cô bác hoặc chị em ruột, chị em họ nhờ mang thai hộ nên cũng ‘bất lực”. Thậm chí, có chị em đồng ý nhưng chồng họ không đồng ý thì cũng không được phép.