Thành Huế mộng mơ cổ kính, người Huế nhẹ nhàng tao nhã. Phụ nữ Huế
nổi tiếng thanh tao hiền thục. Thế nhưng Huế còn từng có những người con
gái tuổi 18 xinh đẹp đặt bom xe tăng địch, 18 tuổi cầm súng đối mặt với
kẻ thù, 18 tuổi mãi mãi dừng lại ở tấm bia tổ quốc ghi công...
Trong
căn nhà nhỏ bên đường tại thôn Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong
Điền, Thừa Thiên - Huế, hai người phụ nữ một già một trẻ đang chăm bẵm
một đứa trẻ nằm nôi.
Người bà trông gầy gò lam lũ, có phần chậm chạp yếu đuối tên Lê Thị Cúc, một thành viên trong trung đội Võ Thị Sáu, còn được biết đến là Đội du kích 11 cô gái Sông Hương.
Ba mẹ con bà cháu bà Lê Thị Cúc
Trong cuộc Tổng tấn công nổi dậy 11 cô gái sông Hương nguyên là tiểu đội dân quân xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh TT-Huế được giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vào tấn công các mục tiêu của địch phía bờ nam thành phố Huế.
11 cô gái Sông Hương trở thành nỗi ám ảnh cho quân đội Mỹ - Việt Nam cộng hòa. Trước một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ hùng mạnh, có xe tăng và máy bay yểm trợ, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương gan lì sử dụng súng AK, K44, một số mìn và lựu đạn, tận dụng nhà dân dàn trận khắp các địa điểm tại khu vực phường Phú Hội và phường Xuân Phú để đánh địch.
Trong suốt 20 ngày đêm chiến đấu, những cô gái Sông Hương đã diệt được 70 lính Mỹ, 4 xe tăng, thu giữ một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch, đẩy lùi một tiểu đoàn tinh nhuệ của Mỹ có vũ khí hiện đại và máy bay, xe tăng yểm trợ phải rút khỏi TP. Huế. Trong trận chiến này, 6 trong số 11 cô gái Sông Hương đã hy sinh.
Sau ngày đất nước thống nhất, các chị lại trở về với cuộc sống đời thường. Được coi là người may mắn viên mãn nhất trong những cô gái Sông Hương ngày ấy, tiểu đội trưởng Hoàng Thị Nở xưa kia giữ cương vị Chủ tịch Hội nông dân TP Huế trong 17 năm, hiện bà nghỉ hưu bên người chồng là một cựu sĩ quan quân đội hưu trí.
Một đồng đội của bà, Nguyễn Thị Hoa cũng sống trong TP Huế, chăm sóc người con trai bị nhiễm chất độc da cam từ mẹ, kết quả của những năm tháng chiến đấu ác liệt. Điều an ủi bà là hai người con còn lại đều khỏe mạnh, có gia đình riêng.
Buồn nhất có lẽ là chuyện của bà Lê Thị Cúc, nữ anh hùng thầm lặng ở thôn Vân Đình. Chiến tranh kết thúc, chị Cúc trở về thôn quê, gặp lại người yêu, lập gia đình. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau ngày cưới, chồng bà ra đi vì những di chứng cuộc chiến tranh.
Bà Nguyễn Thị Hoa bên cháu ngoại, Ảnh Hoàng Hường
Sau khi người chồng ra đi, chị Cúc đã có một quyết định dũng cảm và giản dị: quyết định làm mẹ đơn thân. Thế nhưng niềm hạnh phúc bình thường lại một lần nữa không được trọn vẹn. Người con gái bà sinh ra sau đó cũng không được khỏe mạnh bình thường. Cũng giống chị Hoa, bao năm lăn lộn trong những chiến trường ngập thuốc súng và chất độc da cam đã tàn phá sức khỏe bà.
Suốt bao năm trời, hai người phụ nữ ấy lay lắt trong căn nhà gió lùa tứ bề. Chỉ đến những năm gần đây, với sự phát hiện của báo chí, người ta mới biết bà Cúc là 'nữ du kích sông Hương'. Một căn nhà tình nghĩa được dựng lên. Con gái bà ở tuổi ngoài ba mươi cũng đã được làm mẹ.
Ba mẹ con, bà cháu trong ngôi nhà vắng đàn ông, đầy sự quạnh quẽ, cam chịu. Hàng ngày bà Cúc đi đan lưới thuê, kiếm 10 - 20 nghìn đồng/ngày. Mẹ con bà cháu đắp đổi qua ngày.
Mỗi người một cảnh, giờ đây những nữ anh hùng xưa giờ tĩnh lặng trong phần đời còn lại của mình. Ngày hôm nay có ai nhớ tặng hoa cho họ?